Chứng khoán nửa cuối 2023: Lạc quan thận trọng

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Thị trường đã trải qua nửa đầu năm 2023 tốt đẹp hơn kỳ vọng của nhiều nhà đầu tư. Bất chấp nền kinh tế còn nhiều khó khăn, với những động thái chính sách hỗ trợ nền kinh tế của Chính phủ, dòng tiền đã dần quay trở lại thị trường. Khi thị trường đã hồi tương đối, câu chuyện sẽ tiếp diễn với việc thực tế đáp ứng được bao nhiêu so với kỳ vọng.
Nhiều nhà đầu tư đã có nửa đầu năm khá thành công Nhiều nhà đầu tư đã có nửa đầu năm khá thành công

Mặt bằng giá cổ phiếu phục hồi nhanh

Thị trường chứng khoán luôn chứa đựng nhiều bất ngờ thú vị và đáy dài hạn chỉ có thể nhận biết khi nó đã đi qua. Đến thời điểm hiện tại, nếu kinh tế thế giới và trong nước không rơi vào suy thoái sâu, có thể khẳng định đáy dài hạn của chỉ số VN-Index được tạo lập ở vùng 875 điểm vào giữa tháng 11/2022. Ở vùng thị trường với bao sợ hãi, hoảng loạn và hoài nghi, chỉ số chung đã phục hồi mạnh mẽ, dù cũng trải qua không ít rung lắc và tiếp tục là sự hoài nghi của số đông.

Tính đến hết ngày 30/6/2023, các chỉ số chính ghi nhận mức tăng hơn 10% so với thời điểm đầu năm. Tuy nhiên, những con số thống kê đó chưa nói hết được mức độ tích cực của thị trường khi ở những cổ phiếu đơn lẻ, mức tăng giá là rất lớn. Đặc biệt, nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ ghi nhận tỷ suất lợi nhuận rất cao. Cụ thể, chúng ta có tỷ suất lợi nhuận tăng dần nếu đem so sánh VN30, VN50 và VN100. Ở một góc nhìn khác, khi đem so sánh tỷ suất sinh lợi các cổ phiếu trong chỉ số này theo cách tính trung bình đơn giản, chúng ta nhận được tỷ suất cao hơn so với trung bình theo vốn hóa. Điều đó cho thấy ở những cổ phiếu cụ thể, sức bứt phá là rất cao. Trong 6 tháng đầu năm, các cổ phiếu trong VN100 tăng trung bình hơn 20%.

Ông Bùi Văn Huy, Giám đốc Chi nhánh TP.HCM, Công ty Chứng khoán DSC

Ông Bùi Văn Huy, Giám đốc Chi nhánh TP.HCM, Công ty Chứng khoán DSC

Nhìn từ vùng đáy dưới 900 điểm năm ngoái, chỉ số VN-Index đã có mức hồi phục rất lớn. Không khó để tìm ra các cổ phiếu ngành chứng khoán, thép có thị giá tăng gấp đôi, thậm chí nhiều hơn từ đáy. Nhóm vốn hóa lớn như ngân hàng cũng không quá khó để tìm các mã phục hồi trên 50%. Ngành còn nhiều khó khăn như bất động sản cũng đã xuất hiện những cơ hội ăn bằng lần. Ở nhiều ngành khác như mía đường, nhựa, dược phẩm… cũng chứng kiến rất nhiều cơ hội mang lại lợi nhuận lớn.

Điều này đi đôi với thực trạng nhiều cổ phiếu đang neo ở vùng cao so với đáy và mặt bằng cổ phiếu đã không còn rẻ nữa, với triển vọng nền kinh tế chưa có nhiều dấu hiệu khởi sắc. Do đó, trong nửa cuối năm 2023 chưa hẳn là đã dễ dàng trong việc lọc tìm các cơ hội đầu tư.

Triển vọng cuối năm: Chờ câu trả lời từ nền kinh tế

Khi thị trường đã ở một mức định giá cao hơn, trong khi triển vọng nền kinh tế chưa chắc chắn, thị trường sẽ có sự phân hóa mạnh.

Khi nền kinh tế có nhiều dấu hiệu suy yếu, các chính sách hỗ trợ đã liên tiếp được đưa ra cả về tài khóa lẫn tiền tệ, với 4 lần giảm lãi suất điều hành liên tiếp, thúc đẩy đầu tư công và các biện pháp khác nhằm hỗ trợ người dân, doanh nghiệp. Tuy nhiên, cũng cần nhìn thẳng vào thực tế rằng các số liệu kinh tế vừa công bố về tăng trưởng GDP quý II/2023, hay các báo cáo PMI theo tháng đều cho thấy sự phục hồi kinh tế còn rất chậm và các chính sách gần như chưa có tác động nhiều.

Ở vùng vĩ mô xấu, thông tin tiêu cực về nền kinh tế là chuyện bình thường và không có gì đáng nói. Tuy nhiên, khi thị trường chứng khoán hưng phấn và các chính sách hỗ trợ được đưa ra gần hết, đó sẽ là câu chuyện nền kinh tế đáp ứng tương xứng như thế nào với kỳ vọng của thị trường. Dữ liệu GDP, hay PMI đều cho thấy ngành sản xuất Việt Nam đã có 3 quý suy giảm liên tiếp. Đây là đợt suy giảm kéo dài nhất kể từ năm 2012, nếu bỏ qua giai đoạn 2020 bất khả kháng vì đại dịch Covid-19. Nghĩa là khu vực sản xuất đang cực kỳ yếu trong điều kiện bình thường mới.

Trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu còn nhiều ẩn số, một lần nữa, đà phục hồi của nền kinh tế cần được theo dõi sát sao để xác định lại kỳ vọng. Tâm lý hưng phấn hiện tại được tạo nên từ kỳ vọng mọi thứ sẽ đi đúng hướng, hy vọng vào sự phục hồi sớm của nền kinh tế. Kinh tế phục hồi là cơ sở cho các nhóm ngành chính như ngân hàng, chứng khoán, thép, bất động sản… và nhiều nhóm ngành phục hồi theo đà hưởng lợi. Tuy nhiên, cũng cần bỏ ngỏ kịch bản nền kinh tế có thể trì trệ kéo dài. Chúng ta có quyền lạc quan từ nội lực của nền kinh tế, nhưng cũng không được phép chủ quan, mà cần cập nhật, theo dõi chặt chẽ.

Rõ ràng, khi thị trường đã ở một mức định giá cao hơn, trong khi triển vọng nền kinh tế chưa chắc chắn, thị trường sẽ có sự phân hóa mạnh. Ở đây, việc chọn cổ phiếu quan trọng hơn là đánh cược vào dư địa tăng của thị trường. Trong trường hợp nền kinh tế xấu hơn kỳ vọng, các cổ phiếu chu kỳ (đã tăng mạnh thời gian qua) có thể xuất hiện rủi ro và khi đó, các cổ phiếu phòng thủ khả năng sẽ quay trở lại một lần nữa. Các cổ phiếu có chất lượng tốt, mô hình kinh doanh ổn định và có bảng cân đối kế toán lành mạnh, không có khoản mục trọng yếu nào ảnh hưởng đến thanh khoản và hoạt động của doanh nghiệp sẽ là các lựa chọn ưu tiên.

Bùi Văn Huy
Theo Đặc san Doanh nghiệp niêm yết 2023

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục

VNIndex 1,209.52 0.0 0.0% 154,884 tỷ
HNX 226.82 0.0 0.0% 1,394 tỷ
UPCOM 88.76 0.1 0.11% 447 tỷ