Chứng khoán phái sinh: “Tiến thoái lưỡng nan”

(ĐTCK) Các góc nhìn vẫn chưa thực sự sáng sủa cho cửa tăng của thị trường, kịch bản giằng co trong biên hẹp nhiều khả năng sẽ diễn ra trong tuần này.

Giằng co giữa bên mua và bên bán

Dù các thị trường chứng khoán quốc tế ít nhiều chịu sự rung lắc trong suốt tuần qua, nhưng các chỉ số chứng khoán Việt Nam vẫn neo giữ rất khỏe các vùng giá hỗ trợ. Thực tế thì thị trường chứng khoán quốc tế trong tuần qua diễn biến khó lường với những phiên tăng, giảm đan xen, không rõ xu hướng nên khó mang tính định hướng cho thị trường Việt Nam.

Chứng khoán phái sinh: “Tiến thoái lưỡng nan” ảnh 1

Sức đề kháng của TTCK việt nam vẫn tích cực

Những nét khả quan là điều được giới đầu tư nhận thấy từ cuộc gặp giữa các lãnh đạo cấp cao Mỹ và Trung Quốc để tiến tới thỏa thuận thương mại. Việc Mỹ - Trung có được một thỏa thuận thương mại đầu tiên vào cuối tuần qua được kỳ vọng sẽ là chất xúc tác tích cực cho thị trường chứng khoán toàn cầu trong tuần này.

Chứng khoán phái sinh: “Tiến thoái lưỡng nan” ảnh 2

Diễn biến giá hợp đồng tương lai chỉ số kỳ hạn 1 tháng.

Xét về yếu tố kỹ thuật, phần lớn thời gian giao dịch trong tuần qua, các chỉ số chung rơi vào trạng thái tích lũy trong biên độ khá hẹp. Tình hình giằng co qua lại giữa bên mua và bán. Tâm lý có phần kém hơn khi trôi về cuối tuần được thể hiện qua việc độ lệch giữa phái sinh và cơ sở chuyển sang trạng thái âm. VN30 và VN30F1910 có hỗ trợ từ khu vực 900 đến 910 điểm.

Chứng khoán phái sinh: “Tiến thoái lưỡng nan” ảnh 3

Chỉ số phái sinh VN30F1910 có khu vực hỗ trợ 905 - 910 điểm.

Tâm lý thị trường bắt đầu kém dần, dòng tiền cũng có xu hướng giảm trong các phiên tuần vừa qua, nhưng điểm cộng là đường cầu vẫn duy trì bên trên đường cung, nên áp lực là cũng không quá lớn khi xuất hiện các nhịp điều chỉnh. 

Chứng khoán phái sinh: “Tiến thoái lưỡng nan” ảnh 4

Dòng tiền giảm, bên mua vẫn chủ động.

Đà lan tỏa cũng rất yếu, tín hiệu phân kỳ âm vẫn tiếp tục được duy trì cho thấy các trụ đỡ cho thị trường chung dần mất hút, và đà lan tỏa vẫn đang loay hoay bên dưới ngưỡng trung bình 10 phiên. Trong khi đó, đà lan tỏa trung bình 10 phiên cũng thể hiện xu hướng giảm rõ rệt hơn.

Chứng khoán phái sinh: “Tiến thoái lưỡng nan” ảnh 5

Đà lan tỏa tạo tín hiệu phân kỳ âm.

Vẫn không có nhiều sự thay đổi về nhóm ngành dẫn dắt, thị trường không ghi nhận sự đổi ngôi của dòng tiền đầu cơ sang nhóm khác, Ngân hàng vẫn là nhóm dẫn dắt chính, còn bất động sản kém dần khiến thị trường bị níu kéo lại đà tăng. Xét về tổng thể, VN30 thể hiện trạng thái cân bằng khá rõ nét khi có đà lan tỏa 54%.

Chứng khoán phái sinh: “Tiến thoái lưỡng nan” ảnh 6

Thiếu trụ dẫn dắt mới.

Khi thị trường tiếp tục không đón nhận sự dẫn dắt của trụ mới thì rất khó để các chỉ số có thể bứt phá thành công. Bất động sản là nhóm cần được quan sát nhiều trong thời gian tới. Ngoài ra, nhóm ngân hàng cũng đang có dấu hiệu suy yếu nên khả năng dẫn dắt bị đặt nhiều nghi vấn.

Khuyến nghị: “Mua cận dưới - Bán cận trên”

Nỗ lực hồi phục của các chỉ số trong tuần trước là rất yếu ớt, nhưng chỉ số cũng không có nhịp rơi đáng kể nào, một phần do thị trường quốc tế biến động khó lường và một phần cũng do sự đột biến tốt trong phiên của một vài mã trụ. Nhìn chung, các góc nhìn vẫn chưa thực sự sáng sủa cho cửa tăng của thị trường. Kịch bản giằng co trong biên hẹp nhiều khả năng sẽ diễn ra trong tuần này.

Do đó, chiến lược chính vẫn nên là canh Bán (Short) trong các nhịp tiếp cận vùng kháng cự 918 - 920 điểm trên chỉ số phái sinh VN30F1910. Trong khi đó, chiến lược Mua (Long) chỉ nên được ưu tiên khi mặt bằng giá chiết khấu sâu hơn về vùng giá hỗ trợ mạnh 905 - 910 điểm. Nhà đầu tư nên hạn chế giao dịch liên tục trong giai đoạn thị trường không rõ xu hướng như hiện tại.

Bài viết được cung cấp bởi Công ty Chứng khoán TP.HCM (HSC)

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục