Ông Bùi Văn Huy, Giám đốc Môi giới, Công ty Chứng khoán TP.HCM
Fed quyết định nâng lãi suất USD thêm 0,75%/năm, lên mức 2,25 - 2,5%/năm, là kịch bản được thị trường kỳ vọng. Do đó, thị trường chứng khoán Mỹ nói riêng, toàn cầu nói chung vận động theo yếu tố nội tại. Đối với thị trường Mỹ, mùa kết quả kinh doanh quý II/2022 đang là tâm điểm.
Chắc chắn, Fed sẽ có những đợt tăng lãi suất tiếp theo để đưa mức lãi suất cuối năm 2022 lên 3,25 - 3,5%/năm. Tuy nhiên, điều thị trường quan tâm hiện tại là liệu Fed có giảm tốc độ tăng lãi suất hay không? Việc này cần dựa trên những số liệu về lạm phát, thị trường việc làm và sức khỏe của nền kinh tế trong thời gian tới. Bởi lẽ, Fed đang đứng trước tình thế khó xử khi vừa đối mặt với rủi ro lạm phát cao, vừa đối diện với nguy cơ kinh tế suy thoái.
Việc Fed nâng mạnh lãi suất trong thời gian gần đây, cộng với lạm phát toàn cầu tăng cao là áp lực cho chính sách tiền tệ trong nước. Nhưng chu kỳ kinh tế Việt Nam có độ trễ khoảng 2 - 3 quý so với các nền kinh tế lớn và chính sách tiền tệ có thể cũng tương tự. Nếu lạm phát được kiểm soát, kịch bản Ngân hàng Nhà nước không tăng lãi suất có thể xảy ra, hoặc mức tăng không lớn.
Trên thị trường Việt Nam, tâm lý nhà đầu tư khá tích cực, VN-Index tăng điểm, phá vỡ ngưỡng kháng cự 1.200 điểm ngay sau khi Fed tăng lãi suất và duy trì sắc xanh phiên sau đó, đóng cửa cuối tuần qua tại 1.206,33 điểm.
Ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn đầu tư, Công ty Chứng khoán Maybank KimEng
Tiền rẻ luôn là nguồn năng lượng cho thị trường chứng khoán, tiền đắt dĩ nhiên ảnh hưởng xấu đến thị trường, làm tăng chi phí và gây rủi ro cho nhà đầu tư.
Từ cuối năm ngoái, Fed và các ngân hàng trung ương lớn khác có động thái thắt chặt tiền tệ để chống lại lạm phát, khiến thị trường chứng khoán chững lại đà tăng và điều chỉnh giảm mạnh kể từ đầu tháng 4 năm nay.
Gần đây, giới đầu tư bắt đầu quen với quyết định tăng lãi suất của các ngân hàng trung ương và mức tăng được dự báo từ trước, nên không ảnh hưởng đến thị trường, nhất là khi giá có mức giảm sâu trong thời gian qua, dần trở nên hấp dẫn hơn.
Sau quyết định nâng lãi suất ngày 27/7 vừa qua, Fed sẽ “nghỉ ngơi” trong tháng 8 nên thị trường có cơ hội đầu tư ngắn hạn. Tuy nhiên, trong trung và dài hạn, thị trường vẫn chịu áp lực, bởi thời kỳ tiền rẻ đã trôi qua. Tiền ngày càng đắt khiến chi phí để kinh doanh cao hơn, làm cho dòng tiền có xu hướng trú ẩn nhiều hơn. Từ đầu năm 2022 đến nay, lượng tiền chảy vào hệ thống ngân hàng (tiền gửi) ngày càng tăng.
Vì thế, thị trường khó có thể phục hồi mạnh. Kỳ vọng, chỉ số từ nay đến cuối năm chủ yếu dao động tích lũy và phục hồi từng đoạn ngắn.
Ông Trần Đức Anh, Giám đốc Vĩ mô và Chiến lược thị trường, Công ty Chứng khoán KB Việt Nam
Ngay trước khi Fed công bố mức tăng lãi suất ngày 27/7/2022, giới đầu tư đánh giá có 23% khả năng lãi suất sẽ tăng ở mức 1% (theo CME Group), trong bối cảnh lạm phát ở Mỹ đang ở mức đỉnh nhiều thập kỷ. Vì vậy, việc Fed công bố mức tăng 0,75% đã mang lại phản ứng tích cực lên thị trường chứng khoán toàn cầu.
Đáng chú ý hơn, thông tin từ bài phát biểu của Chủ tịch Fed cho thấy, khả năng cơ quan này sẽ tăng lãi suất với tốc độ chậm lại trong các kỳ họp tiếp theo. Có vẻ Fed đang hài lòng với diễn biến hiện tại khi giá hàng hoá giảm dần từ đầu tháng 7, dù dữ liệu tiêu dùng có sự suy yếu.
Trong kịch bản Fed tăng lãi suất ở mức 0,5% vào kỳ họp tháng 9, thị trường chứng khoán toàn cầu sẽ tiếp tục có cơ sở để phục hồi, nếu rủi ro suy thoái kinh tế Mỹ không cao.
Đối với thị trường chứng khoán trong nước, bên cạnh các hiệu ứng về mặt tâm lý, tín hiệu ôn hoà hơn từ Fed giúp USD có phiên giảm mạnh. Nếu xu hướng này tiếp diễn sẽ phần nào giúp giải toả áp lực tỷ giá, nhất là khi giá hàng hoá hạ nhiệt, làm giảm áp lực lạm phát.
Nhìn chung, rủi ro vĩ mô đang có dấu hiệu suy yếu. Theo đó, nhà đầu tư có cơ sở để lạc quan với triển vọng thị trường khi mà chỉ số VN-Index đã giảm sâu, xuống mức hấp dẫn.