Sau chuỗi 7 phiên tăng liên, phản ứng tích cực với thắng lợi của ông Donald Trump trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ với cam kết giảm thuế, tăng đầu tư cơ sở hạ tầng, giảm chính sách kiểm soát với ngành dược và ngân hàng, giúp Dow Jones thiết lập đỉnh cao mới, trong khi S&P 500 và Nasdaq cũng gần mức cao nhất mọi thời đại, phố Wall đã có dấu hiệu tạm nghỉ ngơi trong phiên cuối tuần.
Áp lực chốt lời, cũng như tâm lý thận trọng trong kỳ nghỉ lễ Tạ ơn và chờ đợi chính sách sẽ triển khai như thế nào trong nhiệm kỳ của ông Trump khiến phố Wall có 2 phiên giao dịch cuối tuần không mấy sôi động. Ngoài ra, giới đầu tư cũng chờ đợi các vị trí trong nội các mới dưới thời Tổng thống Trump, trong đó có những vị trí được giới đầu tư quan tâm như Bộ trưởng Tài chính, khiến phố Wall đảo chiều giảm trở lại trong phiên cuối tuần.
Trong phiên cuối tuần, trong khi nhóm cổ phiếu tài chính, ngân hang duy trì đà tăng nhẹ 0,08%, thì nhóm cổ phiếu dược và y tế bị chốt lời mạnh và giảm tới 1,2%.
Kết thúc phiên 18/11, chỉ số Dow giảm 35,89 điểm (-0,19%), xuống 18.867,93 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 5,22 điểm (-0,24%), xuống 2.181,90 điểm. Chỉ số Nasdaq giảm 12,46 điểm (-0,23%), xuống 5.321,51 điểm.
Dù điều chỉnh trong phiên cuối tuần, nhưng với các phiên tăng tốt trước đó, phố Wall tiếp tục có tuần tăng điểm thứ 2 liên tiếp ở cả 3 chỉ số chính. Cụ thể, trong tuần qua, chỉ số Dow Jones tăng 0,11% sau khi có tuần tăng tốt nhất kể từ năm 2011 trước đó, chỉ số S&P 500 cũng tăng 0,81%, trong khi nhờ sự phục hồi của nhóm cổ phiếu công nghệ, chỉ số Nasdaq tăng tốt nhất với 1,61%.
Tương tự, chứng khoán châu Âu cũng đảo chiều giảm đồng loạt trong phiên cuối tuần qua với chịu sức nặng từ nhóm cổ phiếu nguyên vật liệu, năng lượng khi giá hàng hóa giảm mạnh do sức nặng của đồng USD.
Kết thúc phiên 18/11, chỉ số FTSE 100 tại Anh giảm 18,94 điểm (-0,28%), xuống 6.775,77 điểm. Chỉ số DAX tại Đức giảm 20,98 điểm (-0,20%), xuống 10.664,56 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp giảm 23,42 điểm (-0,52%), xuống 4.504,35 điểm.
Tương tự phố Wall, chứng khoán châu Âu cũng duy trì đà tăng trong tuần qua, nhưng mức tăng khiêm tốn hơn tuần trước, thậm chí do ảnh hưởng của cổ phiếu đại gia hóa chất Bayer, chứng khoán Đức còn giảm nhẹ trở lại tuần qua. Cụ thể, tuần qua, chỉ số FTSE 100 tăng 0,67%, chỉ số DAX giảm 0,03% và chỉ số CAC 40 tăng 0,34%.
Trong khi đó, việc đồng USD liên tục tăng giá mạnh so với đồng yên lại giúp cho chứng khoán Nhật Bản tăng mạnh và leo lên mức cao nhất 10 tháng rưỡi trong phiên cuối tuần qua.
Tương tự, chứng khoán Hồng Kông cũng có mức tăng khá tốt trong phiên giao dịch cuối tuần qua nhờ sự khởi sắc của nhóm cổ phiếu dịch vụ.
Trong khi đó, do ảnh hưởng từ áp lực chốt lời và nhóm cổ phiếu năng lượng, chứng khoán Trung Quốc đại lục lại đảo chiều giảm trong phiên cuối tuần, kết thúc chuỗi 5 tuần tăng liên tiếp.
Kết thúc phiên 18/11, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tang 104,78 điểm (+0,59%), lên 17.967,41 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 81,33 điểm (+0,37%), lên 22.344,21 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 15,18 điểm (-0,47%), xuống 3.193,27 điểm.
Với sự sụt giảm mạnh của đồng yên so với đồng USD, chứng khoán Nhật Bản đã có phiên tăng tốt nhất kể từ đầu tháng 9, trong khi chứng khoán Hồng Kông tiếp tục có tuần giảm điểm thứ 3 liên tiếp và chứng khoán Trung Quốc kết thúc chuỗi 5 tuần tăng liên tiếp trước đó. Cụ thể, trong tuần qua, chỉ số Nikkei 225 tăng 3,41%, chỉ số Hang Seng tiếp tục giảm 0,83% và chỉ số Shanghai Composite giảm 0,08%.
Dù chứng khoán đồng loạt giảm trong phiên cuối tuần, nhưng dòng tiền cũng không chảy qua thị trường vàng và giá kim loại quý này tiếp tục có phiên giảm khá mạnh cuối tuần khi đồng USD liên tục tăng. Trong tuần qua, đồng USD có mức tăng mạnh nhất trong 20 tháng và hiện đang ở mức cao nhất 13 năm rưỡi.
Kết thúc phiên 18/11, giá vàng giao ngay giảm 8,9 USD (-0,73%), xuống 1.207,4 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 12 giảm 9,6 USD (-0,79%), xuống 1.207,3 USD/ounce.
Sau khi lao dốc gần 6% trong tuần trước đó, trước sức mạnh của đồng USD, giá vàng tiếp tục có tuần giảm giá thứ 2 liên tiếp trong tuần qua, dù mức giảm đã được hạn chế hơn nhiều. Cụ thể, giá vàng giao ngay giảm 1,65% và giá vàng giao tháng 12 cũng giảm 1,64%.
Với những diễn biến vừa qua, cả giới phân tích và nhà đầu tư đã có cái nhìn thận trọng hơn về giá vàng trong tuần này. Cụ thể, trong cuộc thăm dò của Kitco, trong 18 nhà phân tích và môi giới trả lời, có 9 người, chiếm 50% cho rằng giá vàng sẽ tăng trong tuần này, thấp hơn con số 65% của tuần trước, trong khi dự báo giá vàng giảm cũng tương đương với 8 người, chiếm 44%, cao hơn nhiều con số 18% của tuần trước và chỉ có 1 người dự báo giá vàng sẽ đi ngàng, chiếm 6%.
Tương tự, trong số 803 nhà đầu tư cá nhân tham trả lời trong cuộc khảo sát online, có 414 người, chiếm 52% dự báo giá vàng sẽ tăng trong tuần mới, thấp hơn nhiều so với 72% của tuần trước đó, trong khi có 292 người, chiếm 36% dự báo giảm, cao hơn con số 20% của tuần trước và số người dự báo giá vàng đi ngang hoặc có quan điểm trung lập là 97 người, chiếm 12%.
Trong khi đó, giá dầu thô tăng nhẹ hôm thứ Sáu tuần trước nhờ kỳ vọng Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) sẽ đạt được thỏa thuận cắt giảm sản lượng trong cuộc họp cuối tháng này.
Kết thúc phiên 18/11, giá dầu thô Mỹ tang 0,27 USD/thùng (+0,59%), lên 45,69 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 0,37 USD (+0,79%), lên 46,86 USD/thùng.
Trong khi đó, dù cũng chịu sức ép đồng USD tăng mạnh như giá vàng, nhưng với kỳ vọng OPEC sẽ đạt được thỏa thuận cắt giảm sản lượng giúp giá dầu thô phục hồi tốt trong tuần sau khi giảm 3 tuần liên tiếp trước đó và mất hơn 14,3%. Cụ thể, trong tuần, giá dầu thô Mỹ tăng 5,23%, giá dầu thô Brent cũng tăng 4,72%.