Hiến kế để ngành quỹ phát triển

(ĐTCK) Số lượng tài khoản giao dịch quỹ mở và giá trị tài sản ròng của các quỹ tiếp tục tăng, song ngành quỹ Việt Nam vẫn còn nhiều khó khăn, quy mô rất khiêm tốn.
Hiến kế để ngành quỹ phát triển

Trăn trở của các thành viên

Bà Nguyễn Hồ Nga, Tổng giám đốc Công ty Quản lý quỹ đầu tư chứng khoán I.P.A chia sẻ, lĩnh vực quản lý quỹ có sự phát triển cả về chất và lượng trong 3 năm gần đây. Tuy nhiên, có hai điểm khó khăn liên quan tới quy định về thủ tục giao dịch quỹ mở, cần giải pháp tháo gỡ từ các cơ quan quản lý.

Thứ nhất là quy định liên quan tới nhận biết khách hàng (KYC) trong quy trình mở tài khoản giao dịch chứng chỉ quỹ. KYC là yêu cầu bắt buộc đối với tổ chức tín dụng khi khách hàng mở mới tài khoản tại ngân hàng, cũng như nhà đầu tư khi mở tài khoản giao dịch chứng chỉ quỹ.

Hiện nay, đại lý phân phối và khách hàng phải gặp mặt trực tiếp thì mới đáp ứng được quy định này.

Khi ứng dụng công nghệ với mong muốn đơn giản hóa thủ tục, giấy tờ, tạo thuận lợi cho khách hàng trong việc mở tài khoản thực hiện giao dịch, quy định trên đang hạn chế cơ hội tiếp cận khách hàng, mở rộng mạng lưới khách hàng ở nhiều khu vực địa lý khác nhau của các quỹ đầu tư.

Hiện tại, ở nhiều quốc gia, với sự chấp thuận của cơ quan quản lý có thẩm quyền, ngành quỹ đã và đang chuyển sang hình thức nhận biết khách hàng qua phương thức điện tử - eKYC, hay còn gọi là định danh khách hàng qua các phương thức điện tử.

Cách thức định danh này giúp các quỹ tiếp cận những khách hàng ở xa, khách hàng mới, với sự hỗ trợ của công nghệ.

Thứ hai, theo quy định hiện hành, khi nhà đầu tư bán chứng chỉ quỹ, tiền bán chứng chỉ quỹ sẽ bắt buộc chuyển về tài khoản ngân hàng của nhà đầu tư.

Đối với nhiều nhà đầu tư, tài khoản tại công ty chứng khoán được coi là tài khoản dành cho đầu tư chứng khoán nói chung và họ có nhu cầu nhận tiền bán chứng khoán về tài khoản này để thuận tiện cho việc quản lý chung các tài sản đầu tư.

Luật Chứng khoán cũng nêu rõ trong phần định nghĩa, chứng khoán bao gồm cổ phiếu, trái phiếu, chứng khoán phái sinh và chứng chỉ quỹ.

Trong khi đó, chứng chỉ quỹ đang được giao dịch tách riêng trong một hệ thống độc lập tại đại lý chuyển nhượng và tiền bán chuyển về tài khoản ngân hàng của nhà đầu tư.

Nếu có nhu cầu đưa các tài sản đầu tư chứng khoán về một mối, nhà đầu tư phải thêm động tác chuyển tiền về tài khoản chứng khoán, phát sinh thêm thời gian và chi phí chuyển tiền.

Ngoài ra, việc thiếu cơ chế ưu đãi, khuyến khích, quy định pháp lý đồng bộ khiến quỹ hưu trí tự nguyện gặp nhiều khó khăn.

Lãnh đạo Công ty Quản lý quỹ đầu tư chứng khoán Vietcombank (VCBF) cho rằng, nếu có các chính sách hỗ trợ như miễn thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế thu nhập cá nhân đối với phần đóng góp vào quỹ, đồng thời cho phép doanh nghiệp lựa chọn tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc như hiện tại, hoặc tham gia bảo hiểm qua các quỹ hưu trí bổ sung tự nguyện, loại hình quỹ này sẽ phát triển mạnh trong tương lai, góp phần giảm gánh nặng của quỹ bảo hiểm xã hội, hỗ trợ an sinh xã hội.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư Chứng khoán, một chuyên gia trong lĩnh vực quỹ đầu tư cho biết, kinh nghiệm phát triển ngành quỹ ở các nước trên thế giới cho thấy, ưu đãi thuế là công cụ trọng yếu được nhà quản lý sử dụng để tạo động lực phát triển các quỹ đầu tư chứng khoán.

Ở các thị trường có ngành công nghiệp quỹ phát triển, công cụ thuế được sử dụng thông qua áp dụng cơ chế như các quỹ được miễn thuế thu nhập từ hoạt động chuyển nhượng vốn, các nhà đầu tư tham gia vào quỹ được miễn thuế thu nhập cá nhân đối với các khoản lợi tức nhận được từ quỹ.

Trong khi đó, hệ thống thuế của Việt Nam chưa có nhiều ưu đãi thuế để phát triển ngành quỹ, cho dù ngành này mới ở giai đoạn phát triển ban đầu, quy mô còn rất khiêm tốn.

Chuyển động chính sách

Bà Nguyễn Thị Thu Hằng, Trưởng phòng Cung cấp dịch vụ quỹ, Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam (VSD) cho biết, để chuẩn bị vận hành dịch vụ quản trị tài khoản hưu trí cá nhân, VSD cùng với các đơn vị tham gia vận hành trực tiếp là công ty quản lý quỹ, ngân hàng lưu ký, giám sát và đại lý hưu trí đang tập trung hoàn tất các công việc như ban hành quy định hướng dẫn nghiệp vụ, xúc tiến ký kết hợp đồng với các công ty quản lý quỹ, tổ chức đào tạo nghiệp vụ cho các bên liên quan và thực hiện kết nối kỹ thuật với thành viên.

Đối với mảng dịch vụ đại lý chuyển nhượng cho quỹ mở, VSD đang nghiên cứu để có các đánh giá về việc điều chỉnh, nâng cấp hệ thống nhằm đáp ứng nhu cầu triển khai các sản phẩm quỹ mở mới ngày càng đa dạng, phức tạp.

Hiến kế để ngành quỹ phát triển ảnh 1

Tổng giá trị tài sản ròng (NAV) của các quỹ mở giai đoạn 2015 - 9T2019.

Liên quan đến đề xuất của Công ty Quản lý quỹ Kỹ thương rằng, cơ quan quản lý cần sớm có cơ chế cho vay cầm cố (margin) chứng chỉ quỹ, tương đương cơ chế margin đối với chứng khoán cơ sở như hiện nay và gợi ý của đại diện Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam về việc hoàn thiện của hệ thống giao dịch cho các nhà đầu tư tham gia quỹ mở có thể thực hiện đặt lệnh giao dịch chứng chỉ quỹ tương tự như các giao dịch trên thị trường chứng khoán tập trung hiện nay, lãnh đạo VSD cho hay, về mặt hệ thống, VSD luôn sẵn sàng đưa vào vận hành giao dịch hay cầm cố chứng chỉ quỹ như chứng khoán, song để triển khai thì phải có hướng dẫn của văn bản pháp lý.

Những kiến nghị từ phía các thành viên luôn được VSD tiếp thu, triển khai, song có những nghiệp vụ buộc phải chờ cơ chế, chính sách.

“Luật Chứng khoán mới sắp được Quốc hội thông qua sẽ có những thay đổi, giúp thị trường có nền tảng phát triển tốt hơn”, ông Nguyễn Sơn, Chủ tịch Hội đồng quản trị VSD nói và cho biết thêm, trong phạm vi thẩm quyền, VSD tiếp tục đề xuất lên Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Bộ Tài chính và các cơ quan quản lý nhà nước khác để hoàn thiện chính sách, khung pháp lý đối với hoạt động quỹ, trước mắt là hoàn thiện các dịch vụ cho quỹ hưu trí bổ sung tự nguyện.

Hiến kế để ngành quỹ phát triển ảnh 2

Loại hình các quỹ mở VSD cung cấp dịch vụ đại lý chuyển nhượng.

Ông Nguyễn Hải Nam, Vụ trưởng Vụ Quản lý quỹ, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chia sẻ, đứng ở góc độ là tổ chức quản lý, Ủy ban đang nỗ lực đề xuất, sửa đổi, bổ sung khung pháp lý thông qua Luật Chứng khoán sửa đổi năm 2019 để có thêm căn cứ pháp lý, bổ sung hoạt động đầu tư cho các mô hình quỹ hiện đại như quỹ EFT hoán đổi danh mục.

“Luật sẽ bám sát với thông lệ quốc tế về các quy định để tháo gỡ các vướng mắc. Dù vậy, các đề xuất, sửa đổi vẫn dựa vào quy mô, điều kiện thực tiễn của thị trường chứng khoán Việt Nam”.

Tính đến hết tháng 9/2019, số lượng tài khoản giao dịch quỹ mở ghi nhận con số 111.000, gấp 12 lần số tài khoản năm 2015, nhưng 99% tài khoản là của nhà đầu tư cá nhân. Điều này cho thấy, hành trình gia tăng nhà đầu tư tổ chức của ngành quỹ còn nhiều gian nan.

Hiện nay, thu nhập mà nhà đầu tư được chia từ lợi nhuận ròng của các quỹ đầu tư phải chịu thuế thu nhập cá nhân, trong khi thu nhập từ lãi tiền gửi tiết kiệm không phải chịu thuế thu nhập, điều này dẫn đến việc thành lập các quỹ đầu tư mới gặp nhiều thách thức, cần có các cơ chế tháo gỡ khó khăn cũng như cơ chế khuyến khích để phát triển.

Hoàng Anh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục