Trật tự mới trong thị phần môi giới quý I

(ĐTCK) Động thái thâu tóm Sacombank có ảnh không nhỏ đến thứ hạng, nhưng ấn tượng lớn nhất đến từ khoảng cách được thu hẹp giữa CTCK nhóm đầu với phần còn lại.
Trật tự mới trong thị phần môi giới quý I

> Quý I/2012, Top 10 chiếm 61,4% thị phần môi giới sàn HOSE

HOSE vừa công bố bảng xếp hạng thị phần môi giới quý I/2012. Động thái thâu tóm Sacombank có ảnh không nhỏ đến các thứ hạng, nhưng ấn tượng lớn nhất đến từ khoảng cách được thu hẹp giữa CTCK nhóm đầu với phần còn lại của thị trường.

 

Âm hưởng cổ phiếu “vua”

CTCK Rồng Việt (VDSC) là cái tên mới nhất trở thành “hiện tượng” trên bảng xếp hạng thị phần môi giới. Giải mã thứ hạng của VDSC trong quý I/2012 không quá khó, khi gắn với câu chuyện đình đám Sacombank bị thâu tóm. Trong quý I, một loạt cổ đông lớn của ngân hàng này như Ngân hàng ANZ (nắm 9,8% cổ phần), REE (3,66%), Temasek (2,04%)… lần lượt thoái vốn. Khách hàng lớn tại VDSC là những người mua vào. Những giao dịch thỏa thuận với khối lượng “bom tấn” khiến thị phần môi giới của CTCK này đại nhảy vọt. Nhưng cũng cần nhắc lại, trước VDSC có nhiều “ngôi sao băng” khác như: CTCK Hòa Bình, CTCK Đông Nam Á, VI Securities, VP Bank Securities… lóe sáng trên bảng xếp hạng rồi vụt tắt. Họ chỉ đóng vai trò “ngựa ô” trên đường đua thị phần. VDSC có 3 tháng sắp tới để khẳng định mình khác biệt.

Tương tự VDSC, CTCK ACBS tạo nên một bất ngờ lớn khi lần đầu tiên lọt vào Top 3 với 10,36% thị phần. Trên thực tế, ACBS luôn ổn định trong Top 10 và gần đây cải thiện thứ hạng khá nhanh khi một loạt đối thủ tự suy yếu. Dù vậy, việc ACBS tăng thị phần môi giới lên gấp đôi chỉ sau một quý, từ 5,36% lên 10,36% khó có thể lý giải bằng lý do tăng trưởng hữu cơ. ACBS là một CTCK có nền tảng tốt cả về thương hiệu, lượng khách hàng tổ chức lẫn NĐT VIP, nhưng sự bảo thủ nhất định trong hoạt động trước đây khiến họ hụt hơi trong cuộc đua tranh thứ hạng với một loạt CTCK có “bà đỡ” ngân hàng đứng sau. Thứ hạng của ACBS lần này chưa phải là dấu ấn của một cuộc cách mạng về chiến lược môi giới, mà phần lớn là nhờ các giao dịch về cổ phiếu “vua” (như STB và EIB) của một số khách hàng lớn.

 CTCK ACBS lần đầu tiên lọt vào Top 3 với 10,36% thị phần môi giới trên HOSE

Dấu ấn thị phần

Ngoài bước nhảy của VDSC và ACBS, ấn tượng lần này trên bảng xếp hạng đến từ những khoảng cách. Hai thứ hạng cao nhất đang lần lượt thuộc về CTCK Sài Gòn (SSI) và CTCK HSC. Khoảng cách giữa HSC (11%) và SSI (11,74%) khá mong manh (quý IV/2011, thị phần môi giới trên HOSE của HSC là 8,5%, SSI là 12,25%).

“HSC cũng có một số giao dịch thỏa thuận lớn đối với cổ phiếu ngân hàng, nhưng thị phần môi giới có được vẫn đến từ khối khách hàng ổn định hiện hữu. Trong quý I, khách hàng cá nhân của chúng tôi tăng mạnh hơn khách hàng tổ chức”, ông Lê Công Thiện, Giám đốc điều hành phụ trách Bộ phận môi giới cá nhân giải thích với ĐTCK về sự thăng tiến vừa qua.

Bên cạnh các con số gây ấn tượng mạnh như 3 CTCK dẫn đầu (SSI, HSC, ACBS) nắm tới 33% thị phần, Top 10 nắm giữ 61,4% thị phần môi giới tại HOSE, một điểm đáng chú ý khác là đứng cuối cùng trong bảng xếp hạng nhưng CTCK VNDirect vẫn có thị phần 3,13%. Đây là điểm khác biệt rất lớn so với những lần trước trước đây, khi có những CTCK chiếm 2 - 3% thị phần đã đủ để lọt vào Top 10. Những cột mốc này cho thấy, bức tranh môi giới đang được vẽ lại, trong đó chỉ có các CTCK lớn, uy tín mới giữ ưu thế thu hút khách hàng. Sự cạnh tranh trong Top 10 cũng gay gắt, khốc liệt hơn, giải thích sự xuống hạng của những cái tên như FPTS (liên tục có mặt trong Top 10 từ năm 2009 - 2011) hay BVSC. Trong khi đó, những cái tên mới như CTCK Vietcombank (VCBS) đã vươn lên để lọt vào Top 10, đứng ở vị trí thứ 9, với 3,51% thị phần.

 

Phần còn lại của Top 10

Thị phần môi giới của CTCK KimEng (KEVS) cải thiện rất nhỏ, từ 5,09% lên 5,11%, nhưng thứ hạng có bước tiến đáng kể từ vị trí thứ 6 vào cuối quý IV/2011 lên vị trí thứ 4 trong quý I/2012, thay thế CTCK Bản Việt.

“KEVS đã đạt được thỏa thuận sơ bộ với một vài đối tác ở cả hai miền để tiếp nhận khách hàng của họ, tương tự CTCK Đông Dương trước đây. Tuần này, có thể chúng tôi sẽ ký kết chính thức và công bố ra thị trường”, ông Lê Minh Tâm, Tổng giám đốc KEVS chia sẻ với ĐTCK về các chuyển động mới nhất trong hoạt động môi giới tại Công ty.

Trong thực tế, thị phần của KEVS có thể cao hơn nếu tính cả các giao dịch lô lớn 15% cổ phiếu SJS (không qua hệ thống) tại CTCK này. Dù thị phần chỉ bằng phân nửa ACBS, nhưng với những gì đã và đang toan tính, KEVS thể hiện một chiến lược khá nhất quán khi tập trung nguồn lực, kiên trì bám trụ nghiệp vụ “lõi” là môi giới.

Vị trí của VDSC hay ACBS chịu thử thách rất lớn trong quý II/2012, nếu nhìn vào sự tụt hạng của CTCK Sacombank (SBS). Hưởng lợi lớn từ các giao dịch lô lớn vào cuối năm ngoái, nhưng sau đó SBS sớm lùi về vị trí thứ 8 với 3,69% thị phần hiện nay, từ vị trí thứ 3 với 6,05% thị phần trong quý IV/2012.

Một lãnh đạo SBS tiết lộ với ĐTCK, trong quý I/2012, Công ty đã nỗ lực xử lý dứt điểm các khoản nợ xấu trước đây. SBS sẽ ghi nhận một con số lỗ tuyệt đối có lẽ lớn nhất khối công ty niêm yết trên cả hai sàn để đổi lại có một báo cáo tài chính được xác nhận minh bạch từ công ty kiểm toán và bắt đầu có lãi từ quý II/2012 (năm 2011, SBS lỗ 609,5 tỷ đồng - số liệu chưa kiểm toán).

Nỗ lực tái cơ cấu, nhưng sự trở lại của SBS được nhận định là không dễ dàng nếu nhìn vào thứ hạng thứ 7 của CTCK Thăng Long (TLS). Cả hai biểu tượng thành công giai đoạn 2009 - 2010 đang trong quá trình tái cơ cấu và đang chịu các thách thức tương tự.

Giang Thanh
Giang Thanh

Tin cùng chuyên mục

VNIndex 1,209.52 4.55 0.38% 154,884 tỷ
HNX 226.82 -0.75 -0.33% 1,394 tỷ
UPCOM 88.66 0.33 0.37% 435 tỷ