Chứng khoán phái sinh: Tiền lớn vẫn ở lại

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Sự khởi sắc về khối lượng giao dịch, chủ yếu đến từ cơn “sốt đất” lan sang các cổ phiếu thanh khoản lớn như VHM, VRE, VIC giúp khẳng định rằng “tiền lớn” vẫn đang ở lại thị trường chứng khoán.
Chứng khoán phái sinh: Tiền lớn vẫn ở lại

Nhiều sự kiện lớn, nhưng không xảy ra bất ngờ

Việt Nam và thị trường đầu tư tài chính toàn cầu trải qua tuần lễ đầy ắp sự kiện lớn, nhưng không nhiều biến động về chỉ số chứng khoán. Bên kia bờ Thái Bình Dương, Fed xác nhận chấm dứt chương trình mua trái phiếu vào đầu năm 2022, đồng thời dự báo sẽ có ba lần nâng lãi suất trong năm 2022 và hai lần trong 2023.

Dù là thông tin tiêu cực, nhưng về cơ bản Fed vẫn duy trì hỗ trợ nền kinh tế và cùng với đó dự đoán lãi suất đến năm 2023 vẫn thấp hơn so với mức lạm phát mục tiêu là 2%. Lần lượt các ngân hàng trung ương lớn khác đều đưa ra các hoạch định có tính thu hẹp chính sách nới lỏng tiền tệ tương tự như BoJ, BOE, ECB.

Xu hướng của các loại tài sản đầu tư tài chính toàn cầu.

Xu hướng của các loại tài sản đầu tư tài chính toàn cầu.

Thế nhưng, các quyết định trên không gây bất ngờ cho giới đầu tư. Với tình hình phục hồi kinh tế và tỷ lệ thất nghiệp đã được cải thiện gần về mức trước dịch bệnh, đã đến lúc các nhà điều hành chính sách phải thu hồi dần các biện pháp hỗ trợ để tránh tình trạng lạm phát vượt quá tầm kiểm soát.

Vì lẽ đó, các chỉ số chứng khoán toàn cầu không có nhiều biến động về xu hướng trung - dài hạn. Trong khi đó, xu hướng ngắn hạn lại có sự hồi phục. Đây là tiền đề quan trọng để thị trường Việt Nam chinh phục các thử thách cuối năm, mà không phải quá vướng bận các mối lo về rủi ro liên thị trường.

Giảm nhẹ trong tuần nhưng dòng tiền có sự cải thiện

VN30-Index cũng hứng chịu không ít sóng gió trong tuần qua. Từ dòng tiền đầu cơ cuồn cuộn chảy sang nhóm cổ phiếu bất động sản vốn hóa vừa và nhỏ, đồng thời hút sạch thanh khoản trên các bluechips, cho tới phiên đáo hạn tiêu cực bởi sức ép của VPB và nhóm ngân hàng, để rồi đóng tuần trong trạng thái tích cực nhờ thanh khoản cải thiện.

Sự khởi sắc về khối lượng giao dịch chủ yếu đến từ cơn “sốt đất” lan sang các cổ phiếu thanh khoản lớn như VHM, VRE, VIC, nhưng giúp khẳng định rằng “tiền lớn” vẫn đang ở lại thị trường chứng khoán, chứ chưa chảy sang các kênh đầu tư khác.

Diễn biến VN30-Index, VN30F1M và mức chênh lệch giá.

Diễn biến VN30-Index, VN30F1M và mức chênh lệch giá.

Diễn biến cuối cùng và có ảnh hưởng sang tuần này là các giao dịch cơ cấu của hai quỹ ETFs là FTSE Vietnam và Vaneck Vectors Vietnam. Các mã bị bán ròng nhưng thiếu lực đỡ như MSN, VCB… khiến VN30-Index giảm 6 điểm trong phiên ATC, kéo cây nến ngày thành dạng pin-bar và đóng cửa phía dưới kháng cự quan trọng đường trung bình 50 ngày.

Điều này không có nghĩa rằng tâm lý nhà đầu tư đã chuyển sang tiêu cực, mà ngược lại độ lệch vẫn giữ mức dương hơn 6 điểm, khi VN30-Index đã kiểm chứng xong mốc hỗ trợ 1.500 điểm và nhà đầu tư kỳ vọng thị trường sẽ hồi phục trong phiên đầu tuần để “lấy lại những gì đã mất”.

Khuyến nghị - Chiến lược giao dịch: Mua mới khi giá điều chỉnh

Sự cải thiện về kỹ thuật cũng được thể hiện trên khung đồ thị giờ của VN30F1M. Với diễn biến bán tháo trong ngày đáo hạn, giá tạo ra đáy thứ hai trong nền và hướng tới các mốc như kháng cự nền giá cũ ở khoảng 1.550 điểm.

Khi đã xác định giao dịch trong biên độ giá, phương án hành động hợp lý nhất dành cho chiến lược giao dịch ngắn hạn là mở Mua mới nếu giá điều chỉnh. Vùng hỗ trợ canh giải ngân là 1.510 - 1.520 điểm, mức quản trị rủi ro nếu thủng đáy 1.495 điểm, giá mục tiêu là khu vực 1.550 điểm.

Giá giảm mạnh là cơ hội để mở vị thế mua VN30F1M.

Giá giảm mạnh là cơ hội để mở vị thế mua VN30F1M.

Dành cho các nhà đầu tư ưa thích nắm giữ vị thế dài hạn, mọi hành động lúc này đều chỉ mang tính thăm dò. Ưu tiên chiều Mua bởi xu hướng dài hạn vẫn là xu hướng tăng vốn kéo dài kể từ cuối tháng 9 và giá đang tiệm cận các ngưỡng hỗ trợ.

Khu vực mở dần lệnh sẽ là mức hỗ trợ 1.495 - 1.510 điểm, chỉ tăng tỷ trọng nếu giá vượt hẳn qua 1.530, đặt mức quản trị rủi ro 20 giá và kỳ vọng vào con sóng tăng trưởng quen thuộc của thị trường Việt Nam vào mỗi dịp cận Tết.

Nhật ký giao dịch phái sinh tuần qua

Tiếp tục là tuần giao dịch thành công của người viết sau khi mở mua mới ở mức giá 1.500 điểm theo kế hoạch và nắm giữ vị thế Mua sang tuần tiếp theo. Các rung động trong ngày đáo hạn vốn chỉ là các áp lực nhất thời, còn nội lực của thị trường được kỳ vọng sẽ khởi sắc dần trong 2 tuần tới và bùng nổ mạnh mẽ hơn sau khi có dòng tiền ký quỹ trong năm 2022.

Tuy nhiên, các nhận định trên vẫn hoàn toàn mang tính chất dự báo, thực chất xu hướng ngắn hạn vẫn là dao động trong biên độ và nhiệm vụ lớn nhất trong giao dịch các hợp đồng tương lai có mức đòn bẩy cao như VN30F1M là quản trị rủi ro. Khẩu vị của nhà đầu tư đang chuyển hướng dần sang các cổ phiếu tăng nóng và có tính đầu cơ rất cao, không loại trừ khả năng một pha điều chỉnh của nhóm này có thể ảnh hưởng tiêu cực đến tâm lý thị trường chung.

Bài viết được cung cấp bởi Công ty Chứng khoán TP.HCM (HSC)

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục