Cụ thể, theo Ngân hàng Nhà nước, tổng dư nợ cho vay nền kinh tế của các ngân hàng hiện đạt hơn 7,85 triệu tỷ đồng và có thể sẽ cán mốc 8 triệu tỷ đồng vào cuối năm nay, tương đương 338 tỷ USD, trong khi tổng GDP của cả nước ở mức 255 tỷ USD.
Như vậy, tỷ lệ tín dụng/GDP của Việt Nam đang ở mức 1,33 lần, cao hơn mức 1,3 lần được khuyến cáo đối với các nước đang phát triển và các quốc gia trong khối ASEAN.
Ngân hàng Nhà nước rõ ràng có lý do để duy trì một mức tăng trưởng tín dụng hợp lý và thấp hơn chỉ tiêu cho năm nay là 14%. Do đó, sẽ không có gì ngạc nhiên nếu tín dụng năm nay tăng trưởng ở mức 12% hoặc 13%.
Tuy nhiên, cơ quan này đang xem xét tạm thời chuyển tăng trưởng tín dụng từ các ngân hàng có vốn nhà nước chi phối như VietinBank, Agribank… sang cho khối ngân hàng thương mại cổ phần. Sự chuyển dịch này chỉ có thể áp dụng trong những tháng còn lại của năm và với những ngân hàng cổ phần đã áp dụng Basel II, cũng như kiểm soát tốt việc sử dụng vốn vay.
Thông tin trên dự báo có thể gây ảnh hưởng trực tiếp đến các cổ phiếu ngân hàng nói riêng và thị trường chứng khoán nói chung trong bối cảnh dòng tiền vào thị trường ở mức thấp như hiện nay. Dưới áp lực kiểm soát tín dụng, các doanh nghiệp tiếp tục có xu hướng phát hành trái phiếu lãi suất cạnh tranh để huy động vốn.
Ðiều này sẽ rút nguồn tiền cổ phiếu sang trái phiếu và có thể làm giảm giá cổ phiếu nếu trái phiếu đó có quyền lựa chọn chuyển đổi thành cổ phiếu.
Nếu thực tế diễn ra như dự báo, thị trường chứng khoán có thể sẽ kéo dài trạng thái khó khăn thêm một thời gian nữa.
Ðây là một phần nguyên nhân khiến nhà đầu tư tỏ ra thận trọng với thị trường, cho dù đón nhận các thông tin tích cực như Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tiếp tục giảm lãi suất, hay những bước tiến mới trong đàm phán thương mại Mỹ - Trung.
Thị trường tăng điểm mạnh những phiên vừa qua chủ yếu do các mã lớn như VIC, VRE tăng mạnh với thông tin doanh nghiệp công bố mua hàng chục triệu cổ phiếu quỹ. Các cổ phiếu này quay đầu tăng giá bất ngờ, đẩy thị trường tăng theo.
Trong khi đó, động thái bán ròng của nhà đầu tư ngoại trong 3 tháng qua khiến nhà đầu tư e ngại thị trường thiếu dòng tiền mới, cộng với tín dụng ngân hàng tiếp tục được kiểm soát cho thấy thị trường không dễ dàng chuyển trạng thái từ lình xình sang tăng điểm mạnh ít nhất cho đến cuối năm.
Tuy nhiên, dòng tiền vẫn đang tự tìm cơ hội riêng, trước tiên là với các cổ phiếu trong 2 bộ chỉ số Diamond Index và Financial Index.
Thông tin về hai quỹ đầu tư mới theo 2 bộ chỉ số này có thể ra mắt trong vài ngày tới đã giúp các mã hết room ngoại như FPT, MWG và nhóm tài chính như TCB, VPB, MBB... tăng điểm mạnh.
Bên cạnh đó, nhiều mã có kết quả kinh doanh quý IV dự báo tích cực cũng đang giao dịch với thanh khoản cải thiện, dù giá chưa tăng nhiều.
Các chuyên gia phân tích thị trường khuyến cáo, nhà đầu tư nên theo dõi các cổ phiếu được định giá thấp, có kết quả kinh doanh quý IV tốt và nắm vững diễn biến giá để chọn thời điểm mua thích hợp. Bởi lúc này, nhiều nhà đầu tư đưa ra mức lợi nhuận kỳ vọng khá mỏng, khoảng 10-15% là chốt lời, nên cho dù là cổ phiếu tốt, nếu chọn sai thời điểm mua thì vẫn có thể bị lỗ.