Chờ cơ hội canh mua

(ĐTCK) Thị trường đang bước vào giai đoạn trống thông tin nên việc mất động lực tăng là dễ hiểu. Trong tuần này (11/3-15/3), phản ứng của VN30-Index với vùng hỗ trợ 885-890 điểm là rất quan trọng. Cơ hội tham gia vị thế mua (Long) sẽ xuất hiện nếu chỉ số bật tăng từ vùng giá này, ngược lại là cơ hội tham gia vị thế bán (Short) nếu vùng hỗ trợ bị phá vỡ.
Chờ cơ hội canh mua

Sự chững lại của nền kinh tế toàn cầu: Mối lo hiện hữu

Tăng trưởng kinh tế toàn cầu sụt giảm tiếp tục là mối lo ngại hiện tại. Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm 2019 xuống 3,3% từ mức dự đoán 3,5% đưa ra hồi tháng 11/2018.

Mặt khác, xuất khẩu của Trung Quốc trong tháng 2/2019 giảm mạnh nhất trong 3 năm trở lại đây là dấu hiệu cho thấy nền kinh tế lớn thứ nhì thế giới tiếp tục giảm tốc, bất chấp loạt biện pháp hỗ trợ của Bắc Kinh. Nhìn chung, những thông tin tích cực liên quan đến thỏa thuận thương mại giữa Mỹ - Trung Quốc chỉ là sự kỳ vọng và chưa phản ánh vào thực tế.

Trong nước, áp lực lạm phát có thể gia tăng trong thời gian tới do tác động của việc điều chỉnh giá điện và xăng dầu. Tuy nhiên, lạm phát sẽ vẫn được kiểm soát do tác động từ việc điều chỉnh tăng giá xăng và điện có thể được bù đắp bằng sự suy giảm của chỉ số giá thực phẩm, đặc biệt là giá heo. 

Nhịp điều chỉnh cần thiết

Trên TTCK, tuần qua, các chỉ số đã xuất hiện nhịp điều chỉnh. Ðây là diễn biến hợp lý bởi các dấu hiệu rủi ro đã xuất hiện trước đó. Nhìn chung, nhịp giảm này chưa khiến các chỉ số mất đi đà tăng được hình thành trước đó, đặc biệt là chỉ số phái sinh đã điều chỉnh về quanh ngưỡng hỗ trợ.

Diễn biến giao dịch cho thấy, thị trường phái sinh tiếp tục lặp lại điệp khúc cũ là phản ứng thái quá với thị trường cơ sở. Ở 2 phiên cuối tuần, chênh lệch giữa chỉ số cơ sở và Hợp đồng tương lai duy trì ở mức hơn 10 điểm, phản ánh tâm lý nhà đầu tư đang có sự thay đổi từ trạng thái thận trọng sang tiêu cực.

 Thống kê xác suất đầu tư ngắn hạn.

Dòng tiền đạt ngưỡng là dấu hiệu đã được cảnh báo. Tín hiệu này cho thấy, bên cầu tỏ ra thận trọng về đà tăng của thị trường, hay nói cách khác khả năng chấp nhận giải ngân của bên cầu là khá kém. Ngược lại, cung mạnh mẽ qua từng phiên khi giá liên tục kéo đi ngang, đây có thể là hành động phân phối của bên cầm hàng.

 Đà lan tỏa theo vốn hóa và MA10.

Hiện tại, đường cung vẫn đang nằm trên đường cầu cho thấy, bên cầm cổ phiếu vẫn đang ở thế chủ động hơn. Ðiểm tích cực là đường cầu vẫn giữ được xu thế tăng kể từ khi tạo đáy, trạng thái này thể hiện tiền chưa hoàn toàn rút ra khỏi thị trường và đó là cơ sở để hy vọng cho đà tăng của chỉ số vẫn được duy trì.

Ðà lan tỏa đang hạ dần độ cao qua từng phiên và quan trọng là khu vực hỗ trợ quanh 60% vẫn được giữ vững, nên xu hướng tăng của chỉ số cơ bản là vẫn còn. Sự kiểm chứng của đà lan tỏa trong tuần này là rất quan trọng. Nếu nền giá phản ứng tốt với nền lan tỏa này thì nhịp tăng được kỳ vọng tiếp tục duy trì, còn nếu thủng thì xu hướng tăng sẽ bị vỡ. Diễn biến này tương đối trùng hợp với diễn biến của VN30-Index.

 Đồ thị VN30F1M.

Trong tuần qua, chỉ số VN30-Index đã chuyển từ trạng thái tích cực sang tiêu cực, tỷ trọng cổ phiếu trong xu hướng giảm đang chiếm ưu thế hơn so với các cổ phiếu trong xu hướng tăng. Kể từ sau Tết Kỷ Hợi 2019, đây là lần đầu tiên số lượng cổ phiếu trong pha giảm ngắn hạn lại chi phối chính trong rổ VN30.

 Các trụ tiếp tục suy yếu.

Ðiểm đáng chú ý là sự suy giảm của các nhóm ngành cổ phiếu diễn biến có trật tự, chứ không đồng loạt tiêu cực như các pha giảm trong năm 2018. Nhóm thực phẩm - đồ uống là nhóm điều chỉnh trước, sau đó đến nhóm ngân hàng và gần đây nhất là nhóm bất động sản. Ðây là diễn biến có lợi cho thị trường, bởi nhóm nào điều chỉnh trước thì sẽ là nhân tố đầu tiên giúp các chỉ số chứng khoán hồi phục.

Do đó, trong tuần này, sự kỳ vọng về chiều hướng tích cực sẽ phụ thuộc vào diễn biến của nhóm thực phẩm - đồ uống, đặc biệt là cổ phiếu VNM. Ngoài ra, nhóm ngân hàng với một vài cổ phiếu đã chiết khấu trước như TCB, VPB, MBB cũng sẽ được kỳ vọng là ngòi nổ cho sự phục hồi của VN30-Index. Ngược lại, nếu các trụ đỡ này tiếp tục suy yếu, rất có thể đà giảm sẽ còn tiếp diễn. 

Cơ hội tham gia các vị thế

Sự bất lợi nhất vào lúc này đó chính là thị trường thiếu tin tức hỗ trợ. Những kỳ vọng về cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung có thể sẽ được bàn tới nhiều hơn trong 2 tuần cuối tháng 3/2019.

Thị trường đang bước vào tuần lễ trống thông tin quan trọng, diễn biến đáng quan tâm nhất là đợt cơ cấu danh mục của 2 quỹ ETF V.N.M và FTSE, song nhìn chung, sự tác động của 2 quỹ này thời gian gần đây là tương đối mờ nhạt. Kỳ cơ cấu lần này được dự báo sẽ không có nhiều biến động, danh mục chỉ được điều chỉnh tỷ trọng cổ phiếu nắm giữ cho từng cổ phiếu theo tiêu chí riêng của mỗi quỹ.

Thị trường hiện tại không xấu và nhịp điều chỉnh là cần thiết vào lúc này, cũng là thời điểm để thị trường có thời gian cơ cấu lại dòng tiền nếu muốn tiếp tục đi xa hơn. Mặt bằng nền giá của thị trường vẫn ổn đình, nhất là nền đà lan tỏa quan trọng 60% vẫn được duy trì và xu hướng tăng của dòng tiền vẫn tích cực.

Chiến lược chung cho tuần này là canh sự phản ứng của chỉ số VN30-Index quanh các vùng hỗ trợ để đưa ra hành động. Hỗ trợ quan trọng là 885-890 điểm, kháng cự là 925-930 điểm. Nếu chỉ số hạ độ cao về vùng hỗ trợ thì những cú bật nảy trở lại sẽ cơ hội canh mua tốt. Trong trường hợp chỉ số để thủng hỗ trợ thì chuyển sang vị thế canh bán, trong đó kịch bản tham gia bán sẽ thuận lợi hơn nếu sự tiêu cực được lan rộng ở các TTCK quốc tế.

Bài viết được cung cấp bởi Công ty Chứng khoán TP. HCM (HSC)

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục