Chứng khoán Việt Nam lội ngược dòng thế giới

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) VN-Index gây bất ngờ khi tăng điểm trong bối cảnh thị trường thế giới giảm điểm, dù trước đó thường xuyên giảm khi thế giới tăng. Kỳ vọng, thị trường chứng khoán trong nước sẽ tốt dần lên.
Chứng khoán Việt Nam lội ngược dòng thế giới

Bối cảnh: Kinh tế có dấu hiệu giảm tốc

Tháng 2/2023, chỉ số nhà quản trị mua hàng lĩnh vực sản xuất của Việt Nam đạt 51,2, báo hiệu khu vực sản xuất tăng trưởng sau 3 tháng co hẹp. Tuy nhiên, một số chỉ báo khác cho thấy, kinh tế Việt Nam vẫn đang trong giai đoạn giảm tốc. Chẳng hạn, doanh số bán lẻ tháng 2/2023 đạt 482.000 tỷ đồng, giảm 6% so với cùng kỳ; FDI đăng ký 2 tháng đầu năm nay đạt 3,1 tỷ USD, giảm 38% so với cùng kỳ năm ngoái...

Theo đó, năm 2023 có thể tiếp tục là một năm khó khăn của kinh tế Việt Nam. Mặc dù vậy, DSC kỳ vọng, kinh tế năm nay vẫn sẽ tăng trưởng tốt.

VN-Index lội ngược dòng thế giới

Chỉ số VN-Index có diễn biến tích cực bất ngờ trong tuần qua, hoàn toàn đi ngược với tình trạng rung lắc, điều chỉnh của thị trường chứng khoán toàn cầu, vốn xuất phát từ những phát biểu “cứng rắn” về chính sách tiền tệ của Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ. VN-Index đóng cửa phiên cuối tuần tại 1.053 điểm, tăng tổng cộng 2,75%, với động lượng thanh khoản gia tăng. Mẫu nến hồi phục thể hiện nỗ lực kìm hãm quán tính bán trước đó.

Diễn biến chỉ số VN-Index.

Diễn biến chỉ số VN-Index.

Diễn biến ngắn hạn cho thấy góc nhìn lạc quan khi thị trường xuất hiện chuỗi phiên xanh điểm liên tiếp. Kỳ vọng quán tính hồi phục sẽ kéo dài bởi yếu tố luân phiên dẫn dắt giữa các nhóm ngành. Đặc biệt, chất xúc tác dòng vốn ngoại giúp lan tỏa tâm lý giao dịch lạc quan, quay trở lại mua ròng 4 phiên liên tiếp, với tổng giá trị trong tuần qua đạt hơn 900 tỷ đồng.

Trên phương diện kỹ thuật, một số phiên tăng điểm chưa đủ để khẳng định chỉ số đã vượt qua kênh xu hướng giảm trung hạn, nhưng chỉ báo RSI giảm ở mức độ vừa phải và nằm phía trên đường tín hiệu mua thể hiện nhịp điều chỉnh lành mạnh cho xu hướng hồi phục dài hạn. Kỳ vọng, VN-Index xây nền thành công trên đường trung bình động MA20 và hình thành điểm mua an toàn quanh ngưỡng 1.040 điểm.

DSC nhận định, xu hướng thị trường cải thiện dần có thể xuất hiện trong tuần giao dịch mới. Về chiến lược giao dịch, lượng cung tiềm năng ở vùng cản kênh trên dự kiến gia tăng, nhà đầu tư cần thận trọng, quan sát kỹ thị trường khi chỉ số tiến sát vùng 1.070 - 1.080 điểm.

Ngành đáng chú ý: Ngân hàng thiếu cơ sở bứt phá

Số liệu cập nhật cho thấy, tín dụng toàn nền kinh tế tăng trưởng chậm, đến ngày 28/2/2023 chỉ đạt 0,77%, thấp hơn nhiều so với cùng kỳ, trong khi mục tiêu cả năm tăng 14 - 15%. Bối cảnh kinh doanh khó khăn khiến hầu hết doanh nghiệp e ngại đi vay với mức nền lãi suất cao. Mặt khác, ngân hàng xét duyệt cho vay chặt chẽ vì lo ngại rủi ro nợ xấu. Điểm tích cực là nhu cầu tín dụng tập trung vào lĩnh vực sản xuất - kinh doanh.

Tuy vậy, lĩnh vực bất động sản “đóng băng”, vốn chiếm bình quân khoảng 20% tổng tín dụng toàn nền kinh tế, dẫn đến góc nhìn kết quả kinh doanh không khả quan đối với ngành ngân hàng trong quý I/2023. DSC dự báo, lợi nhuận quý đầu năm nay sẽ thấp hơn cùng kỳ năm ngoái.

Trên biểu đồ kỹ thuật, chỉ số ngành ngân hàng đang tiệm cận vùng cản sóng giảm dài hạn (fibo 61,8%) quanh ngưỡng 180 điểm; trong đà tăng 3 tháng gần đây thì yếu tố thanh khoản giảm thể hiện quán tính mua lên yếu dần. Hiện tại, ngành ngân hàng thiếu động cơ thông tin để bứt phá ngưỡng kháng cự, dẫn tới hành động giao dịch trong “hộp tích lũy Darvas” kéo dài quanh vùng 160 - 180 điểm.

Góc nhìn đầu tư đang có sự phân hóa trong nhóm ngành ngân hàng; những nhà băng không bị “bó cục” tín dụng tại thị trường bất động sản giữ được xu hướng trung hạn tốt hơn nhóm còn lại. Một số cổ phiếu đáng quan tâm là ACB, VIB, MSB.

Bài viết được cung cấp bởi CTCK DSC

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục

VNIndex 1,209.52 4.55 0.38% 154,884 tỷ
HNX 226.82 -0.75 -0.33% 1,394 tỷ
UPCOM 88.66 0.33 0.37% 435 tỷ