Cùng với đó, tài khoản vãng lai của Trung Quốc có thặng dư lớn, nên không cần tiếp tục phá giá đồng Nhân dân tệ (NDT) như năm 2015. Đây là tín hiệu tốt cho nền kinh tế và tiền tệ của các thị trường mới nổi như Việt Nam.
Bối cảnh kinh tế toàn cầu
Tăng trưởng của nền kinh tế toàn cầu được dự báo sẽ chậm lại, từ 3% trong năm vừa qua xuống mức 2,5% trong năm 2016. Hầu hết các nhà kinh tế đã điều chỉnh giảm dự báo tăng trưởng của nền kinh tế Mỹ trong năm 2016 và Standard Chartered chỉ kỳ vọng tăng trưởng 1% GDP trong năm nay, đây là mức thấp nhất trong các dự báo thị trường. Do vậy, có khả năng lãi suất của Mỹ sẽ không tăng trong năm 2016, và còn có khả năng Fed sẽ hạ lãi suất một lần nữa vào cuối năm. Do đó, chúng ta không nên kỳ vọng sự tăng trưởng của đồng USD.
Viễn cảnh của khu vực sử dụng đồng tiền chung euro cũng không khả quan hơn, do nhu cầu tiêu dùng trong khu vực giảm và tình trạng thất nghiệp cao duy trì tại một số quốc gia. Châu Âu đang đối mặt với tình hình chính trị căng thẳng, khủng hoảng di cư của người Syria không ngừng gia tăng và cuộc tổng tuyển cử quyết định liệu Anh có còn là thành viên Liên minh châu Âu hay không sẽ diễn ra trong tháng 6.
Thách thức của Hoa Kỳ và châu Âu là chính phủ phải phụ thuộc nhiều vào chính sách tiền tệ hơn chính sách tài khóa để điều chỉnh tăng trưởng kinh tế, trong khi việc nới lỏng tiền tệ có vẻ không có tác dụng. Ngược lại, việc Trung Quốc sẵn sàng sử dụng chính sách tài khóa để đảm bảo tăng trưởng trên 6,5% là rất rõ ràng. Vì Trung Quốc chi tiêu công nhiều hơn để kích thích nền kinh tế trong nước, chúng ta kỳ vọng chứng kiến bội chi ngân sách 2016 ở mức 3,8% GDP, tăng từ mức 3,5% trong năm vừa qua.
Ông Andrew Colin Vallis, Phó chủ tịch HĐQT kiêm Chủ nhiệm Ủy ban Quản lý rủi ro Ngân hàng ACB
Có ý kiến cho rằng, Trung Quốc cần phá giá đồng NDT để kích thích tăng trưởng, tuy nhiên chúng tôi không đồng ý với ý kiến này và lưu ý rằng, tài khoản vãng lai của Trung Quốc có thặng dư lớn, nên không cần phá giá đồng NDT, sau khi đã phá giá mạnh đồng tiền này trong năm 2015. Đây là tín hiệu tốt cho các nền kinh tế và tiền tệ của các thị trường mới nổi như Việt Nam.
Tổng quan nền kinh tế Việt Nam năm 2016 khả quan hơn so với 2015. Standard Chartered dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam đạt mức 6,9% trong năm 2016, tăng nhẹ so với 2015, một năm đã chứng kiến tăng trưởng vượt kỳ vọng.
Hai động lực chính tác động mạnh tới tăng trưởng vẫn là nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và xuất khẩu, cùng với các đóng góp tích cực từ ngành xây dựng và sản xuất. Các thỏa thuận thương mại quan trọng đã ký với EU và các quốc gia hai bờ Thái Bình Dương (Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương - TPP) sẽ điều chỉnh nguồn vốn FDI đổ vào Việt Nam. Thách thức của Việt Nam là có thể tận dụng nguồn vốn FDI mạnh mẽ để củng cố nền kinh tế trong nước, tạo ra nhiều việc làm đòi hỏi kỹ năng lành nghề của người lao động và xây dựng khu vực DN nhỏ và vừa tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Đòi hỏi ngân hàng nâng cao năng lực tài chính
Trong năm 2016, ngành ngân hàng Việt Nam sẽ tiếp tục đối mặt với nhiều thách thức. Trước hết là nợ xấu tồn đọng lớn trong hệ thống, cần vài năm để giải quyết. Các ngân hàng đã và đang tiếp tục thực hiện bán nợ xấu cho Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng (VAMC), nhưng giải pháp xử lý các khoản nợ xấu đó vẫn còn chậm.
Thứ hai, các ngân hàng cần tăng vốn, do đang hướng đến tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu theo quy định của Basel II. Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đang khuyến khích các ngân hàng, bao gồm ACB, hạn chế trả cổ tức bằng tiền mặt cho cổ đông, để nâng cao năng lực vốn.
Nhưng các ngân hàng có thể cũng cần phải gọi thêm vốn chủ sở hữu và vốn cấp 2, nếu có nhu cầu tiếp tục mở rộng kinh doanh. Tăng trưởng tín dụng tại Việt Nam càng cao thì các ngân hàng Việt Nam càng cần nhiều vốn.
Chiến lược của ACB là sẽ tập trung vào cho vay bán lẻ và DN nhỏ và vừa
Chúng tôi kỳ vọng quá trình sáp nhập trong ngành ngân hàng năm 2016 sẽ tiếp tục diễn ra, dưới sự khuyến khích và giám sát của NHNN. Đây không phải là một quá trình đơn giản, nhưng cần thiết nếu Việt Nam muốn xây dựng một ngành ngân hàng có thể hỗ trợ toàn diện cho nền kinh tế. Thông tư 36/2014/TT-NHNN có hiệu lực từ cuối năm 2014, là một phần quan trọng của quy định, đưa ra mức vốn tối thiểu, các giới hạn cho vay và khả năng thanh toán, cũng như hướng tới giảm việc sở hữu chéo giữa các ngân hàng tại Việt Nam. Việc giảm sở hữu chéo cần được thực hiện cẩn trọng, để không gây bất ổn trong thị trường ngân hàng.
Trong bối cảnh nói trên, Ngân hàng ACB tiếp tục có những bước tiến triển tốt theo kế hoạch tái cấu trúc bắt đầu từ năm 2013. Các quy trình quản trị đang vận hành tốt, với các ủy ban có chức năng giám sát các lĩnh vực chính của ngân hàng như: quản lý rủi ro và đầu tư. Tăng trưởng của ACB tập trung vào phát triển cho vay mảng bán lẻ và khách hàng doanh nghiệp nhỏ và vừa hơn là doanh nghiệp lớn. Chúng tôi tin rằng, đây là chiến lược đúng đắn của ACB. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, ACB cũng cần thay đổi để tăng tính cạnh tranh và hoạt động hiệu quả hơn. Chúng tôi đã dùng nhiều thời gian để thảo luận về vấn đề công nghệ thông tin và các dự án liên quan. ACB tiếp tục đầu tư mạnh mẽ để nâng cấp cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin. Việc đầu tư này mang lại nhiều lợi ích cho Ngân hàng, xét về việc cải thiện hiệu quả, dịch vụ khách hàng và kiểm soát rủi ro.
Qua 3 năm làm thành viên HĐQT ACB, tôi đã chứng kiến rất nhiều thay đổi của Ngân hàng. Bên cạnh một số thay đổi có thể nhìn thấy rõ ràng như việc triển khai thương hiệu mới và làm mới các kênh phân phối, nhiều thay đổi trong cách làm việc đã thực sự mang lại lợi ích cho Ngân hàng, cho khách hàng và cho các cổ đông xét về lâu dài.
Ông Andrew Colin Vallis là Chủ nhiệm Ủy ban Quản lý rủi ro, Chủ nhiệm Ủy ban Chiến lược, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đầu tư và Phó Chủ tịch Hội đồng Giải quyết các sự vụ đặc biệt của ACB. Ông từng là Giám đốc điều hành của Ngân hàng Standard Chartered phụ trách nhiều khu vực ở châu Âu và châu Á từ năm 2002 - 2013; là quản lý kiểm toán tại Công ty Kiểm toán Pricewaterhouse Coopers từ năm 1981 - 1987; giữ nhiều vị trí tại Ngân hàng Barclays như Giám đốc tài chính, Giám đốc Ngân hàng đầu tư. Ông tốt nghiệp Cử nhân Luật Trường Đại học Nottingham (Anh) và từng là thành viên Ban chuyên môn Kế toán viên chuyên trách của Hội Kế toán công chứng Anh và xứ Wales.
Standard Chartered đã là một cổ đông của ACB từ năm 2005. Hơn 10 năm qua, Standard Chartered đã đưa một số chuyên gia vào ACB để hỗ trợ xây dựng và củng cố nhiều lĩnh vực của Ngân hàng. Mục tiêu là để đào tạo và phát triển các nhân viên tại ACB, không phải để làm việc lâu dài tại ACB. Ngân hàng ACB đã có nhiều bước tiếp trong việc củng cố năng lực về nhiều mặt và hiện nay không cần nhiều sự hỗ trợ từ Standard Chartered. Kết quả là Standard Chartered theo kế hoạch có thể giảm sự tham gia trực tiếp vào việc quản lý của ACB.