Chứng khoán tháng 7, đâu là điểm tựa?

(ĐTCK) Mặc dù kinh tế vĩ mô tiếp tục diễn biến tích cực, song thị trường chứng khoán lại "đi ngược chiều" khi mất tới hơn 25% giá trị kể từ khi lập đỉnh lịch sử hồi trung tuần tháng 4 đến nay. Vì sao thị trường giảm mạnh trong suốt quý II và điểm tựa nào cho thị trường chứng khoán trong tháng 7 đang là câu hỏi được nhiều nhà đầu tư quan tâm.
Chứng khoán tháng 7, đâu là điểm tựa?

Thị trường đang phản ứng quá đà

Kết thúc phiên giao dịch ngày 3/7/2018, chỉ số VN-Index giảm tới 41,14 điểm (-4,3%) về 906,01 điểm - mạnh nhất từ trong hơn 2 tháng qua. Còn nếu tính từ mức điểm lịch sử thiết lập trong phiên giao dịch ngày 9/4/2018 đến nay, VN-Index đã mất tổng cộng hơn 25% giá trị và đang ở vùng giá thấp nhất kể từ tháng 11/2017.

Điểm đáng lưu ý là thị trường chứng khoán giảm sâu trong bối cảnh kinh tế vĩ mô tiếp tục diễn biến tích cực khi GDP 6 tháng đầu năm 2018 tăng trưởng 7,08% - mức cao nhất kể từ năm 2011... Vậy nguyên nhân do đâu?

Trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán, ông Trương Hiền Phương, Giám đốc Môi giới - Chi nhánh TP.HCM, Công ty cổ phần Chứng khoán KIS Việt Nam cho rằng, thị trường chứng khoán Việt Nam đang phản ứng quá đà, không đúng với thực tế của nền kinh tế Việt Nam, cũng như tình hình hoạt động của doanh nghiệp. Theo ông Phương, việc tô đậm các thông tin liên quan đến cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung của giới truyền thông đã dẫn đến tâm lý e ngại, lo sợ của nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán.

"Thông thường, những thông tin tốt chỉ có tác động tích cực đến giá cổ phiếu trong thời gian ngắn, nhưng thông tin tiêu cực lại kéo dài, dẫn đến việc nhà đầu tư hạn chế giải ngân. Việc tài khoản chứng khoán trong trạng thái 'nghỉ' để chờ các thông tin tích cực hơn làm sức cầu suy yếu, trong khi lượng cung lại tăng do nhiều nhà đầu tư lo sợ và bán ra để bảo toàn nguồn vốn... dẫn đến việc thị trường giảm mạnh", ông Phương nói.

Cũng theo ông Phương, về mặt kỹ thuật, thị trường chứng khoán Việt Nam đã tăng trưởng trong thời gian dài (từ đầu năm 2017 đến hết quý I/2018) nên việc điều chỉnh là tất yếu. Tuy nhiên, sự điều chỉnh này còn cộng thêm yếu tố thông tin bất lợi từ thị trường tài chính - chứng khoán thế giới tạo nên tình trạng “quá đà”, “tháo chạy”, đi cùng với đó là việc bán giải chấp của các công ty chứng khoán với lực bán khá mạnh, kéo thị trường giảm sâu hơn.

Chứng khoán tháng 7, đâu là điểm tựa? ảnh 1

Cũng lý giải nguyên nhân thị trường giảm mạnh, ông Lê Tiến Đông - Tổng giám đốc Công ty cổ phần Chứng khoán Artex cho biết, đà tăng trưởng của thị trường chứng khoán Việt Nam dựa trên 3 yếu tố chính. Thứ nhất là tăng trưởng kinh tế nhờ vào động lực xuất khẩu và thị trường tiêu dùng nội địa có quy mô 100 triệu dân đang bước vào ngưỡng thu nhập trung bình. Thứ hai là định vị lại thị trường trên bản đồ đầu tư, với kỳ vọng nâng hạng từ thị trường cận biên (FM) lên mới nổi (EM).

"Cùng một quy mô thị trường, Việt Nam hiện chiếm tỷ trọng cao nhất trong lịch sử MSCI FM là 28%, thì chỉ có 1 quỹ phân bổ là iShare MSCI Frontier 100 ETF (tổng tài sản 561 triệu USD), trong khi có tới 800 tỷ USD tài sản nằm trong các quỹ EM do MSCI quản lý (MSCI là 1 trong 3 tổ chức lớn và uy tín về xếp hạng thị trường - PV).

Như vậy, chỉ cần được nâng hạng từ cận biên lên mới nổi và nắm giữ tỷ trọng nhỏ nhất là 1%, thì cũng đồng nghĩa là có khoảng 8 tỷ USD sẽ đổ vào chứng khoán Việt Nam. Vậy nhưng, trong khi yếu tố vĩ mô được duy trì, thì yếu tố nâng hạng lại không thuận lợi như dự kiến (vào năm 2019) khi việc xét nâng hạng cho Việt Nam sẽ phải kéo dài tối thiểu sang năm 2020. Điều này làm các dòng vốn đầu tư đón đầu cơ hội nâng hạng chững lại, gây tác động không tích cực đến thị trường", ông Đông nói.

Về yếu tố thứ ba, cũng là yếu tố có ảnh hưởng lớn và trực tiếp đến thị trường, theo ông Đông, đó là dòng vốn ngoại bị rút ròng mạnh trong tháng 5 và tháng 6.

"Đây là đợt rút vốn lớn nhất trong lịch sử (tính theo tháng) của các nhà đầu tư nước ngoài, bắt nguồn từ dòng vốn rút khỏi châu Á và các thị trường cận biên, mới nổi, và Việt Nam cũng không phải ngoại lệ dù có những điểm sáng về đầu tư", ông Đông nhấn mạnh.

Điểm tựa nào cho chứng khoán tháng 7?

Đánh giá về những thông tin hỗ trợ thị trường trong tháng 7 này, ông Lê Tiến Đông cho rằng, đó là các thông tin liên quan đến kết quả kinh doanh bán niên của các doanh nghiệp.

"Theo thông lệ, thị trường giảm điểm sớm hơn quy luật thì có thể sẽ phục hồi sớm và mạnh hơn", ông Đông nêu quan điểm.

Đồng quan điểm, ông Trương Hiền Phương cũng cho rằng, nhờ kết quả kinh doanh quý II/2018 được dự báo tích cực nên sẽ góp phần làm giảm đà rơi của thị trường và kích thích dòng tiền mua vào.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư Chứng khoán, nhiều nhà đầu tư cho biết, ngoài kết quả kinh doanh bán niên, họ còn kỳ vọng vào sự ổn định của tỷ giá để khối ngoại "yên tâm" mua ròng. Đồng thời, thông tin mới về việc triển khai sản phẩm chứng quyền có đảm bảo (Covered Warrant - CW) cũng là điều mà nhà đầu tư phổ thông mong chờ.

"Trong giai đoạn hiện tại, đối với nhà đầu tư đang nắm giữ cổ phiếu, cần bình tĩnh và rà soát danh mục đầu tư, nếu đã đầu tư vào những doanh nghiệp tốt thì không có lý do gì để bán tháo, bởi sau thời gian giảm mạnh thì thị trường sẽ hồi phục trở lại, đồng thời cần hạn chế sử dụng đòn bẩy tài chính.

Đối với nhà đầu tư đang nắm giữ tiền mặt, hiện là cơ hội để 'mua dần' những cổ phiếu có giá trị, doanh nghiệp có tốc độ tăng trưởng ổn định và chia cổ tức cao. Mặt bằng giá cổ phiếu hiện tại được xem là rất hấp dẫn cho đầu tư trung và dài hạn”, ông Phương khuyến nghị.

Minh Vui

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục