Tham gia đào tạo, chuẩn bị cho sự ra đời TTCK
Năm 1998, tôi vừa về nước, công tác tại Quỹ đầu tư phát triển đô thị TP. HCM (HIFU) và tham gia giảng dạy tại Đại học Mở TP. HCM. Một số sinh viên của Trường đã giới thiệu tôi gặp các anh Vũ Bằng, Tư Nguyên, Tôn Tích Quý... là các lãnh đạo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và Trung tâm Nghiên cứu khoa học và Bồi dưỡng nghiệp vụ về chứng khoán và TTCK (nay là Trung tâm Nghiên cứu khoa học và Đào tạo chứng khoán).
Trung tâm đang tìm người giảng dạy, viết giáo trình đào tạo. Các anh có nhờ tôi viết. Giáo trình khi đó tôi viết chủ yếu căn cứ vào chương trình CFA (Chartered Financial Analyst) phần quản lý danh mục đầu tư và quản trị rủi ro. Tôi cũng nhận lời làm giảng viên cho lớp đào tạo chứng khoán để cấp chứng chỉ đầu tiên ở cả TP. HCM và Hà Nội.
Tôi nhớ khi đó, ngoài phần trực tiếp đứng lớp, tôi thường hay được anh Bằng nhờ dạy thay mỗi khi anh bận, nên số buổi đứng lớp của tôi khá dày. Vì là thời gian đầu nên số người theo học lớp đào tạo rất đông, trong đó có hầu hết các anh chị là lãnh đạo ngân hàng, tổ chức tài chính, CTCK, chủ doanh nghiệp.
Phần lớn tên tuổi gạo cội trên thị trường tài chính - chứng khoán hiện nay khi đó làm ngân hàng, thương mại... đều tham gia lớp học này. Tôi khi đó mới 30 tuổi, còn khá trẻ so với các học viên. Khi vào lớp, tôi phải mở đầu: “Xin phép các anh chị, ngoài đời, các anh chị là sư phụ em, nhưng hôm nay cho em mạn phép được giảng bài chia sẻ đôi điều về TTCK”. Nhưng đôi lúc, tôi cũng phải dùng “uy” của người giảng dạy về lý thuyết. Tôi nhớ, trong lớp có anh Q. là lãnh đạo một ngân hàng lớn đã tranh luận với tôi về một khái niệm rất cơ bản, đó là giá trị thời gian của dòng tiền (TVM).
Câu hỏi đặt ra là so sánh giá trị đồng tiền ngày hôm nay với đồng tiền trong tương lai. Các phương án lựa chọn là 1 đồng ngày hôm nay thì lớn hơn, nhỏ hơn hoặc tùy so với 1 đồng của năm sau. Lý thuyết giá trị thời gian của dòng tiền cho rằng, 1 đồng tiền hiện tại luôn phải lớn hơn 1 đồng tiền tương lai. Nhưng anh Q. nhất quyết cho là "tùy" với khá nhiều ví dụ chứng minh. Tranh luận lâu, mất nhiều thời gian của lớp nên tôi kết thúc tranh luận bằng cách càn lướt: “Xin lỗi anh, để tránh mất thời gian của cả lớp, em xin chấm dứt tranh luận với anh ở đây, nhưng em sẽ đề nghị ra câu hỏi này trong đề thi, nếu anh chọn “tùy” thì anh bị mất điểm… ráng chịu”. Đó là một kỷ niệm mà tôi nhớ mãi.
Cơ duyên đến với CTCK đầu tiên của Việt Nam
Trong các lớp tôi dạy có một anh bạn trẻ rất thông minh tên Phạm Quang Huy (hiện là tổng giám đốc một trong những CTCK lớn nhất ở Việt Nam) đi học cùng nhóm nhân viên của Tập đoàn Bảo Việt. Huy giới thiệu tôi gặp các sếp của Tập đoàn lúc đó là anh T.M.L - Tổng giám đốc Bảo Việt kiêm Chủ tịch CTCK Bảo Việt (BVSC) và chị N.P.L là Phó tổng giám đốc Bảo Việt kiêm Tổng giám đốc BVSC.
Sau khi tìm hiểu, các anh chị đề nghị tôi về làm việc tại BVSC, công ty vừa nhận giấy phép thành lập số 01. Tôi thấy đề nghị này hay, phần vì mình sẽ có cơ hội tham gia làm nên “lịch sử” ở CTCK đầu tiên tại Việt Nam, phần vì cảm mếm rất ấn tượng, muốn làm việc với những người trẻ thông minh, tinh tế như Huy nên tôi đã nhanh chóng nhận lời. Tôi “tập kết ra Bắc” đầu năm 2000, trở thành Phó giám đốc BVSC.
Văn phòng Công ty khi đó lấy tạm một phòng họp nhỏ của Tập đoàn ở phố Hai Bà Trưng (Hà Nội). Công việc của tôi chủ yếu là tuyển dụng và huấn luyện nhân viên, xây dựng các quy trình nghiệp vụ cho hoạt động. Ở Hà Nội 6 tháng, khi Công ty có chủ trương mở sàn giao dịch chứng khoán ở TP. HCM, vào tháng 6 năm đó, tôi được bổ nhiệm làm Giám đốc Chi nhánh để quay trở lại TP. HCM với một tờ quyết định đóng dấu đỏ và một cô thư ký, bắt tay lập Chi nhánh BVSC và chuẩn bị mở sàn giao dịch đầu tiên. Văn phòng Chi nhánh đặt tạm tại đường Thái Văn Lung, mượn đỡ một phòng họp trên tầng trên cùng của Bảo Việt Sài Gòn.
Thời điểm đó, anh Vũ Bằng là Giám đốc và anh Sinh là Phó giám đốc Trung tâm GDCK TP. HCM. Hai anh hỗ trợ hết mình cho CTCK đầu tiên. Hai anh gợi ý cho tôi địa điểm để mở sàn nằm ngay góc ngã tư Nguyễn Công Trứ và Nam Kỳ Khởi Nghĩa, lúc đó là căng tin nhỏ của Trung tâm đang cho thuê bán cơm bình dân. BVSC đặt vấn đề thuê lại đặt văn phòng và sàn chứng khoán ở đó. Đó là sàn giao dịch chứng khoán đầu tiên của TTCK Việt Nam. Căn nhà đó đã bị dỡ bỏ khi Sở GDCK TP. HCM xây cao ốc văn phòng mới.
Khi bắt tay vào mở sàn giao dịch chứng khoán, chính tôi cũng chưa hình dung sàn với các quy định về phương thức giao dịch của Việt Nam nên được thiết kế như thế nào. Tôi có du học ở Mỹ và thực tập ở Sở GDCK New York, nhưng phương thức và quy định của họ rất khác với Việt Nam.
Tham khảo ý kiến lãnh đạo TTGDCK TP. HCM và mày mò một hồi, chúng tôi “chế” ra kiểu sàn với một màn hình bảng giá chứng khoán online và mấy dãy ghế cho mọi người ngồi, bên cạnh là một cái quầy giống như quầy bar để nhân viên môi giới ngồi phía trong. Có người nói đùa, sàn chứng khoán giống như rạp chiếm phim kết hợp với quầy bar!
Thế mà sau đó, hầu hết các sàn giao dịch khác mở ra đều theo mô hình sàn như rạp chiếu phim + quầy bar này, có các dãy ghế ngồi, màn hình và quầy đặt lệnh. Có thể họ làm ghế sang hơn, màn hình to hơn, quầy lớn hơn. Mô hình sàn giao dịch kiểu này kéo dài khá lâu cho đến khi có giao dịch trực tuyến.
Đồng thời với lập sàn giao dịch, BVSC tuyển nhân sự. Tôi nhớ, khi tuyển nhân sự cho Chi nhánh, Công ty chỉ tuyển khoảng 10 người mà đơn nộp hơn 1.000. Tụi tôi làm 3 vòng thi, vòng đầu tiên giống như thi lý thuyết, sau đó sàng lọc và cho thi bài thi khó hơn, rồi chọn một số người vào phỏng vấn để quyết định tuyển dụng. Giám đốc Chi nhánh BVSC hiện nay, Võ Hữu Tuấn lúc đó mới du học ở Úc về cũng được tuyển đợt đầu tiên đó, với vị trí khởi đầu là nhân viên môi giới tập sự.
Mọi thứ được chuẩn bị sẵn sàng cho ngày giao dịch đầu tiên 20/7/2000. Trước ngày giao dịch, anh Vũ Bằng triệu tập cuộc họp với tất cả các bên có liên quan, thảo luận và thống nhất đưa ra quyết định... hạ biên độ giao dịch trần sàn xuống 3% (so với quy định trước đó là 5%) cho an toàn. Tôi nhớ mãi ngày sàn chứng khoán khai trương, cả ngàn người tò mò kéo đến xem như là xem bắn pháo hoa vậy, phải nhờ đến công an đảm bảo trật tự!
Hai công ty niêm yết đầu tiên là REE và SAM, sau đó là HAP do BVSC tư vấn niêm yết. Khi đi vào hoạt động, TTCK Việt Nam bước ngay vào giai đoạn tăng giá và tăng “nóng” suốt một thời gian khoảng hơn 40 tuần liên tục từ tháng 7/2000 (VN-Index 100 điểm) đến tháng 5/2001 (VN-Index trên 570 điểm) trước khi bước vào chu kỳ dài giảm khốc liệt sau đó đến tận tháng 3/2003, chỉ số xuống dưới 130 điểm.
Dù trải qua nhiều thăng trầm, nhưng TTCK Việt Nam đến nay đã đạt được nhiều thành tựu, góp phần quan trọng vào sự phát triển của thị trường tài chính và nền kinh tế đất nước. Cùng với đó là những con người đam mê, gắn bó, tràn đầy nhiệt huyết với TTCK Việt Nam.