Nhiều nhóm cổ phiếu bật tăng, đón đầu “mở cửa” nền kinh tế

(ĐTCK) Giới đầu tư toàn cầu đang phớt lờ các tin xấu về kết quả kinh doanh mà dồn sự quan tâm vào thời điểm sẽ kiểm soát được dịch Covid-19 và khi nào thì nền kinh tế hoạt động bình thường trở lại sau giai đoạn hạn chế sản xuất nhằm phòng chống dịch.
Nhiều nhóm cổ phiếu bật tăng, đón đầu “mở cửa” nền kinh tế

Sự phục hồi đáng ngạc nhiên

Thị trường tài chính toàn cầu tiếp tục đà hồi phục trên diện rộng, mặc dù kết quả kinh doanh quý I/2020 của các doanh nghiệp được dự báo suy giảm và có khả năng còn tệ hơn trong quý II.

Sau khi số ca nhiễm Covid-19 mới ở châu Âu, Mỹ giảm, giới đầu tư đang đặt ra các kỳ vọng và kịch bản các nền kinh tế sẽ hồi phục như thế nào, theo mô hình chữ V, L, W, U, hay dạng chữ “Nike”.

Torsten Slok, nhà kinh tế trưởng của Deutsche Bank AG cho biết: “Sự phục hồi 27% vừa qua của thị trường cổ phiếu là điều đáng ngạc nhiên khi chúng ta vẫn chưa biết liệu virus sẽ tác động lâu dài như thế nào đến nền kinh tế, trong khi lợi nhuận của doanh nghiệp bị sụt giảm mạnh và chưa có sự xuất hiện của vắc-xin.

Sự gia tăng các đơn trợ cấp thất nghiệp chỉ ra một thập kỷ tạo ra việc làm của Mỹ đã bị đảo ngược trong vòng một tháng. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo, kinh tế toàn cầu sẽ trải qua thời kỳ ảm đạm nhất kể từ những năm 1930”.

Chuyên gia Bloomberg nhận định: “Thị trường chứng khoán đang đặt cược lớn vào kết quả lâu dài của tất cả những chính sách kích thích kinh tế. Việc dỡ bỏ phong toả hay việc phát triển vắc-xin đầy hứa hẹn có thể là những gì tạo nên kỳ vọng tích cực. Nhưng cho đến khi điều đó xảy ra, diễn biến trên thị trường cho thấy sự tự tin đang thái quá”.

Trong nước, thị trường chứng khoán Việt Nam cũng tăng điểm, chỉ số VN-Inex lấy lại khoảng một nửa điểm số đã mất, nhờ vào việc kiểm soát dịch tốt, từ ngày 17/4 tới 20/4, cả nước không xuất hiện ca nhiễm mới, trong khi số lượng người chữa khỏi ngày một tăng.

Tính tới ngày 20/4, cả nước có 268 người nhiễm bệnh, 202 người được chữa khỏi, đây chính là tín hiệu tích cực để giới đầu tư trong nước kỳ vọng nền kinh tế sau giai đoạn giãn cách xã hội sẽ dần khôi phục hoạt động sản xuất - kinh doanh.

Mặc dù vậy, các ngành nghề dịch vụ như du lịch, hàng không được dự báo cần nhiều thời gian hơn để phục hồi, không thể ngay trong năm 2020.

Các ngành nghề khác như xuất khẩu thuỷ sản, nông sản được dự báo có thể hồi phục nhanh hơn, nhưng phụ thuộc không nhỏ vào các thị trường tiêu thụ chính là châu Âu, Mỹ, Trung Quốc, vốn đều bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh, cần thời gian để khôi phục lại sức mua.

Bên cạnh đó, triển vọng kinh tế dự báo còn nhiều khó khăn, các doanh nghiệp tư nhân khó có thể hoạt động bình thường trở lại.

Không ít doanh nghiệp đang lao đao, mặc dù Chính phủ có chính sách giảm lãi suất, giãn nợ...

Hiệu ứng chính sách tiền tệ chưa thể tác động tích cực ngay để kích thích nền kinh tế, nếu có thì chỉ mới ở giai đoạn đảo nợ và giảm áp lực doanh nghiệp trả lãi vay, còn việc vay mới duy trì mức thấp.

Chính sách đầu tư công được dự báo sẽ là trọng tâm của chính sách hậu “mở cửa” nền kinh tế trở lại để tạo cú huých kéo các ngành nghề phụ trợ, cũng như thúc đẩy các doanh nghiệp tư nhân thực hiện đầu tư, tạo đà cho kinh tế hồi phục.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu phải giải ngân hết vốn đầu tư công năm 2019 và vốn kế hoạch năm 2020; thành lập tổ công tác đặc biệt để giám sát, kiểm tra tiến độ giải ngân các dự án. Ðặc biệt, Chính phủ có chủ trương giải ngân các dự án trọng điểm như cao tốc Bắc - Nam phía Ðông, cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận - Cần Thơ, sân bay quốc tế Long Thành… Bộ Giao thông Vận tải đã lên kế hoạch đẩy mạnh các dự án và giải ngân.

Bộ Tài chính cho biết, tổng vốn ngân sách nhà nước được phép giải ngân là 700.000 tỷ đồng, gấp 2,2 lần so với thực hiện năm 2019, bao gồm 470.600 tỷ đồng trong dự toán năm 2020 và 225.200 tỷ đồng vốn chuyển từ năm 2019 sang.

Diễn biến phân hóa mạnh

Trong giai đoạn kể từ đầu tháng 4 trở lại đây, giá cũng như thanh khoản của nhóm cổ phiếu xây dựng, vật liệu xây dựng được cải thiện trên diện rộng và thu hút dòng tiền mạnh hơn so với nhiều nhóm ngành khác.

Ðiều này được kỳ vọng sẽ duy trì trong thời gian sắp tới, bởi thị trường trước đó bị bán tháo, các cổ phiếu giảm giá quá sâu. Hồi ức về đỉnh cũ, trong khi mức giá hiện tại mới chỉ phục hồi một phần, đã thôi thúc nhà đầu tư mua vào cổ phiếu, dù kết quả kinh doanh quý I hay triển vọng quý II như thế nào.

Tuy nhiên, sau giai đoạn hồi phục trên diện rộng, thị trường chứng khoán dự kiến có sự phân hoá mạnh mẽ giữa các nhóm cổ phiếu. Dòng tiền sẽ ưu tiên nhóm cổ phiếu có triển vọng cải thiện hoạt động kinh doanh.

Nhiều nhóm cổ phiếu bật tăng, đón đầu “mở cửa” nền kinh tế ảnh 1

Biến động giá nhóm cổ phiếu xây dựng, vật liệu xây dựng trên HOSE.

Bên cạnh nhóm cổ phiếu ngành xây dựng và vật liệu xây dựng với kỳ vọng chính sách đầu tư công tạo cú huých kéo cả ngành và phụ trợ đi lên, thị trường kể từ đầu tháng 4 đã phản ánh niềm tin nền kinh tế sẽ hoạt động bình thường trở lại sau dịch bằng cách kéo giá cổ phiếu nhóm dệt may, thuỷ sản, chứng khoán hồi phục.

Ðối với nhóm thuỷ sản, nhờ việc tự chủ nguyên liệu trong nước, đặc biệt là các doanh nghiệp xuất khẩu lớn như Công ty cổ phần Vĩnh Hoàn (VHC), Công ty cổ phần Nam Việt (ANV), Công ty cổ phần Tập đoàn Thuỷ sản Minh Phú (MPC), nhà đầu tư kỳ vọng các thị trường tiêu thụ như Mỹ, châu Âu, Trung Quốc sẽ nhanh chóng khôi phục sản xuất và xuất khẩu, nhất là khả năng tháng 7/2020, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU chính thức có hiệu lực, mở ra cơ hội gia tăng thị phần.

Ðiều tương tự cũng được giới đầu tư kỳ vọng vào nhóm ngành dệt may, giá cổ phiếu đã bật tăng mạnh hơn thị trường chung, chẳng hạn mã MSH của Công ty cổ phần May Sông Hồng, mã TCM của Công ty cổ phần Dệt may - Ðầu tư - Thương mại Thành Công, mã TNG của Công ty cổ phần Ðầu tư và Thương mại TNG.

Tuy nhiên, một trở ngại đáng lưu ý của ngành dệt may là phần lớn nguyên liệu phải nhập khẩu, phụ thuộc vào các thị trường cung cấp nguyên liệu chính như Trung Quốc, Hàn Quốc…

Nhóm cổ phiếu chứng khoán cũng tăng giá mạnh trong thời gian gần đây. Lịch sử cho thấy, mỗi khi thị trường chứng khoán hồi phục, ngay lập tức nhà đầu tư nhìn sang nhóm chứng khoán, nhóm có kết quả kinh doanh phụ thuộc vào thanh khoản thị trường.

Dòng tiền trên thị trường có dấu hiệu cải thiện và gia tăng so với cùng kỳ năm ngoái cũng như các tháng trước đó. Một số mã cổ phiếu tăng giá mạnh như HCM của Công ty Chứng khoán TP.HCM, SSI của Chứng khoán SSI, VCI của Chứng khoán Bản Việt (VCI)…

“Khi nền kinh tế hoạt động bình thường trở lại là lúc giới đầu tư đặt kỳ vọng vào nhóm ngành nào sẽ nhanh chóng hồi phục sau dịch Covid-19 và tập trung dòng tiền đầu tư vào nhóm doanh nghiệp đó, trong khi những nhóm ngành được dự báo khó hồi phục hơn có thể bị dòng tiền tháo chạy, tạo ra hiệu ứng giá giảm. Vì vậy, thị trường sẽ bước vào giai đoạn chọn lọc cao, sự phân hoá này khiến cho việc đầu tư và giải ngân vào ngành cần được đặc biệt lưu ý, thay vì chỉ quan tâm mua các cổ phiếu giảm giá sâu như trước đây”, một chuyên gia chứng khoán nhận định.

Vũ Duy Bắc

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục

VNIndex 1,290.18 7.09 0.55% 258,687 tỷ
HNX 243.92 1.07 0.44% 1,863 tỷ
UPCOM 91.48 0.35 0.39% 587 tỷ