Chứng khoán toàn cầu hồi phục trong tháng 7 sau nửa đầu năm 2022 ảm đạm

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Chứng khoán toàn cầu đã ghi nhận tháng giao dịch tích cực nhất kể từ cuối năm 2020 sau khi phục hồi từ nửa đầu năm 2022 với kỳ vọng đà tăng lãi suất được giảm bớt và báo cáo lợi nhuận khả quan từ các tập đoàn công nghệ lớn.
Chứng khoán toàn cầu hồi phục trong tháng 7 sau nửa đầu năm 2022 ảm đạm

Chỉ số FTSE All-World về các thị trường phát triển và thị trường mới nổi đã tăng 5,8% trong tháng 7, tâm lý tích cực được thúc đẩy trong tuần này nhờ các bản cập nhật báo cáo lợi nhuận quý tích cực từ các ông lớn công nghệ của Mỹ cho thấy nhóm cổ phiếu công nghệ thống trị của Mỹ có thể chống chọi với các cơn bão kinh tế.

Diễn biến tích cực của thị trường chứng khoán trong tháng 7 trái ngược với 6 tháng đầu năm nay, khi chỉ số chứng khoán toàn cầu giảm hơn 20%.

Diễn biến chỉ số FTSE All-World theo tháng.

Diễn biến chỉ số FTSE All-World theo tháng.

Cổ phiếu của Amazon đã tăng mạnh trong tuần này sau kết quả kinh doanh quý II tích cực hơn dự báo của các nhà phân tích và Amazon cũng đưa ra triển vọng lạc quan cho phần còn lại của năm do sức mạnh kinh doanh điện toán đám mây của họ.

Microsoft, Apple và Alphabet mẹ của Google đều đã đưa ra những triển vọng tự tin hơn những gì các nhà đầu tư lo ngại, đẩy giá cổ phiếu công nghệ của Mỹ vốn có tỷ trọng quá lớn trên thị trường toàn cầu.

Theo Bank of America, các quỹ đầu tư của Mỹ được EPFR theo dõi đã ghi nhận dòng vốn đầu tư vào lớn nhất trong sáu tuần với 9,5 tỷ USD trong tuần này. Theo dữ liệu của FactSet, chỉ số blue-chip S&P 500 đã tăng hơn 7% trong tháng này, với 86% cổ phiếu được liệt kê trong chỉ số tăng kể từ cuối tháng 6. Chỉ số Stoxx 600 cũng đã tăng khoảng 7% trong tháng 7.

Một loạt dữ liệu yếu kém về nền kinh tế Mỹ đã giúp giảm bớt lo ngại rằng Cục Dự trữ Liên bang (Fed) sẽ tiếp tục mạnh tay thắt chặt chính sách tiền tệ sau khi tăng mạnh lãi suất trong bảy tháng đầu năm nay. Những quan điểm đó đã được củng cố vào thứ Năm (28/7) sau khi dữ liệu cho thấy nền kinh tế Mỹ đã thu hẹp trong hai quý liên tiếp, làm dấy lên hy vọng rằng chu kỳ lạm phát tồi tệ nhất trong bốn thập kỷ sẽ được kiềm chế.

Antoine Lesne, Trưởng bộ phận chiến lược và nghiên cứu, Bộ phận kinh doanh SPDR ETF của State Street cho biết: “Dữ liệu kinh tế không mạnh mẽ như vậy được xem là chính sách tiền tệ ít tích cực hơn trong tương lai. Fed sẽ tiếp tục tăng, nhưng không mạnh mẽ như thị trường đã mong đợi trước đó”.

Mặt khác, định giá trên thị trường tương lai vào thứ Sáu (29/6) ngụ ý rằng lãi suất của Fed sẽ đạt đỉnh 3,25% vào tháng 2 tới, từ mức 2,25% đến 2,5% hiện tại. Trong khi vào thời điểm giữa tháng 6, dự đoán đỉnh lãi suất đã lên tới 3,9%.

Tuy nhiên, các chiến lược gia tại Barclays cảnh báo rằng, hoạt động mạnh mẽ của tháng 7 đối với cổ phiếu và trái phiếu có thể sớm không còn nữa do lạm phát vẫn tiếp tục tăng cao vì ảnh hưởng của xung đột Nga-Ukraine.

“Triển vọng cơ bản vẫn bị che khuất bởi sự chậm lại đáng kể của nền kinh tế và giá năng lượng cao. Thật lạc quan khi tin rằng Fed có thể sớm đảo ngược hướng đi”, các chiến lược gia tại Barclays cảnh báo.

Hạc Hiên
Theo báo chí nước ngoài

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục

VNIndex 1,177.4 -12.82 -1.09% 174,889 tỷ
HNX 222.63 -2.67 -1.2% 1,395 tỷ
UPCOM 87.51 -0.51 -0.59% 436 tỷ