Quý cuối năm, TTCK chịu nhiều loại tác động
Đánh giá về các yếu tố tác động đến thị trường chứng khoán (TTCK) trong quý IV/2018, chúng tôi cho rằng, các yếu tố ngoại biên tiếp tục là ẩn số và có ảnh hưởng mang tính chi phối đến diễn biến thị trường trong nước, đặc biệt là lo ngại chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc gia tăng, kéo theo khả năng thắt chặt chính sách tiền tệ của các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới.
Theo quan sát của chúng tôi, P/E của TTCK Việt Nam hiện đang có mối tương quan chặt chẽ với đường REER (tỷ giá hữu hiệu thực tế) - là thước đo giá trị của VND trong rổ tiền tệ tham chiếu gồm 8 đồng tiền ngoại tệ (đã tính yếu tố lạm phát).
Với đồng CNY và USD lần lượt chiếm 30% và 16% trọng số, biến động ở 2 đồng tiền này là yếu tố chính gây ảnh hưởng đến REER. Ở giai đoạn các yếu tố rủi ro toàn cầu gia tăng, USD có xu hướng mạnh lên, trong khi CNY yếu đi, khiến đường REER đi lên và P/E của VN-Index sụt giảm.
Với việc bầu cử Quốc hội Mỹ sẽ diễn ra vào đầu tháng 11 tới, nhiều khả năng Mỹ và Trung Quốc sẽ không có thêm động thái mới cho đến khi kỳ bầu cử kết thúc.
Trong kịch bản tích cực, nếu Đảng Dân chủ chiếm ưu thế, có thể kỳ vọng quan điểm của Mỹ về chiến tranh thương mại trở nên mềm mỏng hơn và 2 nước tìm được tiếng nói chung trên bàn đàm phán.
Đây là kịch bản hỗ trợ mạnh cho đà tăng trưởng của TTCK toàn cầu nói chung và TTCK Việt Nam nói riêng. Tuy nhiên, khả năng kịch bản này xảy ra không được đánh giá cao.
Ngoài ra, tăng trưởng ở các nền kinh tế lớn được dự báo đã đạt đỉnh trong năm 2018 và tốc độ tăng trưởng sẽ chậm lại trong các năm kế tiếp.
Cùng với đó, các ngân hàng trung ương cũng đẩy mạnh quá trình thắt chặt chính sách tiền tệ (Mỹ, châu Âu, Anh…), trong khi Trung Quốc đang trong quá trình giảm nợ cho nền kinh tế. Cùng với đó, rủi ro ở các nền kinh tế mới nổi (Thổ Nhĩ Kỳ, Argentina, Brazil…) gia tăng khiến dòng vốn toàn cầu có xu hướng tháo chạy khỏi các thị trường mới nổi để quay trở lại các thị trường phát triển.
Trên TTCK Việt Nam, giai đoạn cuối 2016 đến đầu 2018, khối ngoại là yếu tố quan trọng hỗ trợ đà tăng của chỉ số VN-Index. Trên thực tế, kể từ khi các nền kinh tế lớn áp dụng chính sách nới lỏng tiền tệ để đối phó với khủng hoảng kinh tế, dòng tiền đã ồ ạt chảy vào các thị trường mới nổi, giúp TTCK các nước đang phát triển tăng trưởng mạnh.
Xu hướng này đang đảo chiều và khó có thể kết thúc trong ngắn hạn. Bên cạnh đó, các ngân hàng trung ương của các nước đang phát triển gần đây cũng đã dần thắt chặt chính sách tiền tệ nhằm giảm bớt áp lực bị rút vốn và xu hướng này cũng khó kết thúc trong quý IV/2018.
Có thể quan sát thấy mối tương quan chặt chẽ giữa xu hướng rút ròng khỏi các thị trường mới nổi và giao dịch của khối ngoại (qua phương thức khớp lệnh) trên TTCK Việt Nam từ giữa quý I đến nay. Nếu tính cả giao dịch thỏa thuận, khối ngoại trên thực tế mua ròng mạnh trên TTCK Việt Nam (tập trung ở các cổ phiếu mới lên sàn như VHM, TCB, YEG…), hay các thương vụ thoái vốn nhà nước (VNM, SAB, DIG…).
Tuy nhiên, các giao dịch thỏa thuận không tác động đến diễn biến thị trường, giá mua trong một số trường hợp không sát với giá cổ phiếu trên sàn và mục đích mua thường không chỉ đơn thuần là đầu tư tài chính.
Dự báo về xu hướng mua/bán ròng của khối ngoại trong thời gian tới, chúng tôi cho rằng, TTCK Việt Nam có nhiều điểm hấp dẫn riêng có thể giúp dòng vốn ngoại quay trở lại khi các yếu tố rủi ro khách quan lắng xuống.
Trong đó, yếu tố đầu tiên là sự tăng trưởng cao trong hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp vốn hóa lớn (tăng trưởng EPS của TTCK Việt Nam luôn ở TOP đầu so với các thị trường trong khu vực trong nhiều quý liên tiếp) nhờ bối cảnh vĩ mô thuận lợi.
Ngoài ra, TTCK Việt Nam còn một câu chuyện nữa có thể giúp thu hút nguồn vốn ngoại là triển vọng nâng hạng lên thị trường mới nổi theo tiêu chuẩn đánh giá của MSCI.
Với quyết tâm cao của Chính phủ, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và các thành viên thị trường, việc nâng hạng là có thể, vấn đề là thời điểm nào. Hiện đã có một vài quỹ giải ngân sớm vào TTCK Việt Nam để đón đầu sóng nâng hạng và chúng ta có thể kỳ vọng xu hướng này sẽ tiếp diễn trong thời gian tới.
Đối với các yếu tố trong nước, chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và tiến trình cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước là 2 yếu tố có ảnh hưởng chính đến TTCK Việt Nam.
Nhiều khả năng chính sách tiền tệ của NHNN sẽ theo chiều hướng thận trọng hơn trong quý IV/2018 và cả năm 2019. Theo đó, tăng trưởng cung tiền (M2) và tín dụng sẽ thấp hơn so với các năm trước do diễn biến khó lường của lạm phát (dự báo tăng 3,9-4%) và áp lực tỷ giá.
Trong kịch bản tiêu cực nhất, nếu chiến tranh thương mại leo thang, tỷ giá tăng nhanh, giá dầu tiếp tục tăng mạnh, lạm phát vượt mức mục tiêu 4%…, với định hướng chính sách ưu tiên ổn định vĩ mô, không loại trừ khả năng NHNN sẽ có động thái thắt chặt chính sách tiền tệ để ưu tiên mục đích ổn định vĩ mô. Tuy nhiên, chúng tôi không nghiêng về kịch bản này.
Đối với tiến trình cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước (DNNN) của Chính phủ, tốc độ đã chậm lại trong các tháng gần đây (các thương vụ lớn tập trung trong 3 tháng đầu năm) và còn cách khá xa mục tiêu đề ra.
Hoạt động IPO, thoái vốn DNNN diễn ra sôi nổi vào cuối 2017, đầu 2018 là động lực quan trọng hỗ trợ đà tăng trưởng của TTCK trong giai đoạn trên nhờ cung cấp thêm cho thị trường nhiều hàng hóa chất lượng cao, thu hút vốn ngoại, cải thiện thị trường cả về chất và về lượng.
Nếu các hoạt động trên sôi động trở lại, kỳ vọng sẽ tiếp thêm động lực cho thị trường tăng trưởng.
Trong đó, đáng chú ý, nhóm ngân hàng quốc doanh, trước sức ép tăng vốn để đáp ứng chuẩn mực Basel II trong bối cảnh Chính phủ không có dự định bổ sung vốn từ ngân sách, nhiều khả năng sẽ thực hiện giảm tỷ lệ sở hữu nhà nước (BIDV, Vietcombank) bằng việc chào bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược.
Bên cạnh đó, hàng loạt thương vụ IPO (Mobifone, Genco1, Genco2, Vicem…) và thoái vốn doanh nghiệp nhà nước lớn (GAS, ACV, PLX, VEA, HVN…) nhiều khả năng cũng sẽ diễn ra giai đoạn cuối năm 2018 và năm 2019, hứa hẹn là yếu tố hỗ trợ tích cực cho thị trường.
Dòng tiền tiếp tục hướng đến bluechips
Nhìn chung, với chu kỳ hồi phục của nền kinh tế, đà tăng trưởng trong hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp lớn và những phản ánh sớm của câu chuyện nâng hạng, TTCK quý IV/2018 vẫn có triển vọng.
Trong kịch bản tích cực, các yếu tố rủi ro như chiến tranh thương mại, tỷ giá, lạm phát… không chuyển biến xấu, chúng tôi cho rằng, khả năng VN-Index sẽ lên đến vùng 1.050-1.080 điểm trước khi chịu áp lực điều chỉnh trở lại. Khả năng vượt đỉnh 1.200 điểm chưa được đánh giá cao do thị trường không ở trong điều kiện thuận lợi như trước, đặc biệt từ góc độ giao dịch khối ngoại.
Trong kịch bản xấu nhất (khả năng xảy ra thấp), căng thẳng chiến tranh thương mại gia tăng, các ngân hàng trung ương đẩy nhanh thắt chặt tiền tệ, tỷ giá và lạm phát tăng trở lại, đường REER tăng mạnh và vượt đỉnh…, VN-Index có thể giảm về 950 điểm.
Dòng tiền trong quý IV được nhận định sẽ tiếp tục tập trung vào nhóm cổ phiếu bluechips thuộc các ngành duy trì được đà tăng trưởng trong hoạt động sản xuất kinh doanh như công nghệ thông tin, logistic, hàng tiêu dùng...
Bên cạnh đó, dòng tiền đang và sẽ có xu hướng dịch chuyển sang nhóm mid-cap thuộc các ngành bắt đầu cho tín hiệu phục hồi như dầu khí, nguyên vật liệu, đặc biệt những mã đã trải qua giai đoạn sụt giảm kéo dài.
Chúng tôi cho rằng, bối cảnh vĩ mô thuận lợi là yếu tố tiếp tục hỗ trợ hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp trên sàn tiếp nối đà tăng trưởng đã kéo dài trong nhiều quý trở lại đây.
Trong trung hạn, chúng tôi đánh giá cao khả năng phục hồi hoặc tiếp tục duy trì đà tăng trưởng ở một số nhóm ngành như dầu khí, vật liệu cơ bản, công nghệ thông tin, logistic và hàng tiêu dùng, đặc biệt là những lĩnh vực liên quan đến xuất khẩu và gia công xuất khẩu như may mặc, thủy sản.
Chúng tôi cũng nhận thấy đã xuất hiện một vài yếu tố có thể dần kéo đà tăng trưởng của một số nhóm ngành, nhóm công ty chậm lại như giới hạn trần tín dụng của NHNN (ảnh hưởng lợi nhuận một số ngân hàng, cũng như nhóm doanh nghiệp vừa và nhỏ khó tiếp cận vốn vay hơn), lãi suất cho vay bắt đầu có xu hướng tăng nhẹ (ảnh hưởng nhóm doanh nghiệp sử dụng đòn bẩy tài chính lớn) và tỷ giá ở một vài thời điểm trong quý III có biến động bất thường (ảnh hưởng đến các doanh nghiệp nhập khẩu hoặc vay nợ ngoại tệ lớn).
Tuy vậy, mức độ ảnh hưởng trong kết quả quý III là chưa lớn và nhìn chung, nhóm doanh nghiệp vốn hóa lớn sẽ tiếp tục duy trì mức tăng trưởng cao so với thị trường chung.
Theo đó, dự báo lợi nhuận các doanh nghiệp trên 2 sàn tăng trưởng 18-20% YoY trong quý III/2018. Tương ứng thu nhập từ mỗi cổ phần (EPS) của toàn thị trường sau khi kết quả kinh doanh quý III được công bố tăng 12-15% YoY, qua đó tiếp tục là động lực quan trọng hỗ trợ xu hướng tăng của VN-Index trong quý cuối năm.