Chứng khoán phái sinh: Sức hút tăng dần

(ĐTCK) Số lượng hợp đồng chứng khoán phái sinh được giao dịch ngày càng tăng. Cơ hội từ sản phẩm mới cũng như sự hỗ trợ của các công ty chứng khoán đang thu hút nhà đầu tư đến với thị trường chứng khoán phái sinh.
TTCK phái sinh mở cửa ngày 10/8, sau 5 phiên, có hơn 5.200 hợp đồng phái sinh được giao dịch TTCK phái sinh mở cửa ngày 10/8, sau 5 phiên, có hơn 5.200 hợp đồng phái sinh được giao dịch

Trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán, nhà đầu tư Nguyễn Văn Thiêm cho biết, anh đã có lãi sau 2 ngày đầu tiên tham gia đầu tư trên thị trường chứng khoán phái sinh. Tài khoản giao dịch hạch toán lãi lỗ hàng ngày khiến anh cảm thấy hưng phấn.

Nhà đầu tư Lê Đình Thành chia sẻ, thị trường cơ sở có dấu hiệu khó “chơi” hơn nên anh tạm chuyển sang đầu tư trên thị trường phái sinh. Anh đã lựa chọn mua hợp đồng tương lai đáo hạn tháng 8 như nhiều người khác.

Anh Lê Đại, một nhà đầu tư chứng khoán lâu năm cho rằng, chứng khoán phái sinh có sức hấp dẫn, nhiều người thấy vui khi sau một ngày giao dịch đã có lãi.

“Tuy nhiên, trên thị trường này, tiền không tự sinh ra và không tự mất đi, lợi nhuận sẽ chảy từ túi người này sang người khác, đương nhiên không có chuyện cả nhà đều vui. Vì vậy, tôi tham gia tương đối thận trọng”, anh Đại nói.

Nhân viên môi giới của một công ty chứng khoán cung cấp dịch vụ phái sinh nhận xét, số lượng nhà đầu tư mở tài khoản giao dịch chứng khoán phái sinh đang gia tăng, nhưng nhà đầu tư tham gia chủ yếu ở dạng thăm dò. Thực tế, tại công ty, nhà đầu tư thực hiện không nhiều lệnh, đa số giao dịch 1 - 2 hợp đồng. Nhiều nhà đầu tư giao dịch trực tiếp tại quầy nhờ đến sự tư vấn của nhân viên môi giới. Nhà đầu tư e ngại rủi ro nên luôn giữ mức sử dụng an toàn trên tài khoản (nộp tiền ký quỹ cao hơn so với quy định).

“Đầu tư trên thị trường mới cần có kiến thức và kinh nghiệm, nhưng tôi tin rằng, sức hút của thị trường chứng khoán phái sinh sẽ ngày càng tăng”, nhân viên môi giới trên nói.

Theo chủ trương của Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước, cả 7 công ty chứng khoán thành viên giao dịch chứng khoán phái sinh của Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) đều miễn phí giao dịch cho nhà đầu tư trong giai đoạn đầu, nhưng thời hạn miễn phí có đôi chút khác nhau và các công ty chưa đưa ra biểu phí cụ thể cho giai đoạn sau.

Cụ thể, Công ty Chứng khoán VNDIRECT, HSC và MBS miễn phí giao dịch trong 3 tháng đầu cho nhà đầu tư. Trong khi đó, SSI miễn phí giao dịch trong 2 tháng, còn VPBS miễn phí đến hết ngày 30/10/2017.

Về tỷ lệ ký quỹ, theo quy định của Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam (VSD), mức ký quỹ ban đầu với sản phẩm hợp đồng tương lai chỉ số VN30 trong khoảng 10 - 15%. Ghi nhận trên thực tế, hầu hết các công ty chứng khoán không áp dụng mức 10%, mà áp dụng ở mức cao hơn để tránh trường hợp xấu nhất cho nhà đầu tư là bị đóng vị thế bắt buộc, ngừng giao dịch trên tài khoản khi chậm nộp tiền ký quỹ do biến động giá mạnh. Cần nói thêm, tỷ lệ ký quỹ ban đầu do các công ty chứng khoán quy định và có thể thay đổi theo từng thời kỳ. Chẳng hạn, VNDIRECT vừa điều chỉnh từ 15% xuống 12%.

Tỷ lệ ký quỹ khác nhau, ngưỡng cảnh báo sử dụng tài sản ký quỹ tại các công ty chứng khoán cũng khác nhau. Quy định của VSD gồm cảnh báo 1 là 80%, cảnh báo 2 là 90%, mức 100% là ngừng giao dịch. Tại VCSC, các mức này lần lượt là 70%, 80% và 100%, tức cảnh báo mức độ 1 khi tỷ lệ sử dụng tài sản ký quỹ chạm ngưỡng 70%. Tại VNDIRECT, các tỷ lệ này là 80% - 95% - 100%. Tại VPBS, công ty này quy định, nhà đầu tư phải ngừng giao dịch khi tỷ lệ sử dụng tài sản ký quỹ chạm 97%.

Ông Nguyễn Tuấn Cường, Giám đốc cấu trúc sản phẩm VNDIRECT cho biết, theo thống kê của Công ty, các lệnh đặt cao nhất về số hợp đồng phái sinh từ 10 - 15 hợp đồng/lệnh. Do chú trọng quản trị rủi ro nên tại VNDIRECT chưa có trường hợp nhà đầu tư bị “call margin” (phải bổ sung tiền ký quỹ).

“Khách hàng tới thời điểm này hầu hết là khách hàng cá nhân và phần tiền mà họ dành cho giao dịch phái sinh vẫn còn khiêm tốn. Trong thời gian đầu, do thị trường có đòn bẩy tài chính cao nên chủ yếu là các nhà đầu tư cá nhân ưa rủi ro và giao dịch trong ngày”, lãnh đạo một công ty chứng khoán nói và cho hay, công ty đưa ra nhiều nguyên tắc quản trị nhằm giảm thiểu rủi ro cho nhà đầu tư và bản thân công ty.

Các công ty chứng khoán chịu trách nhiệm thu tiền nộp bổ sung ký quỹ của nhà đầu tư. Nếu không thu được thì công ty phải nộp tiền cho quỹ cuối ngày của VSD.

So với hơn 1,8 triệu tài khoản giao dịch chứng khoán ở thị trường cơ sở và thanh khoản lên tới hàng nghìn tỷ đồng mỗi phiên, mức độ tham gia của nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán phái sinh còn rất thấp, nhưng đây là tình trạng bình thường với một sản phẩm mới. Giống như một số thị trường trong khu vực, thị trường phái sinh Việt Nam có thể bùng nổ sau 1 năm.

Nguyễn Gia

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục