Chứng khoán tăng trưởng, thu hút vốn ngoại sẽ thuận lợi hơn

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Thị trường chứng khoán có dư địa phát triển được nhìn nhận sẽ kéo theo sự phát triển của ngành quản lý quỹ, nhất là khi quy định pháp lý thông thoáng hơn.
Các bước phát triển của ngành quản lý quỹ tại Việt Nam sẽ phù hợp với xu hướng trên thế giới. Ảnh: Shutterstock. Các bước phát triển của ngành quản lý quỹ tại Việt Nam sẽ phù hợp với xu hướng trên thế giới. Ảnh: Shutterstock.

Nhiều yếu tố hỗ trợ

Theo Công ty TNHH Quản lý quỹ SSI (SSIAM), kinh tế Việt Nam tăng trưởng tốt, lãi suất và tỷ giá ổn định, lạm phát được kiềm chế, dự trữ ngoại hối dồi dào, nhu cầu tiêu dùng và mức sống người dân được nâng cao, môi trường kinh doanh ngày càng được cải thiện, dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát hiệu quả…

Các yếu tố này giúp Việt Nam tạo được lợi thế cạnh tranh trong thu hút vốn đầu tư nước ngoài và các doanh nghiệp Việt Nam ngoài dư địa thị trường nội địa còn lớn thì tiềm năng tăng trưởng xuất khẩu được kỳ vọng sẽ mang lại lợi nhuận tốt hơn nhờ các hiệp định thương mại tự do như hiệp định giữa Việt Nam và EU (EVFTA).

Bà Tô Thùy Linh, Phó giám đốc SSIAM nhận định, triển vọng sáng của kinh tế vĩ mô sẽ giúp thị trường chứng khoán tăng trưởng bền vững và ngày càng thu hút các dòng vốn trong và ngoài nước. Trong đó, dòng vốn của các nhà đầu tư cá nhân trong nước có sự dịch chuyển từ một số kênh đầu tư khác như tiết kiệm vào kênh chứng khoán khi mặt bằng lãi suất giảm.

Một yếu tố khác sẽ tiếp tục hỗ trợ thị trường chứng khoán là từ đầu tháng 12/2020, Việt Nam chính thức trở thành thị trường có tỷ trọng lớn nhất trong rổ chỉ số các thị trường cận biên của MSCI, sau khi thị trường Kuwait được nâng hạng lên nhóm mới nổi, qua đó tăng nhu cầu đầu tư của các quỹ (MSCI sẽ loại bỏ dần các cổ phiếu của Kuwait ra khỏi chỉ số MSCI Frontier Markets 100 Index cho đến tháng 11/2021 và tỷ trọng cổ phiếu Việt Nam sẽ tăng theo tương ứng).

Bên cạnh đó, sự sắp xếp lại của chuỗi cung ứng toàn cầu từ Trung Quốc sang các nước ASEAN sẽ thúc đẩy các quỹ đầu tư dài hạn vào thị trường Việt Nam để có thể hưởng lợi trong quá trình nền kinh tế bứt tốc.

Việt Nam đang nằm trong nhóm thị trường cận biên, nhưng triển vọng trong một vài năm tới có thể được nâng hạng lên thị trường mới nổi, theo đó dần tăng sức hút dòng tiền đầu tư thông qua các quỹ.

Bà Linh nhìn nhận, dư địa cho ngành quản lý quỹ phát triển trong ngắn, trung và dài hạn đều lớn, kéo theo nhu cầu đa dạng hóa sản phẩm quỹ đầu tư chứng khoán cho nhà đầu tư và nhu cầu nguồn vốn trung và dài hạn cho nền kinh tế.

Các loại hình quỹ mở, quỹ ETF, quỹ trái phiếu, quỹ thành viên kỳ vọng tiếp tục thu hút vốn.

Các bước phát triển của ngành quản lý quỹ tại Việt Nam sẽ phù hợp với xu hướng trên thế giới. Các loại hình quỹ mở, quỹ ETF, quỹ trái phiếu, quỹ thành viên sẽ tiếp tục thu hút vốn.

Ngoài ra, hành lang pháp lý đang dần mở ra, cho phép sự hình thành các loại hình quỹ phổ biến khác trên thế giới như quỹ đầu tư tín thác bất động sản (REIT), quỹ hưu trí tự nguyện.

Ông Yun Hang Jin, Tổng giám đốc Công ty Quản lý quỹ Korea Investment Management Co., Ltd (KIM) cũng có cái nhìn lạc quan về thị trường chứng khoán Việt Nam năm 2021.

Việc triển khai vắc-xin ngừa Covid-19 rộng rãi sẽ mở đường cho các hoạt động kinh tế trong và ngoài nước cũng như sinh hoạt của người dân trở lại bình thường, dự báo từ giữa năm 2021.

Theo đó, kinh tế toàn cầu sẽ gia tăng tốc độ tăng trưởng, nhất là khu vực châu Á và dòng tiền đầu tư có thể chảy mạnh hơn vào khu vực này.

Với Việt Nam, việc chiếm tỷ trọng lớn nhất trong rổ chỉ số các thị trường cận biên được kỳ vọng sẽ thu hút vốn lớn từ các quỹ đầu tư mô phỏng chỉ số MSCI Frontier Markets 100 Index.

Đáng chú ý, khi hệ thống giao dịch chứng khoán mới được đưa vào vận hành và cho phép nhà đầu tư giao dịch chứng khoán trong ngày (giao dịch T+0) sẽ giúp tính thanh khoản tăng cao.

Ngoài ra, các sản phẩm mới như chứng chỉ lưu ký không có quyền biểu quyết (NVDR), chứng chỉ lưu ký (DR) nếu sớm được áp dụng sẽ tạo điều kiện cho các nhà đầu tư ngoại tiếp cận đầy đủ danh mục cổ phiếu đã chạm trần giới hạn sở hữu nước ngoài. Đây là các yếu tố chính để thị trường Việt Nam có thể được nâng hạng lên thị trường mới nổi.

Quy định pháp lý thuận lợi hơn

Từ đầu năm 2021, Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư và Luật Chứng khoán (sửa đổi) có hiệu lực, trong đó có những quy định rõ ràng hơn về giới hạn sở hữu nước ngoài, đồng thời nâng cao mức độ bảo vệ cổ đông, nhà đầu tư.

Đây là yếu tố được giới chuyên gia đánh giá làm tăng niềm tin, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư cả trong và ngoài nước tham gia đầu tư trên thị trường chứng khoán.

Theo ông Trần Văn Dũng, Chủ tịch Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước, Luật Chứng khoán mới sẽ giúp thị trường chứng khoán đáp ứng tốt hơn khẩu vị của nhà đầu tư chuyên nghiệp, đặc biệt ở việc cải thiện tính minh bạch của các chủ thể tham gia.

Bên cạnh đó, từ năm 2022, các doanh nghiệp niêm yết, doanh nghiệp đại chúng quy mô lớn sẽ phải lập báo cáo tài chính theo chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế (IFRS). Ngoài ra, các giải pháp cho sản phẩm mới như NVDR, DR… đang được nghiên cứu, dự kiến khi triển khai sẽ thu hút mạnh mẽ vốn ngoại vào thị trường chứng khoán.

Chia sẻ với phóng viên Báo Đầu tư Chứng khoán, bà Linh cho biết, những văn bản pháp luật mới tạo điều kiện hoạt động thuận lợi hơn cho các công ty quản lý quỹ và thành viên thị trường.

Chẳng hạn, Thông tư 96/2020/TT-BTC hướng dẫn công bố thông tin trên thị trường chứng khoán có hiệu lực từ 1/1/2021 thay thế 155/2015/TT-BTC đã nới nghĩa vụ công bố thông tin liên quan tới quỹ ETF.

Cụ thể, thành viên lập quỹ, tổ chức tạo lập thị trường được miễn nghĩa vụ công bố thông tin cổ đông lớn, cổ đông nội bộ và người có liên quan khi giao dịch chứng khoán cơ cấu của quỹ và khi giao dịch chứng chỉ quỹ ETF phục vụ mục đích tạo lập thị trường.

Trước đó, một công ty chứng khoán là người có liên quan của quỹ ETF không thể thực hiện hoạt động tạo lập thị trường vì họ buộc phải công bố thông tin theo quy định tại Thông tư 155 trước khi thực hiện giao dịch, còn hoạt động của thành viên lập quỹ được hoàn thành trong thời gian dài hơn.

Với quy định mới, hoạt động của thành viên lập quỹ, tổ chức tạo lập thị trường sẽ thuận lợi hơn nhiều, khuyến khích thêm nhiều đơn vị tham gia vào hoạt động này.

Thông tư 96 cũng gỡ vướng cho hoạt động vận hành quỹ ETF, đó là quỹ ETF được miễn nghĩa vụ công bố thông tin cổ đông lớn, cổ đông nội bộ, người có liên quan của chứng khoán cơ cấu trong hoạt động tái cơ cấu danh mục (Thông tư 155 chỉ miễn nghĩa vụ này trong giao dịch hoán đổi).

“SSIAM đang quản lý nhiều quỹ ETF (SSIAM VNFIN LEAD, SSIAM VN30 và SSIAM VNX50) nên việc được miễn thêm nghĩa vụ công bố thông tin tạo điều kiện rất nhiều cho chúng tôi hoạt động. Quy định như vậy là hợp lý khi đây chỉ là các hoạt động hoán đổi thông thường của nhà đầu tư, tái cơ cấu danh mục định kỳ theo chỉ số, mà không phải hoạt động mua bán có mục đích khác cần phải công bố thông tin”, bà Linh chia sẻ.

Một quy định mới dự kiến sẽ được ban hành trong Thông tư về quỹ đầu tư chứng khoán là quỹ được đầu tư vào các quỹ. “Đây là hình thức “fund of funds” rất phổ biến trên thế giới. Căn cứ vào dự thảo lấy ý kiến công khai, chúng tôi đánh giá, đây là điểm tích cực cho thị trường. Quỹ thành viên cũng dự kiến cho phép nhà đầu tư chuyên nghiệp là cá nhân được tham gia góp vốn (mở rộng đối tượng hơn so với trước đây chỉ cho phép pháp nhân tham gia)”, bà Linh nói.

Phan Hằng

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục