Chứng khoán phái sinh: Sóng gió “bất chợt”

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Nhiều nhà đầu tư vừa trải qua một tuần giao dịch đầy sóng gió khi thị trường tăng giảm đan xen, nhưng sàn HOSE liên tục trong tình trạng có gần 300 mã giảm giá.
Chứng khoán phái sinh: Sóng gió “bất chợt”

USD suy yếu, nhưng Việt Nam không được hưởng lợi

Diễn biến đáng chú ý trên thị trường quốc tế trong tuần qua là sự suy yếu của chỉ số DXY (đo lường sức mạnh của USD). Lần lượt các lãnh đạo của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đều cam kết duy trì các chính sách nới lỏng tiền tệ hiện tại nhằm hỗ trợ nền kinh tế, đồng thời cảnh báo một loạt rủi ro nếu mở cửa lại nền kinh tế quá nhanh.

Diễn biến một số chỉ số chính trên thế giới.

Diễn biến một số chỉ số chính trên thế giới.

Sự suy yếu của USD giúp cho thị trường đầu tư toàn cầu có một tuần giao dịch thăng hoa. Giá vàng vượt qua ngưỡng trung bình động 50 ngày (MA50) thành công, xác nhận mẫu hình hai đáy được tạo dựng quanh mốc hỗ trợ 1.700 USD/ounce.

Giá dầu bất ngờ tăng trở lại và hoàn thành mẫu hình tăng trưởng tiếp diễn. Chỉ số Dow Jones cùng S&P 500 liên tục lập đỉnh mới, cao nhất mọi thời đại, với sự hỗ trợ của nhóm cổ phiếu công nghệ.

Chỉ số đo lường mức độ biến động của S&P là VIX sập gãy khỏi mức hỗ trợ 20 điểm, đánh dấu giai đoạn ổn định mới của chứng khoán Mỹ.

Thế nhưng, động thái của nhà đầu tư nước ngoài trên thị trường chứng khoán Việt Nam lại có chiều hướng tiêu cực. Khối ngoại bán ròng liên tục trong tuần qua, đặc biệt là ba phiên cuối tuần, tập trung vào nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn. Đây là một trong những nguyên nhân chính khiến chỉ số VN-Index rung lắc liên tục trong tuần và không thể bứt khỏi vùng cản 1.260 - 1.300 điểm.

Vốn ngoại rút ròng chủ yếu là do sự luân chuyển của dòng tiền đầu tư chứng khoán, từ các thị trường mới nổi chuyển dịch về các thị trường phát triển, do các nền kinh tế lớn đang phục hồi tốt.

Xu hướng trung hạn được bảo toàn

Thị trường cổ phiếu tuần qua gần như biến thành chiến trường khốc liệt với người thắng và người thua rõ nét.

Diễn biến VN30F, VN30 và mức chênh lệch giá.

Diễn biến VN30F, VN30 và mức chênh lệch giá.

Bên thắng đáng chú ý là người nắm giữ cổ phiếu VIC, MSN, HPG khi giá có đà tăng ổn định, thu hút lượng thanh khoản lớn và liên tục dẫn dắt thị trường chung trong trạng thái “xanh vỏ, đỏ lòng”.

Người thua là đại đa số nhà đầu tư nắm giữ các cổ phiếu còn lại, dù VN-Index không điều chỉnh sâu nhưng sàn HOSE liên tục trong tình trạng có gần 300 mã giảm giá, nhóm vốn hóa trung bình (mid-cap) và vốn hóa nhỏ (small-cap) trở thành “nạn nhân” của sự tháo chạy dòng tiền.

Dòng tiền chuyển sang các mã bluechips nên dù nhiều nhà đầu tư trải qua một tuần giao dịch đầy sóng gió nhưng diễn biến kỹ thuật của VN30-Index tương đối cân bằng.

Chỉ số của 30 mã cổ phiếu có giá trị vốn hóa hàng đầu áp sát vùng 1.300 điểm hai lần liên tiếp, suýt chút nữa đã xuyên qua “viền cổ” 1.270 điểm để hoàn thành mẫu hình đảo chiều hai đỉnh, nhưng lại được cứu thua trong những phút cuối tuần bởi lực cầu tham gia ở ngưỡng hỗ trợ 1.260 điểm.

Đóng cửa tuần tại 1.276,87 điểm, VN30-Index đang hình thành “chiếc hộp Darvas” mới trong khu vực 1.260 - 1.300 điểm.

Với định hướng đó, chiến lược mở vị thế ngắn hạn trên thị trường phái sinh trong tuần giao dịch này có thể chia làm hai phương án.

Một là, mở vị thế mua (Long) mới trong trường hợp giá điều chỉnh về vùng gần 1.260 điểm và quản trị rủi ro ở 1.250 điểm. Hai là, chờ giá tích lũy thành công và vượt hẳn qua (breakout) 1.300 điểm, đồng thời bám theo đà tăng trưởng.

Xu hướng trung hạn của VN30F1M được bảo toàn.

Xu hướng trung hạn của VN30F1M được bảo toàn.

Nhờ kiểm chứng thành công khu vực 1.260 điểm nên xu hướng trung hạn của VN30F1M được bảo toàn, do đó, nhà đầu tư nên duy trì nắm giữ các vị thế mua đã được mở. Để mở vị thế mua mới, tăng tỷ trọng trong danh mục, đòi hỏi chỉ số điều chỉnh về các mốc hỗ trợ rõ ràng hơn như 1.240 điểm.

Nhật ký giao dịch phái sinh tuần qua

Pha rung lắc vào những phút cuối của tuần giao dịch khiến VN30F1M hoàn thành mẫu hình hai đỉnh và xuyên qua mức viền cổ, đồng thời chấm dứt đà tăng trưởng ngắn hạn và ép người viết phải đóng toàn bộ các vị thế mua ngắn hạn (chiếm đúng 50% sức mua tài khoản).

Chiến lược ngắn hạn lúc này là rình rập để mở lại các vị thế mua mới, bởi xu hướng tăngg được duy trì sau khi giá “rũ bỏ” (washout) thành công vào những phút cuối. Phương án hành động là canh mua ở các mốc 1.260 điểm và 1.300 điểm của VN30F1M.

Các vị thế mua trung hạn nhờ đã có được mức lợi nhuận đáng kể nên duy trì nắm giữ, tuy nhiên, mốc quản trị rủi ro (hay còn gọi là cắt lỗ - stoploss) sẽ được nâng lên 1.235 điểm khi chỉ số đã có những dấu hiệu “rướn” và kéo trụ. Thị trường đang hứa hẹn một tuần giao dịch mới đầy hấp dẫn.

Bài viết được cung cấp bởi Công ty Chứng khoán TP.HCM (HSC)

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục