Chứng khoán phái sinh, ít tiền cũng “chơi” được

(ĐTCK) Theo dự kiến, ngày 19/5/2017, thị trường chứng khoán phái sinh sẽ chính thức khai mở, ngày 2/6 sẽ mở cửa đón nhà đầu tư. Lúc này, nhiều câu hỏi như phải chuẩn bị gì, cần bao nhiêu tiền để được mua bán sản phẩm mới này, cơ hội và rủi ro ra sao khi chơi chứng khoán phái sinh đang được giới đầu tư đặt ra.
Chứng khoán phái sinh, ít tiền cũng “chơi” được

Vốn 10 triệu đồng là chơi được

Trước mắt, đối với các sản phẩm phái sinh dựa trên chứng khoán, Việt Nam sẽ triển khai hai sản phẩm chứng khoán phái sinh là hợp đồng tương lai trái phiếu chính phủ và hợp đồng tương lai chỉ số cổ phiếu.

Với cách thiết kế sản phẩm phái sinh hiện tại, có thể thấy, nhà đầu tư có “lưng vốn” khoảng chục triệu đồng là có thể tham gia đầu tư vào sản phẩm này. Cụ thể, với giá trị của hợp đồng tương lai chỉ số cổ phiếu tối thiểu là 70 triệu đồng/hợp đồng, mức đặt cọc 10% như quy định, nhà đầu tư chỉ cần có 7 triệu đồng đã được tham gia giao dịch.

Tuy nhiên, thực chất, đây là số tiền tối thiểu để nhà đầu tư tham gia giao dịch. Để giảm phiền hà cho nhà đầu tư trong trường hợp sau khi mua hợp đồng tương lai chỉ số, đến cuối ngày lại giảm giá và phải bổ sung ký quỹ, công ty chứng khoán sẽ yêu cầu nhà đầu tư đặt cọc dôi lên so với mức tối thiểu 7 triệu đồng (khoảng 8 - 9 triệu đồng).

Chơi dễ nhưng phải đề phòng tài khoản “cháy lớn”

Với sản phẩm hợp đồng tương lai trái phiếu chính phủ, dự báo của các công ty chứng khoán cho thấy sẽ chủ yếu thu hút nhà đầu tư tổ chức tham gia cho mục đích phòng ngừa rủi ro lãi suất trên thị trường.

Tuy nhiên, với sản phẩm hợp đồng tương lai chỉ số, kinh nghiệm ở nhiều thị trường như Hàn Quốc, Thái Lan, Hồng Kông… cho thấy sẽ thu hút nhà đầu tư cá nhân tham gia. Do lợi thế hiệu ứng đòn bẩy từ 7 - 10 lần, khách hàng chỉ cần một lượng vốn đầu tư nhỏ ban đầu để giao dịch (khoảng 10 - 15% giá trị giao dịch).

Sản phẩm phái sinh cho phép nhà đầu tư bán khống. Họ được phép bán hợp đồng tương lai trước và sau đó mua lại để đóng vị thế và chốt lãi/lỗ, có thể chốt lãi/lỗ ngay trong ngày giao dịch (giao dịch T+0). Nhà đầu tư có thể mua và bán cùng một hợp đồng tương lai ngay trong ngày để chốt lãi/lỗ và tránh biến động giá qua đêm.

Đối với hợp đồng tương lai, nhà đầu tư có thể mua/bán mà không cần nắm giữ tài sản cơ sở tương ứng do bản chất hợp đồng này là giao dịch dựa trên kỳ vọng giá của các nhà đầu tư. Do đó, trên thị trường số lượng hợp đồng tương lai kỳ vọng giá lên (người mua) phải bằng số lượng hợp đồng tương lai kỳ vọng giá xuống (người bán). Điều này có nghĩa là nếu “rao” bán hàng, mà tình trạng ế kéo dài thì sẽ “cháy” tài khoản với tốc độ nhanh và với mức độ lớn hơn thị trường cơ sở nhiều lần. Chẳng hạn, khi chỉ số tăng 1% thì nhà đầu tư lãi tới 10 lần, ngược lại, nếu chỉ số giảm thì lỗ tới 10 lần.

Để khắc phục tình trạng thanh khoản bị “đóng băng”, hàng bán không ai mua dẫn đến nhà đầu tư lỗ lớn, Quy chế thành viên thị trường chứng khoán phái sinh do Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) ban hành mới đây đã hướng dẫn chi tiết các công ty chứng khoán thủ tục để đăng ký trở thành thành viên tạo lập thị trường. Tuy nhiên, tìm hiểu từ công ty chứng khoán cho thấy, trong bối cảnh thị trường chứng khoán ở trong giai đọan sơ khai, cơ chế này gần như không khả thi.

Lý do là bởi để cơ chế tạo lập thị trường vận hành được, công ty chứng khoán phải đặt lệnh mua khi thị trường không ai mua để tạo thanh khoản cho thị trường. Tham gia “cuộc chơi” này là rủi ro lớn với công ty chứng khoán, vì ôm hàng vào, nhưng không biết khi nào bán được, dẫn đến rủi ro lỗ lớn, trong khi hiện chưa có những cơ chế khuyến khích họ.

Nếu có cơ chế khuyến khích như TTCK một số nước đang áp dụng là sở giao dịch chứng khoán chia một phần đáng kể phí giao dịch cho công ty chứng khoán tham gia tạo lập thị trường, khả năng CTCK cũng sẽ nhiệt tâm giúp TTCK phái sinh sôi động.      

Tìm hiểu từ các CTCK cho thấy, để tham gia giao dịch trên thị trường chứng khoán phái sinh, nhà đầu tư cần trải qua 3 bước.

Bước 1: Nhà đầu tư đến CTCK mở tài khoản. Tài khoản này cần được nhà đầu tư mở trước ít nhất 1 ngày làm việc để họ có thể đặt lệnh giao dịch phái sinh. Đối với khách hàng chưa có tài khoản chứng khoán cơ sở tại CTCK, thì công ty này bắt buộc phải mở tài khoản chứng khoán cơ sở trước cho nhà đầu tư trước khi mở tài khoản phái sinh theo quy định.

Bước 2: Nhà đầu tư nộp ký quỹ trước khi đặt lệnh. Khi nộp ký quỹ bằng tiền, nhà đầu tư tiến hành nộp tiền vào tài khoản phái sinh tại CTCK và đảm bảo tiền ký quỹ phải có tại Trung tâm Lưu ký chứng khoán (VSD), đồng thời không vi phạm các ngưỡng cảnh báo khi đặt lệnh giao dịch. Tài sản ký quỹ của nhà đầu tư phải tuân thủ tỷ lệ tài sản ký quỹ bằng tiền do VSD quy định (tỷ lệ tiền và chứng khoán ký quỹ đang được VSD quy định là 80:20). Chứng khoán ký quỹ phải thuộc danh mục do VSD quy định. Khách hàng có thể rút tài sản ký quỹ tại CTCK/VSD nếu giá trị tài sản ký quỹ lớn hơn giá trị ký quỹ yêu cầu.

Bước 3: Thực hiện giao dịch và thanh toán bù trừ. Lệnh giao dịch của nhà đầu tư phải đáp ứng một số điều kiện quy định: biên độ, giới hạn lệnh, giới hạn lệnh tích lũy, giới hạn vị thế, khả năng giao dịch còn lại của tài khoản.

Nhà đầu tư muốn đóng vị thế sẽ thực hiện giao dịch ngược lại trên cùng loại hợp đồng tương lai. Ví dụ, mở vị thế MUA  -  đóng  vị  thế  BÁN; mở vị thế BÁN –  đóng vị thế MUA.

Cuối ngày, toàn bộ lãi/lỗ đối với các vị thế đã đóng và lãi/lỗ đối với các vị thế mở đều được ghi nhận và thanh toán cho khách hàng. Đây là điểm khác biệt đối với thị trường cơ sở khi khách hàng được thanh toán lãi/lỗ hàng ngày.

Nguyễn Hữu

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục