Thị trường tài chính 24h: Lỗi hẹn

(ĐTCK) VN-Index suýt chút nữa đã lấy lại ngưỡng 960 điểm; Nợ nhóm 5 nhiều ngân hàng có dấu hiệu tăng; “Đau đầu” cứu giá cổ phiếu; Tìm cơ hội với cổ phiếu “ẩn mình” trên UPCoM; Tìm cơ hội với cổ phiếu chào sàn tháng 8; Chứng khoán Châu Á chưa thể gượng dậy sau phiên lao dốc hôm qua; Cổ phiếu công nghệ đón cơn ác mộng, bong bóng “dotcom” tái hiện...là những thông tin đáng chú ý của thị trường trong 24h qua.
Ảnh Internet. Ảnh Internet.

VN-Index lên sát 960 điểm

Thị trường tiếp tục đi lên trong phiên sáng giúp VN-Index vượt ngưỡng 965 điểm.

Tuy nhiên, áp lực bán của nhà đầu tư nước ngoài khá mạnh và tập trung vào một số cổ phiếu bluechip như HPG, VNM, VIC, NVL… khiến đà tăng chững lại.

Bước sang phiên chiều, , thị trường đã gặp khó trước lực cản đến từ nhóm cổ phiếu lớn. Áp lực bán lan rộng khiến sắc đỏ có phần chiếm ưu thế.

Thị trường vẫn tiếp diễn xu hướng giằng co, nhưng điểm tựa từ là VIC và nhóm dầu khí đã giúp VN-Index nhanh chóng bật ngược trở lại.

Tuy vậy, thị trường vẫn chưa vượt qua được ngưỡng tâm lý 960 điểm do lực bán đột ngột gia tăng trong đợt khớp ATC.

VIC tăng 4,5% lên 111.500 đồng và khớp lệnh hơn 2,53 triệu cổ phiếu. Còn “người anh em” VRE tăng 3,62% lên 41.500 đồng với hơn 2,37 triệu đơn vị khớp lệnh.

Nhóm cổ phiếu dầu khí, GAS tăng 2,9% lên mức 93.600 đồng, PLX tăng 1,31% lên mức 62.600 đồng, PVD tăng 6,4% lên mức 15.000 đồng; PXS và PJT cùng lập sắc tím khi kết phiên.

Nhóm cổ phiếu ngân hàng có phần kém tích cực hơn. Trong khi HDB, MBB và VPB còn giữ mức tăng nhẹ, thì các mã lớn trong ngành như BID, CTG, VCB đã đảo chiều giảm.

Thêm vào đó, VNM nới rộng đà giảm -2% xuống 161.600 đồng, cùng SAB giảm hơn 2% xuống mức 199.900 đồng, là những tác nhân chính khiến thị trường lỗi hẹn với mốc 960 điểm.

Ở nhóm cổ phiếu thị trường, sắc đỏ vẫn chiếm áp đảo với các mã quen thuộc như FLC, FIT, DXG, DLG, DPR, HAR, QCG…

Trong phiên này, trên sàn HOSE khối ngoại bán ròng hơn 10,04 triệu đơn vị, giá trị bán ròng 404,76 tỷ đồng. 

Trên sàn HNX, khối ngoại bán ròng 770.834 đơn vị, giá trị bán ròng 20,68 tỷ đồng.

Trên sàn UPCoM, khối ngoại bán ròng hơn 1,35 triệu đơn vị, giá trị bán ròng 12,15 tỷ đồng.

Kết thúc phiên giao dịch 3/8: VN-Index tăng 6,05 điểm (+0,63%), lên 959,6 điểm; HNX-Index tăng 0,59 điểm (+0,56%), lên 106,24 điểm; UPCoM-Index tăng 0,45 điểm (+0,9%), lên 50,63 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 5.735  tỷ đồng.

Chứng khoán thế giới

Chứng khoán Mỹ

Trong khi chứng khoán Âu, Á đóng cửa trước đó mấy tiếng chìm trong sắc đỏ do lực bán tháo ồ ạt diễn ra trên diện rộng khi giới đầu tư lo ngại chiến tranh thương mại leo thang, thì trên thị trường chứng khoán Mỹ, dù cũng mở cửa trong sắc đỏ, nhưng sau đó đã đảo chiều nhờ nhóm cổ phiếu công nghệ.

Cũng giống chứng khoán Âu, Á, phố Wall mở cừa trong sắc đỏ sau khi đại diện thương mại Mỹ Robert Lighthizer cho biết, ông đã được chỉ đạo tăng thuế đề xuất trước đó đối với hàng nhập khẩu của Trung Quốc.

Đáp lại, tại một cuộc họp báo, người phát ngôn Bộ ngoại giao Trung Quốc gọi kế hoạch này là "tống tiền".

Tuy nhiên sau đó, với sự trợ giúp của nhóm cổ phiếu công nghệ, được dẫn dắt bởi Apple khi cổ phiếu của nhà sản xuất iphone tăng 2,9%, đưa giá trị vốn hóa vượt 1.000 tỷ USD và kéo hàng loạt đại gia công nghệ khác tăng theo như Facebook, Alaphabet, Netflix, Amazon, giúp S&P 500 đảo chiều và Nasdaq tăng vọt hơn 1,2%.

Trong khi đó, Dow Jones cũng đảo chiều trở lại, nhưng thiếu chút may mắn nên vẫn đóng cửa sát dưới ngưỡng tham chiếu.

Trong phiên thứ Năm, cổ phiếu của hãng sản xuất xe điện Tesla thậm chí tăng 16,2% dù vừa có báo cáo lỗ kỷ lục trong quý II/2018. Tuy nhiên, nhà đầu tư lại bị thuyết phục và tin tưởng vào lợi nhuận trong tương lai của hãng.

Kết thúc phiên 2/8, chỉ số Dow Jones giảm 7,66 điểm (-0,03%), xuống 25.326,16 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 13,86 điểm (+0,49%), lên 2.827,22 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 95,40 điểm (+1,24%), lên 7.802,68,68 điểm.

Thị trường châu Á

Chứng khoán Nhật Bản giảm trong phiên chiều và đóng cửa chỉ có sắc xanh nhạt khi nhà đầu tư vẫn tiếp tục bán ra cổ phiếu do lo ngại căng thẳng thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ.

Đóng cửa, chỉ số Nikkei 255 tăng 0,05% lên 22.525,18 điểm. Tuy nhiên, Topix giảm 0,54% xuống 1.742,58 điểm, mức thấp nhất trong ba tuần.

Điểm sáng nâng đỡ Nikkei 255 là cổ phiếu của Suzuki tăng 8,6%, đóng góp 20 điểm tích cực cho thị trường, sau khi lợi nhuận quý I năm tài chính đạt mức cao kỷ lục, vượt qua dự báo của các nhà phân tích.

 “Các nhà đầu tư nước ngoài thường bán ra cổ phiếu của Nhật Bản trong tháng Tám trong 8 năm qua. Nhưng năm nay, Nhật Bản sẽ bắt đầu đàm phán thương mại với Mỹ vào cuối tháng này. Chưa có gì là chắc chắn, do đó tâm lý nhà đầu tư nhìn chung là đang lo lắng ”Masahiro Ayukai, chiến lược gia của Mitsubishi UFJ Morgan Stanley Securities nói.

Phiên hôm nay, Toyota Motor giảm 0,85%, ngay cả khi lợi nhuận tăng 19% trong quý vừa qua, và là mức tăng hàng quý cao nhất trong hơn 2 năm rưỡi qua.

Kubota, nhà sản xuất máy kéo giảm 8,3% sau khi, lợi nhuận ròng giảm 4% do chi phí nguyên vật liệu tăng cao.

Chứng khoán Trung Quốc tiếp tục mất điểm, khi nỗi lo chiến tranh thương mại vẫn ám ảnh thị trường

Đóng cửa, Shanghai Composite giảm 1% xuống 2.768,02 điểm. Chỉ số CSI300 bluechip giảm 1,65% xuống  3.315,38 điểm.

Trong tuần, Shanghai Composite mất 4,6%, CSI300 mất 5,9%.

Chỉ số phụ ngành tài chính giảm 0,46%, ngành tiêu dùng giảm 2,1%, bất động sản giảm 1,8% và y tế giảm 3,34%.

Ngành dịch vụ, y tế của Trung Quốc đã xuống mức thấp nhất trong bốn tháng trong tháng 7 vừa qua, sau bị bê bối vắc-xin giả đã gây mất niềm tin nghiêm trọng trong xã hội.

Căng thẳng thương mại cũng đang là mối lo lớn, khi Trung Quốc thề sẽ trả đũa nếu Mỹ tăng thuế đối với hàng hóa xuất khẩu của Trung Quốc.

Nhóm cổ phiếu tăng tốt nhất hôm nay có  Hunan Huasheng Co Ltd tăng 10,07%; Taiyuan Chemical Industry Co Ltd tăng 10,05% và Shanghai Highly Group Co Ltd tăng 10,02%.

Nhóm cổ phiếu giảm sâu nhất gồm Shanghai Feilo Acoustics Co Ltd giảm 10,05%; Suzhou Institute of Building Science Group Co Ltd giảm 10% và Autobio Diagnostics Co Ltd giảm 9,99% .

Từ đầu năm, Shanghai Composite  giảm 17,1%, CSI300 giảm 17,8%, trong khi chỉ số H của Trung Quốc niêm yết tại Hồng Kông giảm 9%.

Chứng khoán Hồng Kông giảm nhẹ,  bởi nỗi lo sợ kéo dài về tăng trưởng kinh tế chậm lại ở Trung Quốc, vụ bê bối vắc-xin chèn ép cổ phiếu y tế và cuộc chiến thương mại Trung-Mỹ gây áp lực.

Đóng cửa, Hang Seng-Index giảm 0,1% còn 27.676,32 điểm. Chỉ số Hang Seng China Enterprises giảm 0,4% xuống còn 10.693,79 điểm.

Trong tuần, Hang Seng-Index giảm 3,9%, mức giảm hàng tuần tồi tệ nhất kể từ tháng Hai.

Chỉ số phụ theo dõi ngành y tế giảm 3%, ngành năng lượng giảm 0,5%, CNTT tăng 0,55%, tài chính giảm 0,05% và bất động sản giảm 0,69%.

Cổ phiếu tăng điểm cao nhất hôm nay là Swire Pacific Ltd tăng 1,43%, trong khi giảm mạnh nhất là Dược phẩm CSPC giảm 4,10%.

Nhóm cổ phiếu H tăng tốt nhất PICC Property và Casualty Co Ltd tăng 3,99%; Tencent Holdings Ltd tăng 1,39% và CITIC Ltd tăng 0,37%.

Nhóm cổ phiếu H giảm nhiều nhất là Air China Ltd giảm 5,06%; Byd Co Ltd giảm 4,8% và Great Wall Motor Co Ltd giảm 4,6%.

Kết thúc phiên 3/8: Chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 12,65 điểm (+0,55%), lên 22.525,18 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 38,24 điểm (-0,14%), xuống 27.676,32 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 27,58 điểm (-1,00%), xuống 2.740,44 điểm.

Thị trường vàng và ngoại tệ

- Vàng SJC tăng nhẹ. Tỷ giá USD giao dịch quanh 23.340 đồng/USD.

Tại thị trường vàng trong nước, sau khi mở cửa sáng nay không đổi so với chiều ngày hôm qua. Vào cuối giờ chiều nay, vàng SJC tại Hà Nội đứng ở mức 36,61 - 36,81 triệu đồng/lượng, tăng 10.000 đồng/lượng so với đầu giờ sáng.

Trong khi đó, tỷ giá trung tâm ngày hôm nay được công bố ở mức 22.676 đồng/USD, tăng 10 đồng so với ngày hôm qua. Tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại chiều nay giao dịch phổ biến ở mức 23.260 - 23.340 đồng/USD.

Các thông tin đáng chú ý khác

Nợ nhóm 5 nhiều ngân hàng có dấu hiệu tăng

Các ngân hàng rầm rộ báo cáo kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm khả quan, nợ xấu được kiểm soát tốt. Song, đáng lưu tâm là nợ có khả năng mất vốn (nhóm 5) tại nhiều ngân hàng lại có dấu hiệu tăng..>> Chi tiết

“Đau đầu” cứu giá cổ phiếu

So với giai đoạn thị trường chứng khoán tạo đỉnh vào tháng 4/2018, hiện tại, nhiều cổ phiếu đã giảm giá tới gần 50%, khiến lãnh đạo doanh nghiệp như “ngồi trên đống lửa”. Lo lắng là vậy, nhưng mỗi vị lãnh đạo lại có cách ứng xử khác nhau..>> Chi tiết

Tìm cơ hội với cổ phiếu “ẩn mình” trên UPCoM

Trong tháng 8 này, sàn UPCoM sẽ phải chia tay 2 cổ phiếu có thị giá cao là SGN (của CTCP Phục vụ mặt đất Sài Gòn) và SCS (của CTCP Dịch vụ hàng hóa Sài Gòn). Sự kiện chuyển sàn của hai cổ phiếu này cũng gợi mở cho nhà đầu tư cơ hội ở những đại gia khác đang “ẩn mình” trên UPCoM..>> Chi tiết

Tìm cơ hội với cổ phiếu chào sàn tháng 8

Tuần đầu tiên của tháng 8, thị trường chứng khoán có ít nhất 7 doanh nghiệp chuyển và chào sàn. Một số doanh nghiệp được đánh giá hấp dẫn, một số khác có dấu hiệu rủi ro cao..>> Chi tiết

Khủng hoảng thịt lợn và “gót chân Achiles” của ngành nông nghiệp Việt - Bài 2

Giá thịt lợn tăng cao ngoài dự đoán đang dấy lên những e ngại về khả năng thị trường bị các đại gia thao túng. Bên cạnh đó, mặt bằng giá con giống, thức ăn chăn nuôi cũng có nguy cơ bị kéo lên cao, “ăn theo” đà tăng của giá thịt, dẫn đến nhiều hệ lụy thua lỗ và chán chường cho người chăn nuôi..>> Chi tiết

Cổ phiếu công nghệ đón cơn ác mộng, bong bóng “dotcom” tái hiện

Sau cú sẩy chân của Facebook, giới đầu tư đã vội vã tháo chạy khỏi các cổ phiếu công nghệ tại thị trường chứng khoán Mỹ..>> Chi tiết

Thạch Bắc tổng hợp

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục

VNIndex 1,209.52 4.55 0.38% 154,884 tỷ
HNX 226.82 -0.75 -0.33% 1,394 tỷ
UPCOM 88.66 0.33 0.37% 435 tỷ