Chứng khoán phái sinh: Cửa sóng gặp vật cản

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Chỉ số đang tạo dựng mẫu hình “cốc và tay cầm”. Cơ hội để bứt phá là có, chỉ số dường như đang ở cửa sóng, nhưng các khó khăn trong ngắn hạn là hiện hữu.
Chứng khoán phái sinh: Cửa sóng gặp vật cản

Thông tin bất lợi

Tuần đầu năm 2022 diễn ra với đầy ắp thông tin, bắt đầu từ biên bản cuộc họp của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ cho thấy quan điểm cứng rắn về lãi suất và sẵn sàng nâng lãi suất ba lần trong năm kể từ tháng 5.

Tại Việt Nam, gói hỗ trợ kinh tế đã chính thức được xác nhận, nhưng những cảnh báo về việc thị trường chứng khoán tăng nóng khiến nhà đầu tư thận trọng hơn. Các yếu tố trên khiến mức tăng của phiên đầu năm nhanh chóng bị xóa sổ, nhà đầu tư sử dụng tiền ký quỹ vừa được mở tại các công ty chứng khoán để mua cổ phiếu trong rổ VN30-Index khó được mức lợi nhuận cao.

Khi dòng tiền vẫn dồi dào, thanh khoản thị trường cải thiện, mà các chỉ số chứng khoán không có được sự đột phá, thì khó khăn có nguy cơ kéo dài sang các phiên sắp tới. Trong tuần giao dịch mới (10 - 16/1/2022), không còn nhiều sự kiện tại Việt Nam và trên toàn cầu tác động đến thị trường, cùng với đó là kỳ cơ cấu danh mục VN30 tháng 1/2022 của các quỹ ETF nhiều khả năng sẽ không thêm hay bỏ cổ phiếu nào. Do đó, nhà đầu tư có thể tập trung vào yếu tố kỹ thuật để giao dịch phái sinh, thay vì phải để ý thời điểm và các yếu tố ngoại lực khác.

Dự báo giao dịch cơ cấu của các quỹ ETF mô phỏng VN30-Index trong kỳ tháng 1/2022.

Dự báo giao dịch cơ cấu của các quỹ ETF mô phỏng VN30-Index trong kỳ tháng 1/2022.

Khả năng bứt phá gặp khó khăn

Trong một bức tranh dài hạn, VN30-Index đang quay trở lại vùng đỉnh thời đại 1.560 điểm và gần như nhà giao dịch phân tích kỹ thuật nào cũng có thể nhận ra chỉ số đang tạo dựng mẫu hình “cốc và tay cầm”. Cơ hội để bứt phá là có, chỉ số dường như đang ở cửa sóng, nhưng các khó khăn trong ngắn hạn là hiện hữu.

Bởi lẽ, nhóm cổ phiếu ngân hàng dù có định giá hấp dẫn sau đợt điều chỉnh và đi ngang kéo dài, nhưng thiếu thông tin hỗ trợ để bùng nổ.

Bên cạnh đó, dòng tiền tập trung vào nhóm bất động sản nhưng chủ yếu lựa chọn cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ, còn ngành thực phẩm - đồ uống với những cái tên như SAB, VNM chưa có sức hấp dẫn nhà đầu tư.

Lựa chọn cổ phiếu nào để mua trong rổ VN30-Index đang là một nhiệm vụ khó khăn, khi hiện tại chỉ một mã có được đà tăng dài hạn ấn tượng là TPB và một cổ phiếu tích lũy ổn định, không nằm trong đà điều chỉnh trung hạn là MWG.

Mua đuổi VN30F1M có thể gặp rủi ro cao.

Mua đuổi VN30F1M có thể gặp rủi ro cao.

Do đó, phương án mở vị thế mua tại hợp đồng tương lai VN30F1M gặp rủi ro. Giải pháp tốt nhất là mở thăm dò vị thế tại khu vực hỗ trợ và đóng vị thế khi giá có diễn biến trái kỳ vọng. Ở chiều ngược lại, các vị thế bán vi phạm xu hướng khiến xác suất thành công ở mức thấp.

Tận dụng các nhịp điều chỉnh để mua

Trong tuần qua, nhờ có pha “rướn” mà các vị thế mua hấp dẫn đều không tồn tại, độ lệch (spread) hiện đã giãn đến mức gần 10 điểm tại VN30F1M, trong khi chỉ còn 2 tuần nữa là đến ngày đáo hạn. Vì vậy, nhà đầu tư không nên mở vị thế mua đuổi, hành động tối ưu là kiên nhẫn chờ đợi giá giảm về khu vực hỗ trợ 1.520 - 1.530 điểm và mua thăm dò (ưu tiên khi độ lệch chuyển về gần mốc 0 điểm.) Quản trị rủi ro nếu giá thủng ngưỡng 1.515 điểm, bởi giá có thể kiểm chứng viền cổ của mẫu hình hai đáy trước đó. Với vị thế bán, nhà đầu tư nên chờ đợi giá quay lại vùng 1.550 điểm để đóng dần lệnh.

Diễn biến VN30-Index, VN30F1M và mức chênh lệch giá.

Diễn biến VN30-Index, VN30F1M và mức chênh lệch giá.

Những nhà đầu tư ưa thích nắm giữ vị thế theo xu hướng nên tiếp tục nhiệm vụ quản trị vị thế mua sẵn có. Như đã đề cập, xu hướng dài hạn của thị trường vẫn ủng hộ các vị thế mua mới, nhưng để tăng tỷ trọng sẽ là nhiệm vụ khó khăn hơn. Có hai phương án hợp lý: một là, mở thêm vị thế mua nếu giá điều chỉnh và phản ứng tốt với khu vực hỗ trợ trọng yếu là 1.505 điểm, đồng thời đặt điểm cắt lỗ tại 1.480 điểm; hai là, mở vị thế mua khi giá vượt qua vùng cản 1.560 - 1.563 điểm và đặt điểm đóng bắt buộc toàn bộ các vị thế tại 1.530 điểm.

Nhật ký giao dịch phái sinh tuần qua

Tuần vừa qua, người viết không có hành động mới, tuân thủ chính xác kế hoạch, khi VN30F1M tăng vội và quay đầu ở ngay vùng cản 1.560 điểm, không tạo được xu hướng tăng mới, còn ở chiều ngược lại thì điều chỉnh nhẹ và không chạm đến các mốc hỗ trợ đáng kể.

Những tuần cuối năm Tân Sửu, tâm lý nghỉ lễ một lần nữa lại đặt nặng lên tâm lý toàn thị trường và dòng tiền có thể thiếu hụt khi nhiều nhà đầu tư phải rút ra để chi tiêu dịp Tết. Yếu tố kỹ thuật cũng cho thấy điều này, kỳ vọng VN30-Index sẽ tiếp tục dao động biên độ rộng trong tuần mới.

Bài viết được cung cấp bởi Công ty Chứng khoán TP.HCM (HSC)

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục

VNIndex 1,290.18 7.09 0.55% 258,687 tỷ
HNX 243.92 1.07 0.44% 1,863 tỷ
UPCOM 91.48 0.35 0.39% 587 tỷ