Chứng khoán phái sinh: Rung lắc khốc liệt, nhưng cần thiết

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Thị trường chứng khoán Việt Nam vừa trải qua một tuần lễ biến động rất khốc liệt. Thị trường cơ sở rung lắc một, thị trường phái sinh rung lắc hai.
Chứng khoán phái sinh: Rung lắc khốc liệt, nhưng cần thiết

Yếu tố liên thị trường đột ngột chuyển xấu

Thị trường quốc tế đột ngột chuyển xấu trong tuần qua, với hai thông tin tác động chính: chủng dịch Omicron lây lan nhanh chóng trên toàn cầu, đã xuất hiện những ca nhiễm đầu tiên ở châu Mỹ và Đông Nam Á và những phát biểu từ quan chức của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) về khả năng đẩy nhanh việc đóng cửa chương trình mua lại trái phiếu (kế hoạch trước đó là sẽ kết thúc vào tháng 6/2022).

Cả hai yếu tố trên tạo ra sự cộng hưởng, đẩy chỉ số Công nghiệp Dow Jones thủng khỏi mốc hỗ trợ quan trọng là đường trung bình 200 ngày lần đầu tiên kể từ giữa năm 2020, cùng với đó chính thức đưa thị trường Mỹ vào xu hướng điều chỉnh trung hạn.

Chỉ số Dow Jones mất mốc hỗ trợ tại đường trung bình 200 ngày.

Chỉ số Dow Jones mất mốc hỗ trợ tại đường trung bình 200 ngày.

Dự kiến những biến động sẽ còn kéo dài sang các tuần tới với một loạt sự kiện quan trọng như bảng lương phi nông nghiệp và số liệu về lạm phát của Mỹ vốn có những tác động rất quan trọng đến các chính sách vĩ mô, cuộc họp sắp tới của Fed sẽ diễn ra trong ngày 16/12/2021. Ở Việt Nam, nhà đầu tư sẽ chứng kiến các diễn biến cơ cấu các quỹ ETFs kỳ quý IV và phiên đáo hạn phái sinh diễn ra sớm cũng trong ngày 16/12.

Tuần lễ biến động khốc liệt

Thị trường Việt Nam trải qua một tuần lễ biến động rất khốc liệt. Bên Mua níu kéo về khả năng VN-Index vượt 1.500 điểm và giữ tâm lý nhờ nhóm cổ phiếu mid-cap duy trì đà tăng vượt đỉnh, bên Bán hiểu rõ sự nguy hiểm từ thị trường quốc tế cũng như nhận ra những tín hiệu phân kỳ âm trên các chỉ số chứng khoán lớn trên thị trường Việt Nam. Và cuối cùng, bên Bán cũng là người chiến thắng nhờ áp lực về rủi ro của các ngày cuối tuần, VN30-Index thủng khỏi nền ngắn hạn và rơi trở lại khu vực quen thuộc 1.500 điểm.

Diễn biến VN30-Index, VN30F1M và mức chênh lệch giá.

Diễn biến VN30-Index, VN30F1M và mức chênh lệch giá.

Thị trường cơ sở rung lắc một, thị trường phái sinh rung lắc hai, bởi yếu tố đòn bẩy cao hơn và sự co giãn độ lệch (spread). Độ lệch trong tuần liên tục dao động từ âm 10 đến dương 5, phản ánh sự kỳ vọng thay đổi liên tục của cả bên Mua và bên Bán cũng như những rung lắc khó lường của các thị trường quốc tế diễn ra trong đêm.

Với loạt nến giảm dài, dứt khoát, có thanh khoản cao trong những phút cuối tuần, VN30F1M có động lượng giảm, khả năng sẽ quay lại kiểm chứng ngưỡng hỗ trợ mạnh như vùng giá 1.480 - 1.500 điểm. Các phản ứng tại đây sẽ có ý nghĩa quan trọng về mặt kỹ thuật để giúp nhà đầu tư nhận định về xu hướng sắp tới, còn chiến lược hợp lý nhất trong tuần này là giao dịch trong biên độ với tỷ trọng nhỏ.

Chờ đợi phản ứng giá quanh vùng hỗ trợ mạnh

VN30F1M đang bước vào pha “mâu thuẫn” ngắn hạn.

VN30F1M đang bước vào pha “mâu thuẫn” ngắn hạn.

Chỉ còn khoảng 10 điểm nữa, VN30F1M sẽ rơi về vùng nền giá tích lũy kể từ đầu tháng 10. Sau những pha rướn bứt phá không thành công, một lần nữa thị trường trở về vạch xuất phát để tìm kiếm động lực mới. Với xu hướng ngắn hạn đang chuyển biến xấu, chiều hướng trung hạn vẫn là tăng trưởng, thì thị trường đang bước vào pha “mâu thuẫn” và rất khó để tạo ra kịch bản giao dịch phù hợp cho chiến lược nắm giữ dài hạn.

Còn đối với nhà đầu tư ưa thích giao dịch ngắn hạn, chiến lược “lướt sóng” trong biên độ sẽ trở lại. Kỳ vọng tuần mới khởi động với những pha tăng giảm dích dắc đan xen trong biên độ dự báo là hỗ trợ 1.470 điểm và kháng cự 1.530 điểm. Nhà đầu tư nên duy trì mức tỷ trọng nhỏ, tâm lý vững vàng và đặt mức cắt lỗ 15 điểm để đảm bảo tỷ lệ lợi nhuận/rủi ro ổn định ở mức tối thiểu là 3:1.

Nhật ký giao dịch phái sinh tuần qua

Chiến lược giao dịch ngắn hạn gặt hái thành công trong tuần qua sau khi kịp thời chốt lời các vị thế Mua quanh vùng kháng cự 1.56x theo như kế hoạch. Tuy nhiên, các vị thế dài hạn của người viết đã phải đóng bắt buộc sau khi VN30F1M xuyên thủng qua 1.530 điểm trong phiên cuối tuần, qua đó mức lợi nhuận còn lại chỉ là trên 20 điểm.

Người viết không thay đổi về nhận định thị trường, sự rung lắc là cần thiết cho một đà tăng dài hạn bền vững và do đó chiều Mua vẫn tiếp tục được ưu tiên trong tháng cuối năm. Nếu rung lắc vượt ra khỏi tầm kiểm soát của các tài sản đầu tư có mức đòn bẩy cao như hợp đồng tương lai, thì quản trị rủi ro tài khoản sẽ được đặt lên hàng đầu, phải sống sót trong khu vực tích lũy thì mới hưởng được thành quả từ sự bứt phá!

Bài viết được cung cấp bởi Công ty Chứng khoán TP.HCM (HSC)

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục