Chứng khoán phái sinh: Mua thăm dò

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Phiên điều chỉnh cuối tuần qua khiến độ lệch giá giữa VN30F1M và VN30-Index được đẩy xuống mức âm 10 điểm, giúp hạn chế dư địa điều chỉnh sâu thêm, nhưng lực mua có thể sẽ phụ thuộc vào diễn biến của thị trường quốc tế.
Chứng khoán phái sinh: Mua thăm dò

Lượng tiền đổ vào cổ phiếu lập kỷ lục

Theo thống kê của Bank of America và EPFR Global, nhà đầu tư đã đổ ròng 900 tỷ USD vào các thị trường cổ phiếu trên toàn thế giới từ đầu năm 2021 đến nay, vượt giá trị của cả 19 năm trước đó cộng lại. Nguyên nhân là lượng tiền “rẻ” tràn ra ngoài thị trường và nền kinh tế hồi phục mạnh sau khi bị tác động bởi dịch Covid-19, cùng với đó là trào lưu giao dịch chứng khoán của nhà đầu tư cá nhân trong bối cảnh ít có các kênh đầu tư hấp dẫn.

Dòng tiền đổ vào thị trường cổ phiếu toàn cầu.

Dòng tiền đổ vào thị trường cổ phiếu toàn cầu.

Tình trạng trên xảy ra tương tự trên thị trường Việt Nam, bất chấp dòng tiền của khối ngoại liên tục rút ròng. Lượng tiền lớn từ khối nhà đầu tư cá nhân trong nước là động lực chính thúc đẩy đà tăng của các chỉ số. VN30-Index hiện đạt hiệu suất khoảng 45% kể từ tháng 1/2021 và giá hợp đồng tương lai VN30F1M liên tục chinh phục các đỉnh cao mới. Đối với nhà đầu tư phái sinh, bám theo đà tăng trưởng vẫn là mục tiêu cho tháng 12/2021.

Tác động bất ngờ của thị trường quốc tế

VN30-Index sau khi “rũ” ở ngưỡng 1.500 điểm đã lấy lại đà tăng ngắn hạn ngay từ phiên giao dịch đầu tuần qua, 4 phiên tăng tổng cộng 72 điểm, thiết lập đỉnh mới, trước khi chững lại trong phiên cuối tuần bởi tác động bất ngờ từ sự giảm giá của thị trường quốc tế và thông tin về chủng virus Covid-19 mới tại Nam Phi.

Chủng B.1.1.529 làm gia tăng rủi ro không thể đoán định lên thị trường chứng khoán và thúc đẩy dòng tiền phòng vệ rủi ro cũng như dòng tiền đầu cơ mở vị thế bán trên các hợp đồng tương lai.

Diễn biến VN30-Index, VN30F1M và mức chênh lệch giá.

Diễn biến VN30-Index, VN30F1M và mức chênh lệch giá.

Vì lẽ đó, độ lệch giá giữa VN30F1M và VN30-Index đã được đẩy xuống mức âm 10 điểm. Đây có thể coi là mốc hỗ trợ của độ lệch, từ đó thúc đẩy dòng tiền tham gia trong tuần mới, nếu diễn biến thị trường quốc tế không quá tiêu cực. Sự “chạm mặt” của hai dòng tiền mua - bán quanh vùng 1.550 điểm sẽ là dữ kiện quan trọng để nhà đầu tư tìm kiếm điểm mở lệnh và nhận định xu hướng trong ngắn hạn. Riêng một số phiên đầu tuần, chiến lược hợp lý là giao dịch trong biên độ.

Khu vực hỗ trợ và kháng cự đều mạnh

Phiên điều chỉnh cuối tuần qua đã đè nặng lên trạng thái kỹ thuật của VN30F1M, với mẫu hình hai đỉnh và sau đó giá gãy khỏi viền cổ. Động lượng điều chỉnh có phần chững lại ở những phút cuối phiên và độ lệch ở mức âm lớn giúp hạn chế dư địa điều chỉnh, nhưng đồng thời giá tạo ra khu vực kháng cự mạnh 1.565 - 1.570 điểm. Giá sẽ phải vượt qua vùng này trong tuần mới để khẳng định lại xu hướng tăng.

VN30F1M đang có áp lực điều chỉnh.

VN30F1M đang có áp lực điều chỉnh.

Trong ngắn hạn, nhà đầu tư có thể thăm dò các vị thế mua xung quanh khu vực hỗ trợ 1.540 - 1.550 điểm, quản trị rủi ro nếu giá thủng ngưỡng 1.530 điểm và chốt lời trong trường hợp giá tiến lên vùng 1.556 - 1.570 điểm, nhưng hạn chế mở các vị thế bán ngay sau đó.

Đối với chiến lược giao dịch theo xu hướng, nhà đầu tư nên nắm giữ vị thế mua đã mở thăm dò, tăng tỷ trọng khi giá quay về kiểm chứng các ngưỡng hỗ trợ mạnh như 1.540 điểm.

Nhật ký giao dịch phái sinh tuần qua

Sau khi quan sát được trạng thái vai đầu vai ngược trong đồ thị kỹ thuật, người viết đã mở vị thế mua mới quanh khu vực 1.500 điểm theo kế hoạch và dự định sẽ nắm giữ dài hạn, mức quản trị rủi ro được nâng lên tại 1.530 điểm.

Thị trường chứng khoán Việt Nam luôn vậy, để vượt qua ngưỡng kháng cự bao giờ cũng phải có thử thách, từ thử thách mới sinh ra sự bất ngờ, từ bất ngờ mới có được dòng tiền mua đuổi. Kỳ vọng, sau khi kiểm chứng ngưỡng hỗ trợ, VN-Index sẽ tạo ra động lực vượt qua 1.500 điểm và VN30F1M bứt lên trên vùng 1.560 điểm.

Bài viết được cung cấp bởi Công ty Chứng khoán TP.HCM (HSC)

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục