Nới room, nhóm blue-chip sẽ “chạy” trước

(ĐTCK) Nới room sẽ khuyến khích dòng vốn ngoại đổ vào nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn và các cổ phiếu có tiềm năng trung hạn nhưng chưa được họ mua nhiều.
Nới room, nhóm blue-chip sẽ “chạy” trước

>> Chứng khoán sẽ tăng ít nhất 10% nếu nới room

>> Kích hoạt vốn ngoại, nới room hay chọn NVDR

Đề xuất nới room của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước từ 49% lên 60% đang được Chính phủ nghiên cứu, xem xét. Trong giai đoạn chờ đợi, TTCK dường như không có phản ứng nào đáng chú ý, nhưng một số chuyên gia đánh giá rằng, nếu Chính phủ quyết nới room, TTCK sẽ khởi sắc và khởi sắc mạnh nhất ở nhóm cổ phiếu lớn.

“Dòng vốn ngoại sẽ tiếp tục chảy vào các DN”

Nới room, nhóm blue-chip sẽ “chạy” trước ảnh 1

Ông Trần Hoàng Sơn, Chuyên gia chiến lược thị trường cao cấp CTCP Chứng khoán MB (MBS)

Nếu phương án nâng giới hạn sở hữu của NĐT nước ngoài được thông qua sẽ có tác động tích cực đến TTCK ở nhiều góc độ. Thứ nhất, niềm tin của NĐT nước ngoài vào TTCK Việt Nam tăng lên do nhìn thấy nỗ lực cải cách thị trường theo hướng thông thoáng và tạo điều kiện nhiều hơn cho họ. Thứ hai, có nhiều DN mà NĐT nước ngoài muốn tham gia đầu tư nhưng đã hết room, nên khi được nới room sẽ tạo điều kiện để dòng tiền ngoại tiếp tục chảy vào các mã cổ phiếu này, góp phần cải thiện thanh khoản cho thị trường. Thứ ba, việc chấp nhận để các NĐT nước ngoài sở hữu chi phối trong DN Việt Nam thể hiện tư duy quản lý mới của Chính phủ. Điều này cho thấy sự chấp nhận rủi ro các DN trong nước có khả năng bị thâu tóm, tuy nhiên sẽ tạo nhân tố mới và nguồn lực mới cho các DN, qua đó đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu nền kinh tế của Việt Nam .

Còn phương án phát hành cổ phiếu không có quyền biểu quyết hoặc chứng chỉ lưu ký không có quyền biểu quyết (NVDR), theo tôi, sẽ không thực sự hiệu quả trong việc thu hút những NĐT nước ngoài muốn đồng hành cùng DN, chứ không phải đầu tư tài chính thuần túy. Các NĐT dài hạn thường không hứng thú với việc không được quyền biểu quyết trong DN.

 

“Nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn sẽ chuyển động trước”

Nới room, nhóm blue-chip sẽ “chạy” trước ảnh 2

Ông Vũ Hoàng Hà, Phó giám đốc CTCK VNDirect - Chi nhánh TP. HCM

Ở góc độ nền kinh tế, nới room lên 60% sẽ gia tăng áp lực cho DN trong nước về vấn đề quản trị để tránh nguy cơ bị thâu tóm, sáp nhập. Tuy nhiên, điều này phù hợp với lộ trình gia nhập WTO của Việt Nam, với cam kết phải mở cửa dần cho các NĐT nước ngoài có thể sở hữu 100% DN thuộc các ngành không thiết yếu. Dưới góc độ TTCK, nới room sẽ khuyến khích dòng vốn ngoại tham gia thị trường ở hai nhóm cổ phiếu. Thứ nhất, nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn. Rất có thể thị trường sẽ “chạy” trước ở các mã này trước khi quy định chính thức có hiệu lực. Thứ hai, những cổ phiếu hiện chưa được khối ngoại sở hữu nhiều, nhưng có tiềm năng, phù hợp với chiến lược đầu tư dài hạn.

Hiện một số NĐT nước ngoài muốn sở hữu chi phối CTCK nội, nhưng vướng phải quy định chỉ được phép sở hữu tối đa 49% hoặc 100% CTCK, công ty quản lý quỹ. Do đó, nới room sẽ giúp hoạt động mua bán hai loại hình DN này sôi động hơn, quá trình cơ cấu lại CTCK diễn ra mạnh mẽ hơn.

 

“Nội lực của DN vẫn là yếu tố tiên quyết”

Nới room, nhóm blue-chip sẽ “chạy” trước ảnh 3

Ông Huỳnh Anh Tuấn, Tổng giám đốc CTCP Chứng khoán SJC (SJCS)

Nếu phương án nới room của UBCK được Chính phủ thông qua, TTCK có thể sẽ đón thêm những dòng vốn mới, thanh khoản của thị trường được cải thiện. Việc nới room như để khẳng định, Chính phủ Việt Nam sẽ mở cửa rộng hơn để đón NĐT nước ngoài bằng những chính sách thông thoáng. Cần lưu ý thêm, có một số DNNN thuộc các ngành bia, thép, viễn thông… trong “tầm ngắm” đầu tư của các NĐT ngoại đã cam kết lên niêm yết, nhưng đến giờ vẫn chưa thực hiện. Do đó, nếu việc nới room đi song hành với việc thực hiện “lời hứa” niêm yết thì giải pháp này mới thực sự mang lại hiệu quả cho TTCK.

Tuy nhiên, nới room mang tính tích cực, nhưng không có nghĩa TTCK sẽ bùng nổ ngay, bởi lẽ hiện nay, các DN đang chật vật để vượt qua khó khăn.

Thực tế cho thấy, nhiều DN còn trống room mà NĐT nước ngoài vẫn không quan tâm, hay nhiều mã cổ phiếu có thị giá quá cao so với giá trị thực cũng không được họ chú ý. Do đó, nới room chỉ là một giải pháp để NĐT nước ngoài xem xét bỏ vốn vào TTCK Việt Nam . Để ra quyết định đầu tư vào một DN, NĐT nước ngoài thường đánh giá giá trị DN thông qua kết quả lợi nhuận và bối cảnh kinh tế, chứ không dựa nhiều vào tỷ lệ room. Nội lực của DN vẫn là yếu tố tiên quyết.

Phan Hằng thực hiện
Phan Hằng thực hiện

Tin cùng chuyên mục

VNIndex 1,209.52 4.55 0.38% 154,884 tỷ
HNX 226.82 -0.75 -0.33% 1,394 tỷ
UPCOM 88.66 0.33 0.37% 435 tỷ