Diễn biến giao dịch chứng khoán tuần qua
Trên sàn HOSE, VN-Index có 5 phiên giảm liên tiếp. Tính chung cả tuần, VN-Index giảm 24,02 điểm, tương ứng giảm 4,25%, chốt tuần ở mức 551,42 điểm. Tổng khối lượng giao dịch bình quân đạt 90,91 triệu đơn vị/phiên, với tổng giá trị giao dịch bình quân đạt 1.707,91 tỷ đồng, giảm 17,31% về lượng và 13,88% về giá trị so với tuần trước.
Giao dịch trên HOSE trong tuần qua
Ngày |
VN-INDEX |
Thay đổi |
Khối lượng GD |
Giá trị GD |
27/3 |
551,42 |
-4,74(-0,85%) |
91.630.502 |
1.592.440 |
26/3 |
556,16 |
-4,77(-0,85%) |
83.825.010 |
1.661.960 |
25/3 |
560,93 |
-6,50(-1,15%) |
87.606.340 |
1.754.710 |
24/3 |
567,43 |
-3,46(-0,61%) |
91.921.673 |
1.690.920 |
23/3 |
570,89 |
-4,55(-0,79%) |
99.548.172 |
1.839.530 |
Tổng |
-24,02(-4,25%) |
454.531.697 |
8.539.560 |
Tương tự, trên sàn HNX, chỉ số HNX-Index cũng có 5 phiên giảm liên tiếp. Kết thúc tuần, HNX-Index giảm 2,73 điểm, tương ứng giảm 3,24% đứng ở mức 82,4 điểm. Tổng khối lượng giao dịch bình quân đạt 44,66 triệu đơn vị/phiên và tổng giá trị đạt 554,6 tỷ đồng, giảm 6,49% về lượng và 11,62% về giá trị so với tuần trước.
Giao dịch trên HNX trong tuần qua
Ngày |
HNX-INDEX |
Thay đổi |
Khối lượng GD |
Giá trị GD |
27/3 |
82,40 |
-0,74(-0,89%) |
51,888,230 |
584,550 |
26/3 |
83,14 |
-0,01(-0,01%) |
38,410,131 |
480,900 |
25/3 |
83,15 |
-0,17(-0,20%) |
38,530,742 |
514,380 |
24/3 |
83,32 |
-0,62(-0,74%) |
46,786,406 |
592,680 |
23/3 |
83,94 |
-1,19(-1,40%) |
47,661,844 |
600,480 |
Tổng |
-2,73(-3,24%) |
223,277,353 |
2,772,990 |
Nhà đầu tư nước ngoài tuần qua đã liên tiếp thực hiện các đợt bán ròng mạnh và các cổ phiếu bluechip cũng là tâm điểm bán ra của khối. Chính bởi sức ép cung ngoại cũng đã nhấn chìm các cổ phiếu này xuống sâu dưới mức tham chiếu và là nguyên nhân chính tác động khiến thị trường liên tiếp giảm điểm.
Tuần qua trên hai sàn, khối ngoại đã bán ròng 24,25 triệu đơn vị với tổng giá trị lên đến 710,89 tỷ đồng; trong khi tuần trước mua ròng 14,5 triệu đơn vị, trị giá 8,17 tỷ đồng.
Giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài trên 2 sàn trong tuần
Ngày |
Khối lượng |
Giá trị (tr.đồng) |
||||
Mua |
bán |
Mua-Bán |
Mua |
Bán |
Mua-Bán |
|
27/3 |
8.399.890 |
15.444.174 |
-7.044.284 |
258.200 |
424.790 |
-166.590 |
26/3 |
7.651.720 |
16.953.860 |
-9.302.140 |
250.410 |
534.940 |
-284.530 |
25/3 |
10.511.220 |
11.420.750 |
-909.530 |
380.770 |
459.180 |
-78.410 |
24/3 |
9.188.590 |
11.114.170 |
-1.925.580 |
267.380 |
328.910 |
-61.530 |
23/3 |
8.960.400 |
14.031.520 |
-5.071.120 |
280.100 |
399.930 |
-119.830 |
Tổng |
44.711.820 |
68.964.474 |
-24.252.654 |
1.436.860 |
2.147.750 |
-710.890 |
Trong đó, khối này mua vào 44,71 triệu đơn vị, trị giá 1.436,86 tỷ đồng và bán ra 68,96 triệu đơn vị, trị giá 2.147,75 tỷ đồng.
Nhận định của công ty chứng khoán
Thị trường sẽ phục hồi kỹ thuật trong ngắn hạn
CTCK BIDV (BSC)
Tâm điểm hiện tại của các nhà đầu tư là hoạt động bán ròng của khối ngoại. Theo tính toán của chúng tôi, các quỹ ETF bán ra khoảng 700.000 chứng chỉ quỹ trong ngày hôm nay, tương ứng với khoảng 190 tỷ đồng. Với việc tổng giá trị bán ròng của khối ngoại trên cả hai sàn là 167 tỷ đồng (như đã nêu trên), có thể thấy chủ yếu là do ETF bán. Sau phiên bán mạnh hôm nay, nhiều khả năng áp lực bán của ETF sẽ giảm bớt trong tuần sau do trạng thái discount của quỹ được cải thiện. Đây sẽ là cơ hội để thị trường ổn định lại và phục hồi kĩ thuật trong ngắn hạn.
Chúng tôi tiếp tục khuyến nghị nhà đầu tư ưa mạo hiểm mua bắt đáy trong phiên hôm nay và có thể sẽ chờ bán trong tuần tới khi thị trường phục hồi. Còn với nhà đầu tư thận trọng, chúng tôi vẫn chưa khuyến nghị mở vị thế mua.
Các ngưỡng hỗ trợ ngắn hạn có thể tiếp tục bị phá vỡ
CTCK Sài Gòn Hà Nội (SHS)
Thị trường tiếp tục có 1 tuần liên tiếp điều chỉnh giảm. Các mốc hỗ trợ liên tục bị phá vỡ. Hầu hết các mã đều lùi sâu về các vùng giá thấp so với đầu tuần. Tuy vậy, điểm đáng lo ngại không thuộc về yếu tố điểm số, mà là những tín hiệu nguội dần của cả dòng vốn nước ngoài và dòng vốn nội:
Sau tuần giao dịch mua bán sôi động cho kỳ review lần 1 trong năm 2015 của 2 quỹ ETF, giao dịch của 2 quỹ trong tuần này lại tiếp tục tốn nhiều giấy mực. Tính chung cả tuần, quỹ ETF VNM bị rút ròng tới 2,3 triệu CCQ tương ứng giá trị hơn 900 tỷ đồng. Quỹ ETF FTSE cũng bị rút ròng 300 nghìn CCQ. Do vậy cũng là điều dễ hiểu khi khối ngoại liên tục bán ròng rất mạnh, với giá trị lên tới hơn 710 tỷ đồng, tập trung nhiều vào các mã có sức ảnh hưởng lớn tới thị trường chung. Tuy vậy trạng thái discount của quỹ ETF VNM cũng có xu hướng giảm đáng kể và đem lại hy vọng về xu hướng rút dòng CCQ sẽ dừng lại trong tuần tới.
Đối với dòng vốn nội: Bất chấp những thông tin tích cực liên tiếp được đưa ra trong tuần: GDP tăng trưởng vượt dự báo trong quý I, lãi suất huy động tiếp tục điều chỉnh giảm tại nhiều NHTM, những đánh giá tích cực về triển vọng kinh tế Việt Nam 2015 của các tổ chức nước ngoài, sửa đổi Thông Tư 210 sẽ không sớm được triển khai..dòng vốn nội vẫn tỏ ra khá thờ ơ, lượng cầu chủ yếu tiến hành mua đón đỡ ở các mức giá thấp. Giá trị giao dịch khớp lệnh 2 sàn chưa phiên nào vượt quá ngưỡng 2.000 tỷ. Dòng vốn giữ ở mức thấp có thể đơn thuần do nhà đầu tư đứng ngoài chưa nhìn thấy cơ hội và không vội tham gia, tuy vậy nếu xu hướng này duy trì trong quãng thời gian dài sẽ là điểm đáng lo ngại cho thị trường chung.
Tiếp tục phá vỡ các ngưỡng hỗ trợ ngắn hạn, lượng giao dịch suy giảm, khối ngoại liên tiếp bán ròng. Đó là những yếu tố khiến chúng tôi tiếp tục giữ quan điểm thận trọng trong tuần tới. Nhà đầu tư nên tiếp tục quan sát diễn biến của dòng tiền. Nếu lực cầu suy yếu khiến 2 chỉ số tiếp tục phá vỡ các ngưỡng hỗ trợ ngắn hạn trong hiện tại, nhà đầu tư nên tiến hành giảm dần tỷ trọng cổ phiếu trong danh mục. Trường hợp ngược lại, nhà đầu tư có thể tiếp tục vị thế nắm giữ đối với các cổ phiếu tốt, có các tin hỗ trợ tích cực trong mùa đại hội cổ đông tới đây.
Sẽ đi ngang quanh vùng giá hiện tại
CTCK MaritimeBank (MSBS)
Thị trường đuối sức dần về cuối phiên mặc dù tăng điểm trong gần hết phiên sáng đã cho thấy niềm tin của nhà đầu tư vẫn còn đang rất yếu. Dòng tiền vẫn đứng ngoài thị trường và chỉ số VN-index bị chi phối mạnh bởi diễn biến của cổ phiếu GAS.
Tuy nhiên, vùng kháng cự 550-555 điểm vẫn là một vùng kháng cự mạnh và VN-index khó có thể giảm sâu hơn nhưng kịch bản đi ngang quanh vùng giá hiện tại là phù hợp khi yếu tố thanh khoản vẫn chưa được cải thiện. Thị trường sẽ không tăng điểm mạnh ít nhất là đến tuần thứ 2 của tháng 4/2015.
Do vậy, nhà đầu tư trading T+ vẫn nên đứng ngoài thị trường quan sát. Việc mua vào cổ phiếu hiện tại chỉ thích hợp để nắm giữ trong 1,5-2 tháng tới.
Sẽ sớm xuất hiện đợt hồi kỹ thuật
CTCK MayBank KimEng (MBKE)
Dù thị trường có thể sẽ sớm xuất hiện một đợt hồi kỹ thuật nhất định trong thời gian tới, chúng tôi vẫn bảo lưu cái nhìn thận trọng cho giai đoạn tới đây.
Chúng tôi khuyến nghị nhà đầu tư giữ tỷ trọng cổ phiếu ở mức cân bằng với tiền để phù hợp hơn với tình trạng hiện nay của thị trường. Việc điều chỉnh tỷ lệ có thể chờ đợi một đợt hồi kỹ thuật trong các phiên tới để thực hiện.
Vẫn chưa có dấu hiệu bắt đáy
CTCK Rồng Việt (VDSC)
Chúng tôi nhận thấy đã có dấu hiệu bắt đáy ở một số thời điểm trong tuần, nhưng lượng cầu vẫn còn khá yếu so với lực bán, đặc biệt là lực bán từ GAS và PVD. Việc thị trường giảm điểm trong 5 phiên liên tiếp với thanh khoản khá thấp, chúng tôi cho rằng thị trường vẫn chưa có dấu hiệu bắt đáy đối với những NĐT ngắn hạn. Ngược lại, đây sẽ là cơ hội tích lũy dần đối với những NĐT dài hạn.
Bên cạnh đó, NĐT cũng có thể tham khảo chủ ý lớn của chúng tôi trong Báo cáo chiến lược năm 2015. Cụ thể, NĐT có thể chọn lọc ra những cổ phiếu triển vọng và có “câu chuyện riêng” trong năm để đầu tư trong dài hạn. Chúng tôi nghĩ rằng đã đến lúc nhà đầu tư nên sử dụng “chiếc cần câu” mà chúng tôi đã đề cập trong báo cáo.
Các mã ngành ngân hàng sẽ đủ sức cân bằng lại áp lực bán ra
CTCK Bảo Việt (BVSC)
Thị trường trải qua tuần lao dốc mạnh với thanh khoản ở mức trung bình thấp và độ rộng thị trường nghiêng hoàn toàn về số mã giảm điểm. Áp lực bán ròng khá đột biến của khối ngoại, xấp xỉ 710 tỷ đồng trên cả hai sàn, được xem là nguyên nhân chính đằng sau diễn biến tiêu cực của các chỉ số. Theo quan sát, phần lớn trong số này xuất phát từ các quỹ ETF và tập trung vào các mã vốn hóa lớn như VIC, MSN, BVH… Bên cạnh đó, diễn biến tiêu cực của nhóm cổ phiếu ngành dầu khí như GAS, PVD, PVS... cũng góp phần khiến thị trường lao dốc. Xét về diễn biến chỉ số ngành, ngành nông thủy sản có mức tăng mạnh nhất trong tuần (+11.34%) trong khi ngành sản xuất và khai thác dầu khí điều chỉnh mạnh nhất (-12.86%).
Diễn biến bán ròng của khối ngoại đang gây tâm lý lo ngại cho khối nhà đầu tư trong nước. Ngoài lý do FED đang có kế hoạch tăng lãi suất trong thời gian tới khiến đồng USD mạnh lên và các dòng vốn đầu tư có xu hướng quay trở lại Mỹ, động thái bán ròng của khối ngoại trong tuần qua còn đến từ những lo ngại về khả năng điều chỉnh tỷ giá của NHNN và diễn biến tiêu cực của TTCK thế giới. Nhìn chung, BVSC cho rằng động thái bán ròng của các quỹ ETF nhiều khả năng sẽ còn tiếp diễn, tuy nhiên giá trị bán ròng sẽ giảm dần trong tuần tới. Lực cầu bắt đáy của khối nhà đầu tư trong nước và dòng tiền giải ngân khá bền bỉ của các quỹ tương hỗ (bao gồm cả các quỹ nước ngoài) hướng vào các cổ phiếu lớn đang dần tăng lên, đặc biệt là các mã ngành ngân hàng, sẽ dần đủ sức cân bằng lại áp lực bán ra này.
Chúng tôi cho rằng, nhà đầu tư có thể thực hiện giải ngân từng phần ở các vùng giá thấp. Danh mục trung dài hạn nên tập trung vào các mã cơ bản tốt, có triển vọng KQKD 2015 tích cực và thông tin hỗ trợ trong mùa ĐHCĐ sắp tới. Phần tỷ trọng ngắn hạn nên ưu tiên vào các mã đang bị bán mạnh bởi các quỹ ETF và đã sụt giảm đáng kể trong hai tuần trở lại đây.