Chứng khoán phái sinh: Sức phản kháng dần mạnh hơn

(ĐTCK) Bối cảnh thị trường quốc tế còn nhiều bất ổn, cộng thêm khối ngoại tiếp tục bán ròng là rào cản lớn cho khả năng quay trở lại đà tăng của VN30. Tuy nhiên, sức phản kháng của VN30 đang dần mạnh mẽ hơn. Do đó, góc nhìn về thị trường trong tuần này là cẩn trọng, nhưng không bi quan.

Yếu tố cơ bản: VFMVN Diamond ETF được chấp thuận chào bán ra công chúng

Tuần qua, thị trường chứng khoán toàn cầu hoảng loạn, các chỉ số chứng khoán lớn tại Mỹ và châu Âu có những phiên giao dịch tồi tệ, ngay cả các chỉ số được xem là có sức phản kháng mạnh nhất như S&P 500 hay Dow Jones đều rơi hơn 10%.

Các thị trường châu Á cũng không tránh khỏi nhịp sụt giảm, chỉ số VN-Index của thị trường Việt Nam tiếp tục nằm trong trạng thái giảm và quán tính này chưa có sự cải thiện.

Thị trường chứng khoán Việt Nam tiếp tục nằm trong trạng thái giảm.
Khối nhà đầu tư nước ngoài duy trì đà bán ròng chứng khoán Việt Nam, thậm chí mức độ bán ròng còn mạnh mẽ hơn. Ngoài ra, sự tháo chạy cũng diễn ra trên chứng chỉ quỹ ETF E1VFVN30.

Liên quan đến ETF, thông tin tích cực trong tuần qua là Quỹ VFMVN Diamond ETF đã được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chấp thuận chào bán chứng chỉ quỹ ra công chúng, dự kiến diễn ra ngày 3/3/2020.

Ðây được xem là bước tiến mới cho lộ trình thu hút vốn ngoại vào thị trường Việt Nam, khi có lượng tiền tiềm năng chảy vào như vậy thì đó là chất xúc tác tốt cho thị trường chung.

Yếu tố kỹ thuật: Tâm lý có chuyển biến tích cực hơn

Thị trường có liên tiếp những nhịp giảm, nhưng so với mặt bằng chung của thị trường quốc tế thì mức giảm trong 2 phiên cuối tuần qua được xem là không tệ.

Giá hợp đồng phái sinh kỳ hạn 1 tháng và VN30 tiếp cận vùng đáy cũ.
Tâm lý giao dịch phái sinh có sự chuyển biến lớn theo chiều hướng tích cực hơn khi độ lệch thu hẹp chỉ còn khoảng 1 - 2 điểm, thay vì trạng thái vênh rất rộng 7 - 8 điểm trong tuần trước đó và kể cả các phiên đầu tuần qua.
Bên mua thiếu chủ động hơn bên bán.
Nhìn chung, VN30 vẫn trong xu hướng giảm, những tín hiệu khả quan dần xuất hiện, nhưng chưa đủ mạnh để làm thay đổi xu hướng lớn.

Tâm lý dòng tiền tương đối kém trong tuần qua khi sự tham gia của dòng tiền mới là rất yếu, bất chấp việc mặt bằng giá của thị trường đã chiết khấu một cách đáng kể. Mặt khác, đường cầu vẫn đang dao động bên dưới đường cung là rào cản lớn khiến nỗ lực hồi phục của chỉ số chung gặp nhiều trở ngại.

Ðà lan tỏa vẫn trong xu hướng giảm, nhưng đang loay hoay quanh vùng đáy cũ nên khả năng giảm tiếp là khó xảy ra trong ngắn hạn, hoặc ít nhất là sẽ có những phản ứng tích cực quanh khu vực này, chứ không dễ dàng trượt giảm mạnh.

Đà lan tỏa vẫn đang trong xu hướng giảm.
Ngân hàng là nhóm có sức phản kháng tốt nhất khi sự lan tỏa được duy trì tốt, mặc dù sức ép là không nhỏ cho các cổ phiếu trong nhóm này. Nhóm thực phẩm - đồ uống và bất động sản vẫn mong manh khi có sự biến động quá lớn, nên khả năng dẫn dắt chưa được đánh giá cao.
Ngân hàng là nhóm có sức phản kháng tốt nhất.
Nhìn chung, xu hướng thị trường hiện tại phụ thuộc vào nhóm ngân hàng, xu hướng vận động của nhóm này sẽ quyết định đến xu hướng thị trường chung.

Khuyến nghị - Chiến lược giao dịch: Canh Mua (Long) trong ngắn hạn - Canh Bán (Short) trong dài hạn

Bối cảnh thị trường quốc tế còn nhiều bất ổn, nếu không muốn nói là đang rơi vào xu hướng hướng giảm, cộng thêm việc khối ngoại duy trì đà bán ròng sẽ là những rào cản lớn cho khả năng quay trở lại đà tăng của VN30.

Góc nhìn tích cực nhất là sức phản kháng của VN30 đang dần mạnh mẽ hơn, bấp chấp các chỉ số chứng khoán lớn liên tục lao dốc.

Hợp đồng tương lai kỳ hạn 1 tháng đang mở ra cơ hội mua.
Nhìn chung, góc nhìn về thị trường trong tuần này là cẩn trọng, nhưng không bi quan.
Chiến lược lược giao dịch ngắn hạn có thể là canh Mua (Long) trong các nhịp tiếp cận về quanh khu vực đáy cũ 810 - 820 điểm, còn chiến lược dài ngày hơn là canh Bán (Short) trong các nhịp hồi phục về khu vực kháng cự 840 - 850 điểm.


Bài viết được cung cấp bởi Công ty Chứng khoán TP.HCM (HSC)

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục