Bức tranh ngành quỹ thêm sáng

(ĐTCK) Ngành quản lý quỹ Việt Nam năm 2019 có nhiều điểm sáng khi tình hình hoạt động của các công ty quản lý quỹ trong 9 tháng đầu năm ổn định và có hiệu quả. Năm 2020 hứa hẹn sự tăng trưởng cả về số lượng và quy mô tài sản của các loại hình quỹ đầu tư chứng khoán.

Điểm sáng 9 tháng đầu năm 2019

Kinh tế vĩ mô của Việt Nam 9 tháng đầu năm 2019 tăng trưởng tương đối khả quan, ổn định, đồng thời dòng vốn nước ngoài đổ vào thị trường chứng khoán tăng là yếu tố tích cực cho hoạt động huy động vốn lập quỹ và phát triển lĩnh vực quản lý quỹ.

Bên cạnh những thuận lợi thì cũng có nhiều rủi ro, thách thức, điển hình là cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung và tâm lý chưa thực sự ổn định của nhà đầu tư trong một số thời điểm đã ảnh hưởng không nhỏ đến thị trường chứng khoán nói chung và lĩnh vực quản lý quỹ nói riêng.

Mặc dù vậy, kết quả đạt được của ngành quỹ 9 tháng đầu năm 2019 là rất đáng ghi nhận. Tình hình hoạt động của các công ty quản lý quỹ nhìn chung ổn định và có hiệu quả. Thị trường có 45 công ty quản lý quỹ đang hoạt động bình thường, 4 công ty thuộc dạng tái cấu trúc.

Bức tranh ngành quỹ thêm sáng ảnh 1

Vốn chủ sở hữu tại thời điểm 30/9/2019 của các công ty đang hoạt động là gần 4.000 tỷ đồng, tổng giá trị tài sản quản lý (Asset Under Management - AUM) tại các công ty quản lý quỹ là hơn 301.000 tỷ đồng, tăng gần 2 lần so với năm 2016 và tăng hơn 15% so với cuối năm 2018.

Hoạt động quản lý danh mục: Tăng trưởng và chuyên nghiệp

Tại ngày 30/9/2019, các công ty quản lý quỹ thực hiện quản lý gần 900 hợp đồng quản lý danh mục đầu tư cho khách hàng, với tổng giá trị các danh mục ủy thác đầu tư là gần 90% tổng giá trị tài sản quản lý AUM, tăng gần 13% so với cuối năm 2018. Tài sản của nhà đầu tư ủy thác được các công ty đầu tư chủ yếu vào các loại tài sản có mức thu nhập ổn định như trái phiếu, tiền gửi ngân hàng, cổ phiếu niêm yết.

Bức tranh ngành quỹ thêm sáng ảnh 2

Trong đó, 3 công ty trực thuộc các tập đoàn bảo hiểm lớn là Eastspring, Bảo Việt, Manulife quản lý 75% tổng giá trị ủy thác. Có thể nói, công ty quản lý quỹ đã dần phát huy vai trò là những nhà quản lý tài sản chuyên nghiệp cho các định chế tài chính lớn, uy tín, đặc biệt là quản lý vốn cho các doanh nghiệp bảo hiểm, góp phần chuyên nghiệp hóa các hoạt động đầu tư trên thị trường tài chính Việt Nam theo đúng xu hướng phát triển của quốc tế.

Hoạt động quản lý quỹ: Số lượng và giá trị đều tăng

Điểm sáng của ngành quỹ năm 2019 là hoạt động huy động thành lập quỹ. Trong 9 tháng đầu năm, thị trường ghi nhận một số kết quả nổi bật về việc tăng trưởng số lượng quỹ và quy mô giá trị tài sản ròng của các quỹ.

Tính đến hết tháng 9, thị trường có 48 quỹ đầu tư chứng khoán, với tổng quy mô giá trị tài sản ròng gần 33.000 tỷ đồng, được huy động từ các nguồn vốn trong nước và nước ngoài đang hoạt động trên thị trường chứng khoán Việt Nam, bao gồm 11 quỹ thành viên, 32 quỹ mở, 2 quỹ ETF, 2 quỹ đóng và 1 quỹ bất động sản.

Bức tranh ngành quỹ thêm sáng ảnh 3

Từ đầu năm đến nay, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã cấp phép thành lập cho 8 quỹ đầu tư mới: Quỹ Đầu tư tăng trưởng Dai-ichi life (DFVN), Quỹ Đầu tư trái phiếu mở rộng Chubb (CBPF), Quỹ Đầu tư định hướng bảo toàn vốn Việt Nam (VFMVFC), Quỹ Đầu tư giá trị Việt Nam (FPT), Quỹ Đầu tư cân bằng tuệ sáng VinaCapital (VIBF), Quỹ Đầu tư trái phiếu VND, Quỹ Đầu tư cổ phiếu tăng trưởng Mirae Asset Việt Nam (MAGEF), Quỹ Đầu tư trái phiếu VCBF.

Đa số các quỹ mới thành lập đều là các quỹ đại chúng dạng mở với phương thức huy động vốn linh hoạt, tăng cường tính minh bạch và an toàn cho tài sản của quỹ và nhà đầu tư, theo đúng các chuẩn mực về đầu tư.

Cùng với sự phát triển về số lượng, giá trị tài sản ròng (NAV) của các quỹ cũng tăng lên đáng kể, tính đến hết tháng 9/2019, NAV của các quỹ là 32.900 tỷ đồng, tăng hơn 10.000 tỷ đồng (tăng 46%) so với cuối năm 2018.

Sự tăng trưởng đột biến về NAV phần lớn là nhờ hoạt động phát hành thêm chứng chỉ quỹ của các quỹ mở, đặc biệt là các quỹ mở trái phiếu và các quỹ ETF. Điều này cho thấy, nhà đầu tư chú ý đến tính ổn định và tiềm năng phát triển dài hạn của thị trường, xuất phát từ những điều kiện, dự báo thuận lợi của nền kinh tế vĩ mô trong các năm tới.

Triển vọng năm 2020: Phát triển trên nền tảng khung pháp lý được hoàn thiện

Dự thảo Luật Chứng khoán (sửa đổi) đã trải qua nhiều vòng lấy ý kiến, được Chính phủ phê duyệt và Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho ý kiến thẩm tra. Đến nay, dự thảo Luật đã được trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 8. Nếu được Quốc hội thông qua và có hiệu lực, Luật Chứng khoán (sửa đổi) sẽ có tác động tích cực đối với thị trường chứng khoán nói chung, hoạt động ngành quỹ nói riêng.

Bức tranh ngành quỹ thêm sáng ảnh 4

Trong lĩnh vực quản lý quỹ, dự thảo Luật Chứng khoán (sửa đổi) có một số nội dung mới như sau:

Thứ nhất, bổ sung quy định về duy trì điều kiện cấp giấy phép hoạt động của công ty quản lý quỹ phù hợp với nguyên tắc 30 của IOSCO. Theo đó, công ty quản lý quỹ phải duy trì vốn chủ sở hữu lớn hơn mức vốn điều lệ tối thiểu. Công ty quản lý quỹ sẽ bị buộc đình chỉ, thu hồi giấy phép hoạt động trong các trường hợp: một là, trong thời hạn 6 tháng, kể từ ngày có báo cáo tài chính năm đã được kiểm toán và báo cáo tài chính bán niên đã được soát xét, vốn chủ sở hữu xuống thấp hơn vốn pháp định mà công ty quản lý quỹ không thực hiện tăng vốn; hai là, trong thời hạn 6 tháng, kể từ ngày nhân sự của công ty không đáp ứng điều kiện duy trì cấp phép (giám đốc/tổng giám đốc, phó giám đốc/phó tổng giám đốc) phụ trách nghiệp vụ (nếu có) đáp ứng quy định và tối thiểu 5 nhân viên nghiệp vụ có chứng chỉ hành nghề quản lý quỹ.

Thứ hai, bổ sung quy định về việc thu hồi giấy phép hoạt động của công ty quản lý quỹ khi không tiến hành nghiệp vụ quản lý quỹ trong thời hạn 2 năm liên tục; đình chỉ, tạm ngừng hoạt động các công ty quản lý quỹ hoạt động không hiệu quả theo quy định; khuyến khích các công ty quản lý quỹ tập trung vào hoạt động kinh doanh chính là thành lập và quản lý quỹ đầu tư chứng khoán.

Thứ ba, sửa đổi, bổ sung quy định về hạn mức đầu tư của quỹ đại chúng nhằm nâng cao tính đa dạng hóa trong danh mục đầu tư của quỹ, giảm mức độ rủi ro và bảo vệ nhà đầu tư tốt hơn, các hạn mức đầu tư theo sát quy định của UCITs, mở rộng cho phép quỹ đầu tư được đầu tư vào quỹ khác theo hạn mức quy định

Thứ tư, sửa đổi, bổ sung quy định khái niệm về quỹ thành viên: chỉ được tham gia góp vốn bởi dưới 100 nhà đầu tư và chỉ là nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp để phù hợp với mức độ rủi ro của loại hình quỹ thành viên, phù hợp với thông lệ quốc tế.

Thứ năm, quy định về tách biệt và bảo vệ tài sản của khách hàng ủy thác (khách hàng quản lý danh mục đầu tư, quỹ đầu tư chứng khoán). Theo quy định này, tài sản ủy thác của khách hàng ủy thác được đăng ký sở hữu và lưu ký trên tài khoản lưu ký dưới tên của công ty quản lý quỹ, nhưng thuộc sở hữu của khách hàng ủy thác, tách biệt với tài khoản của công ty quản lý quỹ và không phải là tài sản của công ty quản lý quỹ. Công ty quản lý quỹ là đại diện theo ủy quyền của khách hàng ủy thác.

Những đề xuất sửa đổi, bổ sung này nhằm hoàn thiện hơn khung pháp lý về ngành quỹ, phù hợp với thông lệ quốc tế và trên cơ sở đó thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư trong nước cũng như nguồn vốn đầu tư nước ngoài để phát triển hơn nữa các loại hình quỹ đầu tư chứng khoán, hình thành hệ thống nhà đầu tư có tổ thức hoạt động chuyên nghiệp, tạo sự ổn định cho thị trường chứng khoán.

Năm 2020 là một năm hứa hẹn cho sự tăng trưởng về cả số lượng và quy mô tài sản của các loại hình quỹ đầu tư chứng khoán. Đặc biệt, loại hình quỹ ETF đến năm 2019 mới chỉ có sự tăng trưởng về quy mô (gấp 22 lần so với NAV thời điểm thành lập), nhưng năm 2020 dự báo sẽ có sự phát triển về mặt số lượng khi có sự tham gia tích cực của các công ty quản lý quỹ đối với loại hình quỹ này.

Tính đến thời điểm hiện tại, đã có các hồ sơ xin cấp phép chào bán quỹ ETF mới: Quỹ dựa trên chỉ số VN100, Quỹ dựa trên chỉ số phát triển bền vững - VNSI, Quỹ dựa trên chỉ số ngành tài chính - Vietnam Financial Leading Index.

Dự kiến, trong nửa đầu năm 2020, trên thị trường sẽ có 2 - 3 quỹ ETF mới ra đời. Với sự đa dạng của các chỉ số được xây dựng, loại hình quỹ ETF kỳ vọng sẽ thu hút được sự tham gia của công chúng nhà đầu tư, tạo nên sự phát triển mới cả về lượng và chất cho loại hình quỹ này, phù hợp theo xu hướng thế giới.

Vụ Quản lý quỹ, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước
Đặc san doanh nghiệp niêm yết

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục