Phiên chiều 11/3: Mừng hụt

(ĐTCK) Những tưởng thị trường sẽ đảo chiều thành công, nhưng cổ phiếu lớn VNM hạ độ cao cùng VHM nới rộng đà giảm đã khiến VN-Index mất điểm trong đợt khớp lệnh đóng cửa (ATC).
Phiên chiều 11/3: Mừng hụt

Sau những lần thất bại tại thử thách 1.000 điểm, tâm lý nhà đầu tư giao dịch thận trọng hơn và dòng tiền tham gia hạn chế trong phiên giao dịch sáng đầu tuần 11/3 khiến thị trường biến động giằng co mạnh. Sau hơn 2/3 thời gian rung lắc quanh mốc 985 điểm, thị trường đã chính thức rơi xuống dưới mốc tham chiếu do áp lực bán gia tăng ở cuối phiên.

Bước sang phiên chiều, thị trường không có thêm tín hiệu tích cực nào. Trong khi lực cầu tỏ ra khá thận trọng thì áp lực bán vẫn khá lớn khiến chỉ số VN-Index duy trì trạng thái đi ngang dưới mốc tham chiếu.

Sau hơn 1 giờ giao dịch lình xình, lực cầu có dấu hiệu gia tăng giúp một số mã bluechip đảo chiều hồi phục, đã kéo VN-Index bật ngược đi lên vượt qua mốc tham chiếu và hồi phục sắc xanh.

Tuy nhiên, niềm vui nhanh chóng bị dập tắt chỉ sau đó chưa đến 30 phút, khi thị trường bước vào đợt khớp ATC do một số mã lớn này hạ nhiệt hoặc nới rộng đà giảm.

Điển hình là VNM, sau nhịp tăng mạnh lên sát mốc 139.000 đồng, đóng vai trò chính là trụ đỡ cho thị trường, đã hạ độ cao đột ngột về cuối phiên. Dù vậy, đây vẫn là phiên giao dịch tích cực của VNM khi cổ phiếu này đảo chiều thành công sau 4 phiên giảm trước đó, với mức tăng nhẹ 0,4%, đứng ở mức giá 137.600 đồng/CP.

Một trong những tác nhân khác khiến thị trường mừng hụt là VHM khi cổ phiếu này nới rộng đà giảm cuối phiên, với mức giảm 1,6% và đóng cửa tại mức giá thấp nhất ngày 90.000 đồng/CP.

Trong khi đó, nhóm cổ phiếu ngân hàng và dầu khí có thêm một phiên giao dịch ảm đạm với hầu hết các mã đều điều chỉnh nhẹ với mức giảm dưới 1%.

Giao dịch sôi động trên sàn vẫn chủ yếu tập trung ở nhóm cổ phiếu thị trường. Trong đó FLC dẫn đầu thanh khoản với khối lượng khớp 7,57 triệu đơn vị và đóng cửa tăng nhẹ 0,2% lên 5.460 đồng/CP.

Tiếp theo đó là HSG khớp 5,44 triệu đơn vị và KBC khớp gần 5 triệu đơn vị. Kết phiên, HSG tăng 4,3% lên 9.650 đồng/CP, còn KBC tăng 2,3% lên 15.400 đồng/CP. Đáng kế, ITA hồi mạnh sau 3 phiên giảm liên tiếp trước đó, với mức tăng 6,8% lên mức giá trần 2.970 đồng/CP và khớp hơn 4,3 triệu đơn vị, dư mua trần 90.000 đơn vị.

Một trong những cổ phiếu gây chú ý nhiều trong thời gian gần đây là YEG tiếp tục có thêm thông tin mới với công bố vừa bán xong SaleLab cho chủ cũ tại Mỹ với giá 12 triệu USD (trong khi giá đã mua trước đó là 20 triệu USD).

Việc thoái vốn khỏi công ty này khiến Yeah1 mất đi cơ hội bành trướng ra thị trường thế giới. Thiệt hại hiện hữu nhất là hệ thống Yeah1 mất đi 3 tỷ lượt xem trên YouTube mỗi tháng, cơ hội đại diện cho 1.750 influencers (người có sức ảnh hưởng) với 400 triệu người theo dõi.

Kết phiên hôm nay, YEG tiếp tục xác lập phiên giảm sàn thứ 6 liên tiếp, với mức giảm 7% và đóng cửa tại mức giá 158.700 đồng/CP. Khối lượng khớp lệnh đạt 25.930 đơn vị và dư bán sàn 137.510 đơn vị.

Đóng cửa phiên 11/3, sàn HOSE có 158 mã tăng và 151 mã giảm, chỉ số VN-Index giảm 0,65 điểm (-0,07%) xuống 984,6 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 178,66 triệu đơn vị, giá trị 3.716,19 tỷ đồng, giảm 11,77% về lượng và 12,5% về giá trị so với phiên cuối tuần trước. Giao dịch thỏa thuận đạt hơn 36 triệu đơn vị, giá trị 858,87 tỷ đồng, đáng kể VSH thỏa thuận 14,18 triệu đơn vị, giá trị hơn 248 tỷ đồng.

Trong khi đó, mặc dù gần suốt phiên chiều giao dịch dưới mốc tham chiếu nhưng lực cầu nhập cuộc khá tốt ở cuối phiên đã giúp sàn HNX đảo chiều thành công.

Kết phiên, HNX-Index tăng 0,1 điểm (+0,09%) lên 108,32 với tổng khối lượng giao dịch đạt 37,41 triệu đơn vị, giá trị 380,34 tỷ đồng, giảm 14,16% về lượng và 18,35% về giá trị so với phiên cuối tuần trước.

Giao dịch thỏa thuận đạt 7,61 triệu đơn vị, giá trị hơn 127 tỷ đồng, trong đó ACB thỏa thuận 1,79 triệu đơn vị, giá trị 53,79 tỷ đồng; NVB thỏa thuận hơn 2,3 triệu đơn vị, giá trị 17,3 tỷ đồng; SHB thỏa thuận 1,12 triệu đơn vị, giá trị 8,6 tỷ đồng; VGC thỏa thuận 1,38 triệu đơn vị, giá trị 29,92 tỷ đồng…

Đáng kể một số mã lớn đã đảo chiều khởi sắc, là nhân tố chính tiếp sức cho thị trường hồi phục sắc xanh như ACB tăng nhẹ % lên 30.400 đồng/CP, VCS tăng % lên 66.500 đồng/CP.

Hay các mã VCG, VGC, PVS thu hẹp đà giảm đáng kể; DGC, PLC lấy lại mốc tham chiếu.

Trong đó, PVS tiếp tục dẫn đầu thanh khoản sàn HNX với khối lượng khớp lệnh gần 4,6 triệu đơn vị; tiếp đó là ART khớp 3,45 triệu đơn vị; PVX khớp 2,78 triệu đơn vị, SHB khớp 2,76 triệu đơn vị….

Mặt khác, sau hơn 1 giờ nỗ lực, thị trường UPCoM cũng đã đảo chiều bật tăng.

Kết phiên, UPCoM-Index tăng nhẹ 0,09 điểm (+0,17%) lên 56,04 điểm với tổng khối lượng giao dịch đạt 10,27 triệu đơn vị, giá trị 193,53 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận đạt 2,35 triệu đơn vị, giá trị 26,52 tỷ đồng, trong đó riêng DDV thỏa thuận 1,5 triệu đơn vị, giá trị 12,85 tỷ đồng.

Lực cầu khá tốt tiếp tục giúp PXL bảo toàn sắc tìm với mức tăng 14,8%, đóng cửa tại 6.200 đồng/CP. Khối lượng giao dịch của PXL vẫn cao nhất thị trường, đạt 1,42 triệu đơn vị và dư mua trần 13.000 đơn vị.

Đứng ở vị trí tiếp theo là BSR có khối lượng giao dịch đạt 1,23 triệu đơn vị và đà giảm đã được thu hẹp đáng kể khi chỉ còn giảm nhẹ 0,7%, kết phiên tại mức giá 14.100 đồng/CP.

Bên cạnh đó, một số mã lớn khác cũng diễn biến tích cực hơn như HVN thu hẹp đà giảm, VGT, LTG, QNS… đảo chiều hồi phục.

T.Thúy

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục