Chớ trục lợi từ "quá độ"

Phải nói ngay, động thái tăng giá xăng thêm 800 đồng/lít từ 0 giờ ngày hôm qua (7/5) là hoàn toàn bình thường. Bằng chứng là người dân đã bình tĩnh chấp nhận, bởi mới năm 2006 họ đã phải đối mặt với 6 lần tăng, giảm (chủ yếu là tăng) giá xăng.

Lần tăng cao nhất thêm tới 1.500 đồng/lít và mức giá cao nhất cũng đã lên đến 12.000đ/lít. Như vậy là cơ chế cho DN tự chủ giá xăng dầu đã vận hành khá êm xuôi, chí ít là ở lần tăng đầu tiên.

Song điều lo ngại lại nằm ở những động thái tiếp theo. Tất cả các lần tăng, giảm giá xăng dầu trước đây, lệnh phát ra đều từ hai cơ quan quản lý nhà nước là Bộ Thương mại và Bộ Tài chính. Còn từ nay, lệnh ấy là từ doanh nghiệp.

Về lý thuyết, lệnh phát ra từ cơ quan quản lý nhà nước đương nhiên mang tính hành chính, còn từ DN là mệnh lệnh của thị trường. Song điều gây tranh cãi ở đây là lệnh từ thị trường lại chưa được "thị trường" cho lắm. Bằng chứng là trước khi DN đưa ra giá bán mới phải qua một "bộ lọc": Trình giá cho hai bộ (Thương mại - Tài chính) - hai bộ xem xét, nếu hợp lý - cho tăng, không hợp lý không chấp thuận.

Chưa hết, mức tăng này (theo một quan chức) thì trước mắt cũng phải có giới hạn và có lộ trình: Không được tăng quá 1.000đ/lít/lần và không được tăng quá 2 lần trong 3 tháng.

Chu trình "trình - duyệt" này khiến người ta thấy nó chưa thoát khỏi hoàn toàn cái bóng của Quyết định 187 về kinh doanh xăng dầu cách đây vài năm (cho phép DN được tăng giá theo biên độ +-10% giá định hướng). Có khác chăng, chỉ là khác về chủ thể (trước là Nhà nước nay là DN) đưa ra giá mới mà thôi.

Song xét về tầm quản lý vĩ mô, động thái này là hết sức cần thiết bởi hai lý do: Thứ nhất, Nhà nước chưa thể thả nổi hoàn toàn giá xăng dầu bởi đây là mặt hàng chiến lược, ảnh hưởng tới quốc kế dân sinh và là mặt hàng hoàn toàn phụ thuộc vào nhập khẩu.
 
Thứ hai, thị trường kinh doanh xăng dầu ở ta chưa hoàn toàn cạnh tranh bình đẳng và lành mạnh.

"Thả" giá hoàn toàn trong một môi trường đầy may rủi như vậy là rất mạo hiểm. Vậy thì trước mắt chúng ta phải chấp nhận "sống chung" với một thời kỳ quá độ. Nói một cách khác là mở cửa có lộ trình.

Nhưng vấn đề đặt ra ở đây là cần một cơ chế chống trục lợi từ cái thời kỳ "quá độ" này. Trong cái trục tam giác lợi ích: Nhà nước - DN - người tiêu dùng thì loại bỏ trục thứ ba (người tiêu dùng - đối tượng bị động) chỉ còn hai trục kia mới có khả năng dễ nảy sinh tư lợi.

Về cơ quan quản lý nhà nước, nhìn lại quy trình "trình - duyệt" nói trên, nếu các công chức thực thi không công tâm, trung thực đương nhiên nảy sinh cơ chế xin - cho. Lúc đó, đáng sợ nhất là xuất hiện sự bắt tay giữa các tham quan và DN để trục lợi.

Về phía DN, nếu thời gian tiến tới một thị trường thực sự cạnh tranh lành mạnh bị kéo quá dài, chuyện liên minh độc quyền trong một nhóm hoặc toàn bộ các đầu mối nhập khẩu là khó tránh khỏi.

Và nếu hai liên minh nguy hiểm nói trên song hành tồn tại, mục tiêu bình ổn thị trường, đảm bảo hài hoà lợi ích giữa Nhà nước - DN - người tiêu dùng sẽ bị phá vỡ.


Tin cùng chuyên mục

VNIndex 1,209.52 4.55 0.38% 154,884 tỷ
HNX 226.82 -0.75 -0.33% 1,394 tỷ
UPCOM 88.66 0.33 0.37% 435 tỷ