Chứng khoán đồng loạt phục hồi, giá vàng tiếp tục giảm sâu

(ĐTCK) Nhận thông tin tích cực từ dữ liệu kinh tế Mỹ, chứng khoán đã phục hồi trở lại trong phiên thứ Tư, trong đó S&P 500 đang cách đỉnh cao kỷ lục một bước chân ngắn. Trong khi đó, việc đồng USD tăng mạnh lên mức cao nhất 13 năm với khả năng Fed tăng lãi suất khiến vàng quay đầu và về lại mức thấp nhất 5 tháng rưỡi.
Ảnh minh họa: AFP Ảnh minh họa: AFP

Sau phiên điều chỉnh thứ Tư, phố Wall đã phục hồi khá tốt trở lại trong phiên thứ Năm khi nhận được sự hỗ trợ của nhiều nhóm cổ phiếu.

Trong phiên điều trần trước Quốc hội Mỹ, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), Janet Yellen đã cũng cố thêm khả năng cơ quan này sẽ tăng lãi suất trong tháng 12.

Việc này trước đây thường khiến thị trường lo sợ và giảm điểm, tuy nhiên trong phiên thứ Năm nó lại hỗ trợ tích cực cho nhóm cổ phiếu ngân hàng, bởi việc tăng lãi suất của Fed, các ngân hàng sẽ được hưởng lợi.

Cơ sở Fed tăng lãi suất còn lớn hơn khi theo dữ liệu vừa công bố, chỉ số trong tháng 10 của Mỹ có mức tăng 0,4%, lên mức cao nhất 6 tháng. Trong khi đó, các nhóm khác cũng đồng loạt tăng khi nhận được thông tin hỗ trợ tích cực. Theo đó, doanh số bán nhà mới trong tháng tăng 25,5%, lên mức cao nhất 9 năm, giúp nhóm cổ phiếu nhà ở tăng mạnh 2,9%.

Ngoài ra, thêm dữ liệu nữa cho thấy nền kinh tế Mỹ đang hồi phục tốt khi số người nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp trong tuần trước sụt giảm mạnh.

Bên cạnh đó, thị trường vẫn còn nhận được sự hỗ trợ của nhóm cổ phiếu công nghệ vốn đang duy trì đà phục hồi khá tốt trong 2 phiên vừa qua. Với sự khởi sắc của nhiều nhóm ngành, chỉ số S&P đang ở gần mức đỉnh kỷ lục 2.190,15 điểm, được thiết lập hôm 15/8.

Kết thúc phiên 17/11, chỉ số Dow tăng 35,68 điểm (+0,19%), lên 18.903,82 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 10,18 điểm (+0,47%), lên 2.187,12 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 39,39 điểm (+0,74%), lên 5.333,97 điểm.

Tương tự phố Wall, chứng khoán châu Âu cũng phục hồi tốt trở lại trong phiên thứ Năm nhờ sự hỗ trợ của nhóm cổ phiếu nguyên vật liệu khi Tổng thống đắc cử của Mỹ Donald Trump cam kết tăng đầu tư cho cơ sở hạ tầng.

Kết thúc phiên 17/11, chỉ số FTSE 100 tại Anh tăng 44,99 điểm (+0,67%), lên 6.794,71 điểm. Chỉ số DAX tại Đức tăng 21,67 điểm (+0,20%), lên 10.685,54 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp tăng 26,63 điểm (+0,59%), lên 4.527,77 điểm.

Trên thị trường chứng khoán châu Á, việc đồng USD lên tiếp tăng mạnh so với đồng yên đã hỗ trợ tích cực cho chứng khoán Nhật Bản, giúp chỉ số Nikkei 225 liên tiếp có những phiên tăng mạnh và đang trên đà chinh phục mức đỉnh của năm. Trong khi đó, dù nỗ lực phục hồi, nhưng do tác động của cổ phiếu Tencent Holdings Ltd sau kết quả kinh doanh công bố kém khả qua, chứng khoán Hồng Kông đảo chiều và tiếp tục có phiên giảm nhẹ. Chứng khoán Trung Quốc đại lục đảo chiều tăng nhẹ trở lại sau 2 phiên giảm liên tiếp.

Kết thúc phiên 17/11, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 270,42 điểm (+1,51%), lên 18.132,63 điểm, mức cao nhất kể từ ngày 1/2. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 17,65 điểm (-0,08%), xuống 22.262,88 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 3,4 điểm (+0,11%), lên 3.208,45 điểm.

Trong khi đó, với dữ liệu kinh tế Mỹ vừa công bố và khả năng cao Fed sẽ tăng lãi suất trong tháng 12, đẩy đồng USD lên mức cao nhất 13 năm đã tác động tiêu cực lên giá vàng. Giá kim lúc đầu cũng đã nhúc nhắc phục hồi, nhưng về cuối phiên Mỹ, đã quay đầu giảm mạnh, đóng cửa ở mức thấp nhất gần 5 tháng rưỡi.

Kết thúc phiên 17/11, giá vàng giao ngay giảm 8,7 USD (-0,71%), xuống 1.216,3 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 12 giảm 7 USD (-0,57%), xuống 1.216,9 USD/ounce.

Việc đồng USD tăng mạnh khiến cơ hội phục hồi của giá dầu nhờ hưởng theo thông tin OPEC sẽ bàn để đi đến một thỏa thuận cắt giảm sản lượng bị cắt đứt. Giá dầu thô tiếp tục có phiên giảm điểm trong ngày thứ Tư.

Kết thúc phiên 17/11, giá dầu thô Mỹ giảm 0,15 USD/thùng (-0,33%), xuống 45,42 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 0,14 USD (-0,30%), xuống 46,49 USD/thùng.

T.Lê

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục