Sau một năm 2020 đầy rẫy những ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 lên nền kinh tế toàn cầu, buộc các gia đình phải ở trong nhà và các doanh nghiệp phải ngừng hoạt động thì năm 2021 đã chứng kiến sự ra đời của các loại vắc xin an toàn, hiệu quả và từ đó củng cố niềm tin của người tiêu dùng và giúp các nền kinh tế mở cửa trở lại.
Thị trường chứng khoán Mỹ nhiều lần lập đỉnh lịch sử mới và ghi nhận nhiều phiên tăng điểm kỷ lục dù lạm phát đang tăng kỷ lục. Chính lạm phát gia tăng cộng với việc nhu cầu tiêu dùng bùng nổ sau một thời gian dài bị dồn nén khiến cho doanh thu của nhiều công ty tăng mạnh, lợi nhuận tăng trưởng tốt.
Sau đợt bán tháo nghiêm trọng hồi tháng 3/2020 trên thị trường chứng khoán Mỹ khi đại dịch Covid-19 lần đầu xuất hiện, nhiều cổ phiếu nói riêng và thị trường chứng khoán Mỹ nói chung đã phục hồi ấn tượng trong năm 2021.
Trong năm nay, chỉ số S&P 500 đã thiết lập mức cao nhất mọi thời đại là 4.743 điểm và chỉ số công nghiệp Dow Jones (DJIA) cũng chinh phục mốc kỷ lục mới là 36.565 điểm. Chỉ số NASDAQ cũng đạt mức cao kỷ lục là 16.212 điểm trong tháng 11 khi làm việc tại nhà, đặt hàng trực tuyến và hội nghị từ xa nay đã trở nên phổ biến và dễ dàng.
Biến động chỉ số công nghiệp Dow Jones trong năm 2021. |
Với việc thị trường chứng khoán bùng nổ, các công ty đổ xô chào bán cổ phiếu ra công chúng và bán cổ phiếu của họ thông qua các đợt IPO với tốc độ kỷ lục. Năm 2021 chứng kiến gần 1.000 đợt IPO lớn nhỏ tại thị trường chứng khoán Mỹ, nhiều hơn hai lần so với các thương vụ IPO vào năm 2020 và gấp 4 lần so với năm 2019.
Trong đó, có các thương vụ đáng chú ý như IPO DiDi, Bumble và AppLovin hay các nền tảng tài chính như RobinHood và Coinbase.
19 công ty đã huy động được hơn 1 tỷ USD mỗi công ty thông qua IPO vào năm 2021. Tổng cộng, hơn 1.000 tỷ USD đã được huy động thông qua các đợt chào bán công khai lần đầu và niêm yết trực tiếp trong năm nay.
Không có gì ngạc nhiên khi hoạt động M&A toàn cầu trong năm 2021 cũng phá vỡ các kỷ lục. Các hợp đồng kinh doanh và giao dịch cổ phần tư nhân lên tới hơn 40.000 giao dịch, với tổng mức định giá là hơn 6.000 tỷ USD.
Con số này đã xô đổ mức cao nhất mọi thời đại là 4.800 tỷ USD được thiết lập vào năm 2015. Các lĩnh vực công nghệ, dịch vụ tài chính, công nghiệp và năng lượng chiếm phần lớn các thương vụ M&A trong năm nay, chủ yếu được dẫn dắt bởi các công ty, cổ phần tư nhân và SPAC, hoặc các công ty được thành lập có mục đích đặc biệt.
Sự gia tăng trong các thương vụ M&A diễn ra trong bối cảnh lãi suất tại các ngân hàng trung ương vẫn ở mức thấp và tăng trưởng kinh tế trì trệ trong bối cảnh đại dịch Covid-19, khiến các doanh nghiệp phải tìm kiếm các nguồn vốn thay thế.
Năm 2022, các chuyên gia dự đoán chỉ số S&P 500 khó có khả năng lặp lại được kỳ tích như năm nay. Bởi trong năm sau, sẽ có ít nhất một lần tăng lãi suất từ Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed), sự hưng phấn ban đầu từ việc mở cửa nền kinh tế trở lại giảm dần và các chương trình kích thích tiền tệ bị thắt chặt.
JPMorgan dự báo, chỉ số S&P 500 sẽ đạt 5.050 điểm vào cuối năm 2022, tăng khoảng 8% so với mức hiện tại.
Bank of America (BOA) lại đưa ra mục tiêu khiêm tốn hơn khi dự báo S&P 500 sẽ chỉ đạt 4.600 điểm khi kết thúc năm 2022, tương đương với giảm 1,9% so với thời điểm hiện tại. Điều đó sẽ đi kèm với tăng trưởng thu nhập chậm lại, với thu nhập trên mỗi cổ phiếu của S&P 500 sẽ chỉ tăng 6,5% trong năm tới. Bởi khi lãi suất tăng lên trong năm tới, các tài sản khác sẽ cạnh tranh để thu hút sự chú ý của nhà đầu tư.
Goldman Sachs thì lạc quan hơn cả JPMorgan khi dự báo chỉ số S&P 500 sẽ tăng lên 5.100 điểm vào cuối năm 2022, đánh dấu mức tăng gần 9% so với thời điểm hiện tại.
Theo David Kostin, Trưởng chiến lược gia cổ phiếu Hoa Kỳ của Goldman Sachs, các công ty có thể sẽ tiếp tục có lời ngay cả khi áp lực chi phí đầu vào và thách thức từ việc đứt gãy chuỗi cung ứng kéo dài tăng lên. Ông kỳ vọng tỷ suất lợi nhuận tổng hợp của S&P 500 sẽ tăng thêm 40 điểm cơ bản để đạt 12,6% trong năm tới.