Rủi ro rình rập

Kỳ vọng về ngưỡng 400 điểm đã được đặt ra sau phiên giao dịch 8/5 đạt 366,22 điểm. Tuy nhiên, sự hứng khởi của các nhà đầu tư khi liên tục tranh mua bất chấp nhiều cổ phiếu có kết quả kinh doanh kém trong quý 1 vừa qua đang khiến thị trường tiềm ẩn rủi ro lớn.
Theo các chuyên gia, các NĐT mới cần hết sức theo dõi diễn biến thị trường. Theo các chuyên gia, các NĐT mới cần hết sức theo dõi diễn biến thị trường.

Cổ phiếu phân hóa, giao dịch đánh đồng

 

Đến thời điểm này, hầu hết công ty niêm yết đã công bố báo cáo tài chính quý 1 và cổ phiếu (CP) cũng đã có sự phân hóa khá rõ rệt qua kết quả kinh doanh và lợi nhuận của mỗi công ty. Trước những khó khăn khó lường của năm nay, nhiều nhà chuyên môn đã nhận định các nhà đầu tư (NĐT) sẽ giảm quan tâm đối với những công ty có sức đề kháng kém thể hiện qua kết quả kinh doanh, lợi nhuận sụt giảm, tập trung vào các công ty có kết quả kinh doanh tốt hơn. Tuy nhiên, diễn biến thị trường những phiên giao dịch gần đây đã không như vậy.

 

Phần lớn CP trên sàn dù của công ty làm ăn hiệu quả hay gặp khó khăn đều cùng tăng giá hoặc mất giá tùy vào thị trường tăng hay giảm điểm. Có thể kể không ít CP có kết quả kinh doanh thấp trong quý 1/2009 nhưng vẫn tăng giá ào ào. Đơn cử như CP SJS của CTCP Đầu tư phát triển đô thị và khu công nghiệp Sông Đà. Quý 1 vừa qua, lợi nhuận của SJS chỉ đạt 9,6 tỷ đồng (cùng kỳ năm trước là 57,5 tỷ đồng). Nhưng, CP SJS vẫn thường xuyên tăng trần trong những phiên giao dịch gần đây. Tính từ ngày 28/4 đến phiên giao dịch ngày hôm qua (8/5), SJS đã tăng từ 53.000 đồng lên 68.000 đồng/CP, tăng trên 20% sau khoảng 7 phiên giao dịch.

 

Một trường hợp khác là CP VSP - CP được giới đầu tư xem là có “sức khỏe” xấu nhất trên cả 2 sàn khi để thua lỗ tới trên 111 tỷ đồng trong quý 1 năm nay - đã liên tục tăng giá kịch trần, dư mua hàng triệu CP trong nhiều phiên giao dịch gần đây. Trong phiên giảm điểm tại HASTC ngày 8/5, VSP vẫn tăng giá mạnh bất chấp xu hướng giảm giá của các CP khác.

 

Hay CTCP chứng khoán Bảo Việt (BVS) dù lợi nhuận quý 1/2009 chỉ bằng chưa đầy 20% so với quý 1/2008 nhưng giá CP BVS đã tăng liên tục...

 

Coi chừng ăn "quả đắng"

 

Tiến sĩ Đinh Thế Hiển, chuyên gia tài chính tại TP.HCM phân tích, thị trường tính từ thời điểm tháng 2 đến tháng 4 được hỗ trợ bởi những nguồn tin không chính thức. Đó là một số NĐT lớn cố tình tạo sóng để bán CP. Đến thời điểm này, tình thế đã thay đổi, chính các NĐT lớn này nhận định rằng thời cơ của chứng khoán đã đến và đẩy mạnh mua vào khiến cho chứng khoán tăng vùn vụt. Tiến sĩ Đinh Thế Hiển cũng cho rằng, nguồn tiền đổ vào thị trường hiện nay chưa có yếu tố bền vững vì chủ yếu là đầu tư lướt sóng, trong khi nguồn vốn bền vững phải là đầu tư giá trị. Điều này sẽ gây rủi ro lớn cho những NĐT mới đang hồ hởi nhảy vào thị trường.

 

"Thị trường đang ở giai đoạn rủi ro rất cao. Tình trạng tranh mua hiện nay có thể đưa VN-Index đến ngưỡng 400 điểm nhưng chắc chắn sẽ quay đầu rất nhanh. Vì vậy, những người tham gia thị trường thời điểm VN-Index trên 350 điểm là hết sức căng thẳng. Chỉ cần thị trường điều chỉnh vài phiên là có thể mất 20%, 30% giá trị đầu tư ngay", TS Hiển nói. Ông cũng khuyến cáo, đầu tư lúc này phải tính toán đến các yếu tố nội tại của CP chứ không đua nhau mua vào tất cả CP như cách mà nhiều NĐT hiện nay đang làm.

 

Ông Lê Đạt Chí, chuyên gia chứng khoán tại TP.HCM phân tích, mức tăng điểm của thị trường hiện nay không dựa trên những thông tin nội tại của nền kinh tế hay của các doanh nghiệp mà do tác động tâm lý của các NĐT và bị chi phối bởi diễn biến của TTCK thế giới. Các NĐT trên sàn đang lấy thị trường chứng khoán thế giới làm căn cứ và niềm tin cho quyết định đầu tư của mình. Tuy nhiên, khả năng tăng điểm sẽ giảm đi khi mà NĐT không thể xác định xu hướng này sẽ đi về đâu. "Khó có cơ hội tăng điểm mãi của thị trường chứng khoán thế giới để thị trường Việt Nam tăng điểm theo. Đó là yếu tố mà NĐT cần lưu ý và thận trọng trong thời gian tới để tránh ăn phải "quả đắng" trong ngắn hạn", ông Chí nói.


TN

Tin cùng chuyên mục

VNIndex 1,209.52 4.55 0.38% 154,884 tỷ
HNX 226.82 -0.75 -0.33% 1,394 tỷ
UPCOM 88.66 0.33 0.37% 435 tỷ