Khống chế dư nợ cho vay ĐTCK: Không chỉ NĐT bị cắt

Ngày 15/6 tới, Chỉ thị 03/2007/CT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) về khống chế dư nợ cho vay đầu tư chứng khoán (CK) của các ngân hàng ở mức dưới 3%/tổng dư nợ bắt đầu có hiệu lực. Các ngân hàng thương mại không giấu nỗi buồn trong khi giới phân tích chứng khoán lại cho đó là điềm lành.

Chị Ngọc Quyên, nhà đầu tư sàn SSI bức xúc, chị có 300 triệu đồng giá trị cổ phiếu (CP). Dự tính chị sẽ vay gói Youstock (cho vay cầm cố CP) của một ngân hàng để dồn vốn cho 2 loại CP ở sàn OTC đang xuống giá. Đùng một cái, đầu tháng 6/2007 nghe tin NHNN khống chế dư nợ cho vay CK dưới 3%/tổng dư nợ, đồng nghĩa với con đường đi tiếp "vòng trong" của chị bị chặn lại. Ở sàn ACBS, một số "cư dân" có vẻ hiểu biết hơn, chạy ngay ra ngân hàng vay tiền khi nghe Chỉ thị 03 mới ban hành. Anh N.V.Tài, người chậm chân vì ngân hàng đã "đóng cửa" vượt ngưỡng 3% cho biết, lại phải bán thêm một thứ gì đó để tiếp tục "chơi". 

Theo Chỉ thị 03 (ban hành ngày 28/5/2007) của NHNN, tất cả tổ chức tín dụng phải khống chế dư nợ vốn cho vay, chiết khấu giấy tờ có giá để đầu tư, kinh doanh chứng khoán ở mức dưới 3% tổng dư nợ tín dụng của tổ chức. Thực ra, Chỉ thị 03 là bước cụ thể hơn Quyết định 03/2007/NHNN của NHNN ban hành hồi đầu năm với nội dung chính là cảnh báo các ngân hàng không nên cho vay đầu tư chứng khoán quá mức dẫn đến nguy cơ không kiểm soát nổi rủi ro. Lần này, tỷ lệ 3%/tổng dư nợ được NHNN giải thích là mức an toàn chung cho thị trường chứng khoán (TTCK) và cho thị trường tiền tệ hiện hành. Tuy nhiên, cho đến trước ngày Chỉ thị 03 có hiệu lực, nhiều ngân hàng thương mại (NHTM) đã chạm hoặc vượt ngưỡng 3%. Nghĩa là trong hiện tại cũng như tương lai, các ngân hàng này sẽ không có những hợp đồng mới liên quan đến cho vay đầu tư chứng khoán. Một quan chức cấp cao của NHNN tiết lộ: "Theo báo cáo từ các NHTM, có 10 ngân hàng cổ phần đã vượt quá tỷ lệ 3% này". Nguồn tin từ một số NHTM thì cho rằng, con số trên cũng đã lạc hậu. Hầu hết ngân hàng cổ phần tham gia cho vay đầu tư chứng khoán đều đã vượt tỷ lệ 3%, nhiều ngân hàng đã vượt rất xa tỷ lệ này.

Hiện một số NHTM lên tiếng phản ứng, viện dẫn lý do họ đang và sẽ kiểm soát tốt các khoản vay này vì đó là một phần sống còn của chính họ. Chủ tịch HĐQT kiêm tổng giám đốc một CTCK lớn tại TP.HCM nhận xét: "Vào thời điểm hiện nay, khi các nhà đầu tư (NĐT) cá nhân Việt Nam đang thiếu tiền mặt cho các đợt đấu giá lớn thì tỷ lệ 3% mà NHNN đưa ra không khác nào cắt nguồn tiếp viện của họ. Điều này cũng đúng đối với không ít tổ chức trong nước. Một hệ quả có thể nhìn thấy là trong các đợt IPO cực lớn sắp diễn ra, NĐT nước ngoài đặc biệt là các quỹ đầu tư lớn vừa mới vào Việt Nam sẽ có cơ hội để mua CP của các công ty lớn như Vietcombank, MobiFone, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển... vì nguồn vốn của họ rất dồi dào". "Tôi nghĩ, NHNN không nên đưa ra mức khống chế 3% chung cho toàn bộ hệ thống ngân hàng mà tùy hoàn cảnh cụ thể của từng ngân hàng mà quyết định tỷ lệ. Bởi lẽ, có ngân hàng lớn vốn mạnh, dư nợ cho vay nhiều trong khi một số ngân hàng khác vốn nhỏ hơn nhiều lần và dĩ nhiên dư nợ 3% không đáng là bao", lãnh đạo của một NHTM nói. 

Tổng giám đốc một ngân hàng cổ phần tại Hà Nội bức xúc: "Trước đây thì có chủ trương khuyến khích việc cho cán bộ công nhân viên (CBCNV) vay tiền mua cổ phần để họ làm chủ doanh nghiệp của mình khi cổ phần hóa. Cho tới nay, chưa thấy có ai nói là tạm dừng chủ trương này cả, nhưng rõ ràng là các ngân hàng khó có thể cho CBCNV tại các doanh nghiệp cổ phần hóa vay tiền mua cổ phần nữa vì như vậy là vi phạm quy định của NHNN. Vậy là không những NĐT trên TTCK bị cắt nguồn tiếp viện mà CBCNV tại các doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa, đặc biệt là CBCNV nghèo cũng hết cửa vay tiền mua cổ phần tại doanh nghiệp của mình. Không biết NHNN khi ra chỉ thị thì có tính đến điều này không?".

Trên thực tế, sau khi Chỉ thị 03 được phổ biến, TTCK giảm 2 phiên liên tục và tiếp tục "phập phù" đến hiện nay. Một số NĐT "đổ lỗi" cho Chỉ thị 03, song nhiều nhà phân tích thì cho đó là động thái tốt để duy trì tính an toàn cho TTCK. "Tôi cho rằng, NHNN đã làm một việc rất tốt cho TTCK hiện nay để tăng cường tính an toàn cho hệ thống ngân hàng và hạn chế đầu cơ", chuyên gia chứng khoán Đinh Thế Hiển nhận xét. Theo ông Hiển, việc sụp đổ một ngân hàng dù là NHTM nhỏ nhất cũng gây hiệu ứng domino khó tránh khỏi. "Hãy hình dung 3 năm trước, chỉ một tin đồn thất thiệt ở Ngân hàng ACB đã gây rúng động xã hội khiến người đứng đầu NHNN phải đứng ra trấn an. Do vậy, việc bảo đảm an toàn tuyệt đối cho hệ thống ngân hàng là điều rất cần thiết", ông Hiển nói. Về phía công chúng, mục tiêu của TTCK là khuyến khích mọi người tham gia chứ không phải chỉ là một nhóm người. Tiền đầu tư chứng khoán phải là tiền của nhiều người đầu tư thông qua kênh TTCK chứ không phải là tiền của vài người chuyển qua chuyển lại. 

 Theo công bố mới đây của NHNN, mức rủi ro của cho vay chứng khoán là khá cao, tỷ lệ chung cho vay chứng khoán của ngân hàng và các công ty tài chính là 2,6%/tổng dư nợ cho vay (chiếm khoảng 20.000 tỉ đồng). Theo đánh giá của một chuyên gia chứng khoán, dù rằng tỷ lệ như vậy là an toàn song việc khống chế mức 3% dư nợ là giải pháp cuối cùng sau hàng loạt cảnh báo NHNN đưa ra không được thực thi nghiêm túc.


TN

Tin cùng chuyên mục

VNIndex 1,209.52 4.55 0.38% 154,884 tỷ
HNX 226.82 -0.75 -0.33% 1,394 tỷ
UPCOM 88.66 0.33 0.37% 435 tỷ