Chứng khoán phái sinh: Kỳ vọng “Lùi một bước, tiến ba bước”

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Các rung lắc trong tuần của thị trường phái sinh chưa làm thay đổi quan điểm giao dịch tích cực trong trung hạn và cả ngắn hạn.
Ảnh: Shutterstock. Ảnh: Shutterstock.

Chỉ số VN-Index dao động chưa tới 20 điểm trong toàn bộ tuần giao dịch từ ngày 5 - 9/4 và nằm lọt trong biên độ dao động của ngày thứ Hai đầu tuần. Tâm lý hưng phấn khi chỉ số vượt qua mốc 1.200 điểm lịch sử đã dịu bớt, thay vào đó là những quan điểm đan xen của dòng tiền bán chốt lời, dòng tiền mua tăng tỷ trọng và dòng tiền nghi ngờ đứng ngoài quan sát. Trên sàn phái sinh, VN30F1M duy trì ngưỡng hỗ trợ 1.230 điểm.

Thị trường quốc tế tạo nền tảng tâm lý vững

S&P 500 liên tiếp vượt đỉnh mới, nhưng điểm sáng của thị trường quốc tế trong tuần lại là sự chuyển dịch của dòng tiền trở lại nhóm cổ phiếu công nghệ. Chỉ số NASDAQ áp sát về mốc cao nhất thời đại là 13.900 điểm dưới nền tảng hỗ trợ về mặt số liệu và chính sách.

Về mặt số liệu, Bảng lương phi nông nghiệp tại Mỹ cho những kết quả hết sức tích cực, số lượng việc làm mới tăng lên hơn 900.000 và cùng với đó là tỷ lệ thất nghiệp giảm còn 6%.

Về mặt chính sách, trong biên bản mới nhất, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cam kết duy trì các biện pháp nới lỏng tiền tệ, hỗ trợ nền kinh tế cho tới khi Mỹ có những dấu hiệu hồi phục rõ ràng hơn nữa.

Đây là yếu tố giúp thị trường toàn cầu giữ được xu hướng ổn định, trong khi các tài sản “trú ẩn” như vàng, trái phiếu và USD đều cho thấy trạng thái suy yếu ngắn hạn. Thị trường Việt Nam dù đi ngang nhưng vẫn có được nền tảng tâm lý vững chắc và giúp nhà đầu tư yên tâm nắm giữ cổ phiếu với tầm nhìn dài hạn hơn.

Trái với kỳ vọng rằng Fubon FTSE Vietnam ETF sẽ giải ngân mạnh trong tuần, hoạt động của khối ngoại đột ngột hạ nhiệt ở cả giá trị mua, giá trị bán và giá trị mua - bán ròng.

Sau khoảng thời gian dài “xả lũ” bán ra nhưng các chỉ số không hề điều chỉnh, trong khi USD cùng chỉ số DXY có dấu hiệu suy yếu nhẹ, thì việc khối ngoại giao dịch chậm lại để quan sát là diễn biến hợp lý.

Sự kiện đáng chú ý nhất nằm ở những phút cuối của tuần giao dịch, với lệnh mua thỏa thuận 22 triệu cổ phiếu VHM trị giá hơn 2.000 tỷ đồng. Diễn biến trên không có tác động nhiều đến giá của VHM, nhưng đã từ rất lâu, khối ngoại mới có tuần mua ròng trên thị trường Việt Nam.

Khuyến nghị chiến lược giao dịch

Tâm lý hưng phấn khi VN-Index vượt qua mốc 1.200 điểm lịch sử đã dịu bớt phần nào, thay vào đó là những quan điểm đan xen của dòng tiền bán chốt lời, dòng tiền mua tăng tỷ trọng và dòng tiền nghi ngờ đứng ngoài quan sát.

Và diễn biến cân bằng là hoàn toàn hợp tình, hợp lý khi thị trường Việt Nam đã tăng 8 phiên liên tiếp.

Lần lượt nhóm thực phẩm, bất động sản, ngân hàng đều đã tăng điểm và dẫn dắt đà hưng phấn của thị trường. VN-Index cũng chạm khu vực cản kỹ thuật 1.250 điểm mà chưa có được diễn biến tích lũy đáng kể.

Nếu xem xét kỹ thì chỉ số có điều chỉnh sâu thêm 15 - 20 điểm vẫn có thể coi là nhịp điều chỉnh lành mạnh, hay còn gọi là rung lắc kỹ thuật. Về tổng thể, thị trường tiếp tục nằm trong pha tăng trưởng và các vị thế mua có thể được ưu tiên trong tuần từ 12 - 16/4/2021.

VN30F1M đang có diễn biến tích lũy sau khi bật tăng.

VN30F1M đang có diễn biến tích lũy sau khi bật tăng.

Cũng như phía cơ sở, các rung lắc trong tuần của thị trường phái sinh chưa làm thay đổi quan điểm giao dịch trung hạn và cả ngắn hạn. VN30F1M duy trì được ngưỡng hỗ trợ 1.230 điểm, nền giá tạo dựng bằng phẳng và chưa phát các tín hiệu kỹ thuật đáng kể.

Vì vậy, chiến lược trung hạn là duy trì nắm giữ các vị thế mua đã mở theo tín hiệu khi vượt vùng cản 1.200 điểm, nhưng để mua mới tăng tỷ trọng đòi hỏi chỉ số điều chỉnh về các mốc hỗ trợ rõ ràng hơn trong khoảng 1.200 - 1.215.

Diễn biến VN30F1M, VN30-Index và mức chênh lệch giá.

Diễn biến VN30F1M, VN30-Index và mức chênh lệch giá.

Chiến lược giao dịch trong ngắn hạn (tầm nhìn trong tuần này) vẫn là nắm giữ vị thế mua, nhưng phương án mua mới có thể linh hoạt hơn: hoặc chờ đợi VN30F1M điều chỉnh về và lấp “khoảng trống” quanh 1.234 - 1.240 điểm, hoặc chờ đợi giá bứt phá qua 1.260 điểm và hoàn thành mẫu hình tăng tiếp diễn.

Nhật ký giao dịch phái sinh tuần qua

Người viết hoàn toàn không đóng hay mở vị thế hợp đồng tương lai nào trong tuần vừa rồi.

VN-Index trải qua giai đoạn dài tích lũy dưới 1.200 điểm, động lượng của thị trường rõ ràng là tăng trưởng, các vị thế mua (Long) chắc chắn sẽ có xác suất cao hơn. Thế nên, khi VN30F1M ít rung lắc trong tuần, công việc đơn giản của nhà giao dịch (trader) chỉ là nắm giữ và quản trị các vị thế mua cũ, chờ đợi và tìm kiếm cơ hội mở vị thế mua mới.

Tuy nhiên, cơ hội không xuất hiện, giá phản ứng nhanh với vùng hỗ trợ yếu 1.243 điểm và chưa tạo được điểm mở vị thế rõ ràng. Đóng cửa phía dưới kháng cự trên 1.260 điểm cũng chưa tạo được tín hiệu vượt đỉnh (break-out) cho thị trường phái sinh.

Các vị thế mua trung hạn và ngắn hạn được duy trì qua tuần khi đều đã có mức lợi nhuận đáng kể. Quản trị rủi ro cho vị thế trung hạn tại 1.188 điểm và cho vị thế ngắn hạn tại 1.200 điểm.

Bài viết được cung cấp bởi Công ty Chứng khoán TP.HCM (HSC)

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục

VNIndex 1,290.18 0.0 0.0% 258,687 tỷ
HNX 243.92 0.0 0.0% 0 tỷ
UPCOM 91.48 0.0 0.0% 0 tỷ