Chứng khoán toàn cầu sắp đối diện một ngày dữ dội

(ĐTCK) Với việc Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết, ông không cần đẩy nhanh việc đạt được thỏa thuận thương mại với Trung Quốc, các thành viên thị trường giật mình nhận ra, ngày 15/12 - thời điểm các hàng rào thuế quan mới được áp dụng thêm với hàng hóa Trung Quốc nhập khẩu vào Mỹ đã tới rất gần.
Ảnh Shutterstock. Ảnh Shutterstock.

Thị trường chứng khoán thế giới đã lặng lẽ tăng lên đỉnh cao mới trong tháng trước, với kỳ vọng lạc quan rằng, thỏa thuận thương mại Mỹ - Trung đã trong tầm với.

Trong khi đó, đồng hồ vẫn gõ nhịp tới ngày 15/12 - thời điểm Tổng thống Mỹ Donald Trump đe dọa sẽ áp thêm 15% thuế đối với 160 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc.

Đây là lý do phát ngôn mới nhất của ông Trump nhanh chóng đẩy nhiều thị trường chứng khoán đi xuống, khi mà trước đó người đứng đầu nước Mỹ từng khẳng định, nên đợi tới sau khi cuộc bầu cử vào tháng 11 năm tới diễn ra để ký thỏa thuận thương mại với Mỹ.

Chưa hết, chính quyền của Tổng thống Trump còn gây bất ngờ khi đánh thuế lên sản phẩm thép của Brazil và Argentina.

Trong năm 2018, nhôm, thép của hai nước này xuất khẩu qua Mỹ không bị đánh thuế, chỉ bị hạn chế bằng hạn mức (quota).

Bên cạnh đó, Washington dọa sẽ đánh thuế 100% lên toàn bộ hàng nhập khẩu từ Pháp để trả đũa việc Paris áp thuế lên GAFA - 4 tập đoàn công nghệ lớn của Mỹ (Google, Apple, Facebook và Amazon).

Chứng khoán toàn cầu sắp đối diện một ngày dữ dội ảnh 1

Mỗi lần ông Trump dọa áp thuế, chứng khoán châu Á lại xuống dốc.

Trước thực tế này, theo Sue Trinh, giám đốc chiến lược vĩ mô toàn cầu tại Manulife Investment Management Hong Kong, việc hàng rào thuế quan mới có hiệu lực vào ngày 15/12 khả năng tạo nên cú sốc lớn với thị trường chứng khoán toàn cầu.

Cùng chung quan điểm, Chris Weston, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu tại Pepperstone Group Ltd đã đưa ra lời cảnh báo với khách hàng.

“Chúng ta có thể đối diện với một ngày dữ dội. Chỉ số S&P 500 nhiều khả năng giảm khoảng 2%, các đồng tiền bao gồm nhân dân tệ, dollar Úc và won Hàn Quốc đều chịu tác động mạnh”, Chris Weston cho biết.

Nhìn xa hơn, Kerry Craig, chiến lược gia thị trường toàn cầu tại JPMorgan Asset Management nhận định, mối lo lắng lớn nhất hiện tại là triển vọng ký kết thỏa thuận thương mại đã được phản ánh vào giá, trong khi thỏa thuận này chưa thành hiện thực.

Đây sẽ là “tảng đá” đè nặng lên thị trường chứng khoán trong vài tháng tới. Những yếu tố bất ổn, cũng như tâm lý lo lắng chỉ được giải tỏa phần nào nếu kinh tế toàn cầu có dấu hiệu tăng trưởng tích cực hơn.

Trong bối cảnh này, Steve Brice, chiến lược gia đầu tư trưởng tại Standard Chartered cho rằng, năm 2020 đang tới gần, đã tới lúc nhà đầu tư nên sắp xếp lại danh mục đầu tư và không nên “đuổi bắt” theo diễn biến thị trường.

Bên cạnh đó, việc chuẩn bị tâm lý và chiến lược đầu tư cho năm 2020 là cần thiết, với kịch bản tốt nhất là thỏa thuận thương mại Mỹ - Trung sẽ được ký kết vào đầu năm tới.

Tuy nhiên, một số góc nhìn cho rằng, đà giảm của thị trường trong tuần này mở ra cơ hội mua vào ở mức giá hấp dẫn hơn. Eli Lee, người đứng đầu bộ phận chiến lược đầu tư tại Bank of Singapore chia sẻ, việc đánh thuế thêm một số quốc gia thể hiện nỗ lực “xây dựng hình ảnh” của ông Trump trước khi tiến tới ký thỏa thuận với Trung Quốc.

“Nền kinh tế đang trong tình thế khá khó khăn, thậm chí đối diện khả năng rơi vào khủng hoảng. Nhà Trắng sẽ không muốn tình trạng này kéo dài cho tới cuộc bầu cử Tổng thống năm 2020”, Eli Lee nhận định.

Lam Phong (Theo báo chí nước ngoài)

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục