Chứng khoán Mỹ giảm điểm
Thị trường chứng khoán Mỹ trong tuần qua biến động mạnh theo hướng giảm, bất chấp những phát biểu trấn an của Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) về định hướng chính sách tiền tệ trong thời gian tới khi ngân hàng trung ương “quyền lực” nhất thế giới này khẳng định, đợt leo thang của lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ gần đây là một biểu hiện tốt, là sự khẳng định cho niềm tin nền kinh tế đang khởi sắc trở lại và lạm phát vẫn trong tầm kiểm soát.
Diễn biến lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ. |
Dù vậy, thị trường cổ phiếu vẫn có diễn biến giảm điểm. Giá tiền ảo Bitcoin - một trong những tài sản hưởng lợi nhiều nhất từ môi trường lãi suất thấp cũng điều chỉnh, còn giá cả hàng hóa thế giới - vốn được xem là tài sản phòng vệ lạm phát đã lập đỉnh trong vòng 8 năm. Lợi suất trái phiếu tăng cao khiến các doanh nghiệp tăng trưởng nhanh (đặc biệt là nhóm công nghệ) gặp nhiều thách thức khi định giá hiện tại mà thị trường đang trả trở nên đắt đỏ.
Tuy nhiên, mọi diễn biến chưa vượt quá tầm kiểm soát của Fed, quan điểm thị trường vẫn được xem là tích cực và các thông tin này như một cách để dòng tiền cơ cấu lại danh mục đầu tư mới cho chặng tiếp theo hơn là kết thúc xu hướng tăng.
Cần phải nói thêm, nếu nhìn về lợi suất trái phiếu chính phủ thì chỉ báo đường cong lợi suất sẽ mang nhiều ý nghĩa về định hướng thị trường hơn. Đường cong lợi suất đảo ngược là một tín hiệu đáng tin cậy cho rủi ro đảo chiều của thị trường chứng khoán hơn là nhìn vào đà tăng đơn thuần của lợi suất trái phiếu. Câu nói: “Don’t fight the Fed” (đừng chống lại Fed) liệu có còn đúng vào thời điểm này?
Chứng khoán Việt Nam: Dòng tiền lớn vẫn ở lại
Diễn biến giao dịch của khối nhà đầu tư nước ngoài trong hơn 1 năm qua có sự phân hóa mạnh. Từ đầu năm 2020 đến nay, khối ngoại duy trì đà bán ròng thông qua khớp lệnh trên sàn, trong khi có xu hướng dịch chuyển sang mua ròng trên ETF.
Giá trị giao dịch tích lũy của khối ngoại và tự doanh. |
Ngoài ra, xu hướng giao dịch của khối tự doanh trong 6 tháng gần đây là mua ròng, dù giá trị mua ròng chưa nhiều. Nếu loại trừ giá trị bán ròng của tự doanh ở các chứng chỉ quỹ ETF thì con số mua ròng lớn hơn, do tự doanh các công ty chứng khoán lớn đóng vai trò tạo lập cung ứng thanh khoản cho nhà đầu tư nước ngoài nên khi khối ngoại mua thì tự doanh sẽ ghi nhận con số bán tương ứng.
Trong hơn 1 năm qua, diễn biến thị trường chung gần như đồng pha với diễn biến của khối ngoại trên các ETF, nên diễn biến tích cực trên ETF được duy trì qua sự mua ròng đều đặn của khối ngoại, củng cố cho niềm tin dòng tiền lớn vẫn ở lại thị trường. Bên cạnh đó, xu hướng kể từ đầu năm tới nay cho thấy, đà bán ròng của khối ngoại đang chững lại, đây là một tín hiệu tốt cho triển vọng thị trường.
Phiên cuối tuần qua, thị trường tăng điểm nhẹ, giúp VN-Index đóng cửa ở mức 1.168,47 điểm, chỉ giảm hơn 5 điểm so với cuối tuần trước đó. Tương tự, VN30 đóng cửa tại 1.173,6 điểm, chỉ giảm gần 7 điểm.
Giao dịch phái sinh: Hạn chế mua đuổi
Diễn biến VN30F1M, VN30 và mức chênh lệch giá. |
Thị trường có diễn biến giằng co trong tuần qua khi cả bên mua và bên bán đều tỏ ra thận trọng. Bên mua chủ yếu canh mua trong các nhịp chùng, điều chỉnh giảm, chứ không rượt đuổi theo giá, còn bên bán canh bán khi VN-Index dần quay lại đỉnh cũ để cơ cấu danh mục. Độ lệch giữa chỉ số cơ sở và phái sinh (kỳ hạn 1 tháng) xấp xỉ bằng 0 khi kết thúc tuần qua cũng phản ánh sự thận trọng này. Ngoài ra, yếu tố nhạy cảm từ thị trường chứng khoán quốc tế trong giai đoạn này cũng khiến bên mua “chùng tay”.
Tuy nhiên, khi mà dòng tiền lớn vẫn ở lại thị trường và các thông tin quốc tế chưa đủ sức nặng để làm thay đổi xu hướng tăng của thị trường chứng khoán toàn cầu thì quan điểm tích cực vẫn được duy trì.
Chiến lược giao dịch phái sinh trong tuần mới vẫn là canh mua trong vùng giá từ 1.150 - 1.170 điểm. Hạn chế mua rượt đuổi theo giá trong đoạn này khi dòng tiền rất dễ hụt hơi ở những thời điểm tiệm cận đỉnh cũ. Quản trị rủi ro tại vùng 1.130 - 1.140 điểm.
Nhật ký giao dịch phái sinh tuần qua
Chiến lược giao dịch VN30F1M tuần qua. |
Thị trường phái sinh vừa có một tuần biến động phức tạp, chỉ số có 2 lần kiểm chứng không thành công đỉnh cũ 1.200 điểm khi bên mua (Long) tỏ ra thiếu quyết đoán trong những khoảnh khắc quyết định. Diễn biến có phần xấu đi ở thị trường chứng khoán thế giới khiến thị trường Việt Nam có lý do điều chỉnh.
Tuy nhiên, kế hoạch mua trong vùng 1.150 - 1.170 điểm không thay đổi, sự linh hoạt ở đây được thể hiện ở việc chia vốn ra giải ngân. Mua 30% trong vùng 1.160 - 1.170 điểm, mua tiếp 30% trong vùng 1.150 - 1.160 điểm. Giữ vị thế mua qua tuần.
Vùng hỗ trợ quan trọng là ngay chính tại vùng đệm trước Tết, 1.130 - 1.140 điểm. Do đó, kế hoạch quản trị rủi ro đặt tại ngưỡng này.