Ngành thức ăn chăn nuôi với nỗi lo hàng tồn kho

(ĐTCK-online) Báo cáo mới đây của Tổng cục Thống kê cho thấy, chỉ số tồn kho ngành sản xuất thức ăn chăn nuôi tháng 6/2010 so với tháng 5 lên đến 103,2%, còn so với cùng kỳ tăng 168%. Giá nguyên liệu sản xuất trong nước tăng, trong khi giá bán sản phẩm đi lùi do dịch bệnh là nguyên nhân khiến các chuyên gia dự báo, ngành sản xuất thức ăn chăn nuôi ít có cơ hội khởi sắc trong nửa cuối năm.
Ngành thức ăn chăn nuôi với nỗi lo hàng tồn kho

Trong nước, giá nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi liên tục tăng trong quý II, đặc biệt là cám gạo và ngô. Mặt hàng cám gạo đã tăng tới 50% so với cùng kỳ năm ngoái, lên mức 1.468 đồng/kg. Các mặt hàng khác như đậu tương, ngô, cám ngô cũng tăng từ 8 - 26% so với cùng thời điểm năm trước. Trong khi đó, giá nguyên phụ liệu trên thế giới lại có xu hướng giảm. Đơn cử như bột cá tháng 6 đã giảm hơn 90 USD/tấn so với tháng 5 và đứng ở mức 1.817 USD/tấn. Giá ngô tháng 6 so với tháng 5 cũng đã giảm 10,35 USD/tấn, xuống mức 152,8 USD/tấn, gần chạm mức giá thấp nhất trong 3 năm trở lại đây. Cùng với đó, đậu tương năm nay được mùa nên lượng cung tăng mạnh.

"Nguyên phụ liệu ở các thị trường nước ngoài thấp nên DN sản xuất có xu hướng nhập khẩu", ông Nguyễn Như So, Chủ tịch HĐQT CTCP Dabaco Việt Nam (DBC) cho biết. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tháng 6, kim ngạch nhập khẩu thức ăn gia súc và nguyên phụ liệu đạt 220 triệu USD, tính chung 6 tháng đầu năm đạt 1,157 tỷ USD, tăng 41% so với cùng kỳ năm ngoái - đứng trong nhóm có tốc độ tăng kim ngạch nhập khẩu cao nhất hiện nay.

Trong khi đó, bệnh tai xanh ở lợn đang bùng phát trên diện rộng. Số lượng lợn bị chết, phải tiêu hủy lớn. Người tiêu dùng "quay lưng" với thịt lợn khiến lượng tiêu thụ mặt hàng này duy trì ở mức thấp. Nhiều hộ chăn nuôi bị thua lỗ chán nản đã giảm, thậm chí ngừng chăn nuôi. Đây là nguyên nhân khiến nhu cầu tiêu thụ thức ăn chăn nuôi giảm mạnh trong thời gian vừa qua. Một mảng tiêu thụ lớn khác của ngành thức ăn chăn nuôi là thủy sản cũng đang gặp khó khăn. Do tác động khủng hoảng nợ, nhu cầu nhập khẩu hàng thủy sản ở các nước châu Âu giảm kéo giá nhiều mặt hàng, trong đó có cá tra liên tục đi xuống. Giá cá tra trong nước từ đầu năm 2010 đến nay xoay quanh mức 15.000 - 16.000 đồng/kg, người nuôi cá nếu tính toán không khéo có thể lỗ khoảng 1.000 đồng/kg, nên theo Cục Nuôi trồng thuỷ sản, hiện có khoảng 30% diện tích nuôi bỏ hoang.

DN sản xuất thức ăn chăn nuôi đang phải đối mặt với vấn đề sản phẩm bị tồn kho vì không tiêu thụ được. Đặt kế hoạch thu lợi nhuận khoảng 100 tỷ đồng từ mảng hoạt động kinh doanh chính là thức ăn chăn nuôi, song theo ông So, mục tiêu trên của DBC có khả năng khó đạt được. Công ty chủ yếu kỳ vọng vào mảng kinh doanh tay trái là bất động sản.

 

Xuất khẩu: Không khả thi

Hiện tại, cả nước có 225 nhà máy chế biến thức ăn chăn nuôi gia súc, gia cầm và 89 nhà máy chế biến thức ăn chăn nuôi thủy sản, đồng thời hầu hết các tập đoàn sản xuất thức ăn chăn nuôi mạnh trên thế giới đều đã có mặt ở Việt Nam. Là một nước nông nghiệp, thị trường thức ăn chăn nuôi của Việt Nam khá lớn, song hàng năm kim ngạch nhập khẩu tới trên 1,5 tỷ USD nguyên liệu. Nếu xu hướng này trở thành sự phụ thuộc và sản xuất trong nước không phát triển để đáp ứng đủ, ngành chăn nuôi Việt Nam và cả ngành thủy sản sẽ chịu một sức ép lớn về giá. Việc nhập khẩu nguyên liệu không những khiến ngành chăn nuôi phải phụ thuộc vào biến động giá cả của thị trường thế giới mà còn lãng phí tiềm năng trong nước, vì Việt Nam có thế mạnh về nông nghiệp. Đây cũng chính là lý do khiến giá thức ăn chăn nuôi trong nước cao hơn các nước trong khu vực. Ngoài lý do giá cao khó xuất khẩu, do tính chất đặc thù của thức ăn chăn nuôi cần sử dụng trong thời gian ngắn, dễ ẩm mốc, tuy hàng tồn kho lớn song DN cũng không tính đến việc xuất khẩu.

Nhận định về khả năng biến động giá của ngành thức ăn chăn nuôi trong thời gian tới, Trung tâm Thông tin phát triển nông nghiệp nông thôn thuộc Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp đã đưa ra hai kịch bản. Thứ nhất, nhu cầu tiêu dùng và chăn nuôi tăng mạnh trở lại sẽ đẩy giá thức ăn chăn nuôi tăng cao. Khả năng này ít xảy ra, song nếu giá nguyên liệu nhập khẩu tăng mạnh trong thời gian tới thì có thể kéo giá sản phẩm trong nước tăng tương ứng. Hiện ngành chăn nuôi mỗi năm cần khoảng 17 - 18 triệu tấn thức ăn, nhưng trong nước mới chỉ đáp ứng được 50%. Trong số khoảng 8,5 triệu tấn thức ăn chăn nuôi công nghiệp được sản xuất mỗi năm, các nhà máy chế biến vẫn phải nhập khẩu tới 3,7 triệu tấn nguyên liệu.

Thứ hai, do cung cầu ổn định, lượng hàng tồn kho nhiều nên giá thức ăn chăn nuôi 6 tháng cuối năm xoay quanh mức hiện tại, tăng hoặc giảm nhẹ. Tuy vào thời vụ chăn nuôi chính trong năm nhưng như đã đề cập, giá nguyên phụ liệu thức ăn chăn nuôi trên thế giới đang có xu hướng giảm, vì vậy các DN sẽ đẩy mạnh nhập khẩu về sản xuất, duy trì giá thành ở mức trung bình.

Phương Anh
Phương Anh

Tin cùng chuyên mục

VNIndex 1,209.52 4.55 0.38% 154,884 tỷ
HNX 226.82 -0.75 -0.33% 1,394 tỷ
UPCOM 88.66 0.33 0.37% 435 tỷ