“Sáng tạo” trong cách làm việc
Nhân viên môi giới tại một công ty chứng khoán thuộc Top 10 về thị phần chia sẻ, thu nhập từ phí môi giới trong quý II/2018 giảm mạnh, may mà có một số khách hàng lớn thường xuyên “đảo hàng” nên không đến nỗi quá tệ.
Môi giới tại một số công ty chứng khoán khác cho biết, hầu hết môi giới bị giảm thu nhập do nhà đầu tư ít giao dịch. Thị trường chứng khoán điều chỉnh nên nhà đầu tư thận trọng mua vào, nhiều nhà đầu tư thua lỗ nhưng ít chịu bán ra cắt lỗ, mà nắm giữ chờ cơ hội hồi phục.
Ngay cả các tài khoản có sử dụng tiền vay (giao dịch ký quỹ - margin), ngoại trừ trường hợp bắt buộc bán ra nhằm đảm bảo tỷ lệ ký quỹ thì phần lớn nhà đầu tư đều không bán ra. Chính vì vậy, lượng tiền margin mà nhà đầu tư sử dụng không giảm mạnh, thậm chí ở một số công ty chứng khoán còn tăng lên.
Theo các môi giới trên, tại nhiều công ty chứng khoán, bộ phận môi giới đều phải “sáng tạo” trong cách làm việc, mục tiêu chính là mang lại giá trị gia tăng nhiều hơn cho khách hàng, từ đó vừa giữ được khách hàng, vừa thúc đẩy giao dịch.
Chẳng hạn, tạo nhóm cung cấp thông tin tổng hợp cho nhà đầu tư, hay nhóm khuyến nghị cổ phiếu dựa trên phân tích các yếu tố cơ bản, có nhóm chuyên tư vấn theo phân tích kỹ thuật; không ít nhóm môi giới tổ chức các chuyến tham quan, gặp gỡ trực tiếp lãnh đạo doanh nghiệp để tìm hiểu thông tin; tập trung phân tích các mã cổ phiếu lớn, từ đó khuyến nghị nhà đầu tư, nhất là khách “VIP” bán ra hoặc mua thêm, sử dụng đòn bẩy tài chính nếu thấy đó là cơ hội đầu tư rõ ràng…
Môi giới và cho vay vẫn là nguồn thu chính
Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Đầu tư Chứng khoán, mảng môi giới và cho vay vẫn có đóng góp chính vào kết quả kinh doanh của các công ty chứng khoán, nhất là đối với những công ty trong tốp đầu về thị phần môi giới như Chứng khoán Sài Gòn (SSI), Chứng khoán TP.HCM (HSC), Chứng khoán Bản Việt (VCSC)… Tuy nhiên, nhìn chung, kết quả kinh doanh của khối công ty chứng khoán có sự phân hóa khá mạnh.
Công ty Chứng khoán MB (MBS) gây ấn tượng với kết quả lãi quý II/2018 gấp 10 lần cùng kỳ năm ngoái; doanh thu đạt 292,7 tỷ đồng, tăng 61%, trong đó doanh thu các mảng hoạt động chính đều tăng.
Cụ thể, môi giới đóng góp doanh thu hơn 99 tỷ đồng, chiếm 33% tổng doanh thu; lãi từ các khoản cho vay và phải thu đạt hơn 84 tỷ đồng (cuối quý II, MBS có 2.169 tỷ đồng các khoản cho vay và phải thu), tăng 37% và chiếm gần 29% tổng doanh thu; doanh thu từ hoạt động tư vấn tài chính đạt 38.6 tỷ đồng, tăng 75%.
Bên cạnh đó, lãi từ các tài sản tài chính thông qua lãi/lỗ của MBS đạt 31,2 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước âm 24 tỷ đồng. Công ty nắm giữ cổ phiếu niêm yết với giá trị gốc 190 tỷ đồng, nhưng giá trị đánh giá lại chỉ là 143 tỷ đồng. Ngoài ra, MBS nắm giữ lượng trái phiếu trị giá gần 214 tỷ đồng.
Công ty Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (SHS) có doanh thu quý II/2018 tăng 2% so với cùng kỳ năm ngoái; lợi nhuận đạt 39,5 tỷ đồng. Trong cơ cấu doanh thu, lãi từ tài sản tài chính FVTPL và lãi từ cho vay và phải thu đóng góp lần lượt là 90,6 tỷ đồng và 99 tỷ đồng (giá trị khoản mục cho vay và phải thu tại thời điểm cuối quý II của SHS là 2.265,8 tỷ đồng, trong đó cho vay hoạt động margin hơn 2.006 tỷ đồng); mảng môi giới mang lại 63,7 tỷ đồng, tương đương cùng kỳ năm ngoái.
Tại Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), thị trường chứng khoán điều chỉnh đã tác động đến hoạt động kinh doanh Công ty, đặc biệt là mảng tự doanh và môi giới. Trong quý II/2018, doanh thu môi giới đạt 24,15 tỷ đồng, giảm 18% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong kỳ, VDSC phải trích lập các khoản giảm giá từ hoạt động tự doanh, qua đó làm đội chi phí dự phòng và giảm lợi nhuận. Danh mục tự doanh của VDSC có giá trị gốc 328 tỷ đồng, nhưng giá trị đánh giá lại cuối quý II chỉ còn 297 tỷ đồng.
Tuy nhiên, lãi từ các khoản cho vay và phải thu của VDSC trong quý II/2018 đạt hơn 52,5 tỷ đồng, tăng 53% so với cùng kỳ năm ngoái, đóng góp gần 47% tổng doanh thu. Giá trị khoản mục cho vay và phải thu thời điểm cuối quý II của VDSC là 1.608 tỷ đồng, tăng gần 300 tỷ đồng so với đầu năm.
Đồng thời, lãi từ tài sản tài chính ghi nhận qua lãi/lỗ trong kỳ đạt hơn 31 tỷ đồng, tăng 13%, nhưng chi phí tài chính ghi nhận qua lãi/lỗ là 43,5 tỷ đồng, tăng 293%. Kết quả, Công ty lãi sau thuế 4,7 tỷ đồng trong quý II/2018.
Với công ty chứng khoán có vốn ngoại là KIS Việt Nam, Công ty ghi nhận doanh thu quý II/2018 đạt 70,6 tỷ đồng, tăng gần 42% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, mảng đóng góp chính là môi giới, đạt 30,7 tỷ đồng, gấp đôi quý II/2017; lãi từ cho vay và phải thu đạt 28,7 tỷ đồng (dư nợ cuối kỳ là 1.850,6 tỷ đồng, trong đó cho vay margin 1.789 tỷ đồng, tăng 35%), trong khi cùng kỳ là 11,6 tỷ đồng. Trong khi đó, chi phí hoạt động xấp xỉ cùng kỳ năm ngoái. Kết quả, lãi sau thuế quý II năm nay của Công ty đạt 4,3 tỷ đồng (cùng kỳ âm 2,6 tỷ đồng).
Công ty chứng khoán có vốn ngoại khác là Mirae Asset, lần đầu tiên lọt vào Top 10 thị phần môi giới quý II/2018 trên HOSE, với doanh thu trong kỳ đạt 114 tỷ đồng, tăng 216% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, chi phí hoạt động quý II/2018 gấp 9,6 lần cùng kỳ và chi phí quản lý tăng 47% nên lợi nhuận sau thuế đạt gần 14 tỷ đồng, giảm 28% so với quý II/2017.