Doanh nghiệp dài cổ chờ tiền lẻ

“Mỗi ngày tôi cần ít nhất 200 ngàn đồng tiền lẻ để thối cho khách. Nhưng ngày nào cũng thiếu trầm trọng”, ông Trí, chủ tiệm mì quảng Trí Hội An trên đường Bàu Cát, Tân Bình, TP.HCM nói. Trong lúc đó, các ngân hàng thương mại đang cầu cứu và... dài cổ chờ sự phân bổ tiền lẻ từ ngân hàng Nhà nước
Các siêu thị đang gặp khó khăn trước tình trạng thiếu tiền lẻ. Ảnh : A.Q
Các siêu thị đang gặp khó khăn trước tình trạng thiếu tiền lẻ. Ảnh : A.Q

Cạn kiệt tiền lẻ

 

Việc thiếu tiền lẻ thể hiện rõ nhất trong các khu chợ, siêu thị, cửa hàng ăn uống... Một người bán rau ở chợ Tân Hương, TP.HCM kể chuyện, tiền lẻ thiếu đến mức ngay cả bạn hàng ngồi bên cạnh, lúc trước còn cho mượn qua lại, bây giờ phần ai nấy giữ, không cho mượn nữa, vì người mượn không tìm đâu ra tiền lẻ để trả lại. Chị Ngân, một người nội trợ nhức đầu vì tiền lẻ, nói: “Trước khi đi chợ tôi phải xoay xở cho ra mấy ngàn đồng lẻ, để trả tiền xe, các món gia vị nho nhỏ. Nếu không, người bán ép lấy thêm hàng vì không có tiền thối, hoặc đưa tiền mệnh giá lớn họ không chịu bán hàng”.

 

Một tài xế xe ôm đã phải chạy vạy nguyên khu bán hàng đường Kỳ Đồng, quận 3 để tìm người đổi tiền lẻ trả khách đi xe. Người khách phải chờ 20 phút mới có năm ngàn đồng tiền thối. “Ngày nào cũng phải thối tiền mà không có tiền lẻ. Mình bảo không có tiền thối, nhiều khách tưởng mình muốn lấy thêm tiền”, anh nói.

 

Việc thiếu tiền lẻ kéo dài và trở thành mặc nhiên đến mức, ít ai còn bực mình khi các siêu thị, cửa hàng trả tiền lẻ thừa bằng những viên kẹo. Tình trạng này bị đẩy lên đỉnh điểm khi để “đối phó” với tiền lẻ, siêu thị Big C phải sử dụng giải pháp đổi tiền lẻ do khách hàng mang lại. Bảng đổi tiền treo trước cửa siêu thị, với mức phí 1% để đáp ứng nhu cầu cần có bình quân 100 triệu đồng tiền lẻ/tuần của Big C. Tương tự, các siêu thị Co.opmart, Citimart, Maximark... đều cần từ 10 _ 30 triệu đồng tiền lẻ/ngày. Tính chung, hệ thống các siêu thị cần 100 _ 350 triệu đồng tiền lẻ/tuần. Ngoài ngân hàng, có siêu thị phải chạy vạy, đổi tiền lẻ thêm từ nơi có lượng tiền lẻ nhiều như bãi giữ xe, công ty xổ số kiến thiết...

 

Ngân hàng ­“bó tay”

 

Đại diện của ngân hàng TMCP An Bình cho biết, chỉ đổi tiền lẻ cho người có nhu cầu trong tình trạng ngân hàng thoả hai điều kiện: có thời gian tiếp khách và có sẵn tiền lẻ. Nhiều ngân hàng cũng xác nhận điều này. Theo đó, người dân vẫn có thể đến ngân hàng đổi tiền lẻ, nhưng đổi được hay không thì chưa biết. Vì cạnh tranh, các ngân hàng phải ưu tiên nhu cầu khách hàng của mình trước, sau đó mới tới người dân chưa có lần nào giao dịch với ngân hàng.

 

Ông Ngô Xuân Dũng, giám đốc điều hành ngân hàng Quốc tế, chi nhánh TP.HCM (VIB HCM), cho biết, mỗi lần rút tiền ở ngân hàng Nhà nước, VIB HCM thường cố gắng lấy càng nhiều tiền lẻ càng tốt. Tuy nhiên, tỷ lệ thường được lấy là 5% tiền lẻ/ tổng số tiền. Tuy nhiên, có lúc ngân hàng Nhà nước không có tiền lẻ để rút. “Chúng tôi khó có thể chủ động về việc cung cấp tiền lẻ cho người dân”, ông Dũng bình luận.

 

Các ngân hàng thương mại cũng chỉ biết ngóng chờ ngân hàng Nhà nước “rót” bao nhiêu có bấy nhiêu, chứ khó chủ động cơ cấu loại tiền đáp ứng nhu cầu tiền lẻ trong dân.

                                                                                             Theo SGGP


Tin liên quan:

>> Cung ứng 22.000 tỷ đồng tiền lẻ trong dịp tết

>> Ngân hàng cũng khổ vì thiếu tiền lẻ

Tin cùng chuyên mục

VNIndex 1,209.52 4.55 0.38% 154,884 tỷ
HNX 226.82 -0.75 -0.33% 1,394 tỷ
UPCOM 88.66 0.33 0.37% 435 tỷ