Ngân hàng là nhóm cổ phiếu tăng trưởng
Ông Petri Deryng, Giám đốc Quỹ PYN Elite. |
Tại châu Âu, ngân hàng thường không phải khoản đầu tư tốt để nắm giữ.
Hoạt động cho vay tại Phần Lan chỉ tăng gần 3% trong 10 năm qua và tại châu Âu là 15%, trong khi đó, lợi nhuận ngân hàng giảm lần lượt 31% và 59%. Theo đó, lợi suất đầu tư mà cổ phiếu ngân hàng mang lại thường rất kém.
Tuy nhiên, cùng giai đoạn này, câu chuyện hoàn toàn khác ở Trung Quốc, Ấn Độ và Việt Nam. Trong 10 năm qua, các ngân hàng tại Việt Nam chứng kiến khoản cho vay tăng trưởng 331%, lợi nhuận tăng 241%.
Tại các nền kinh tế mới nổi, nhóm cổ phiếu ngân hàng được xếp vào nhóm cổ phiếu tăng trưởng.
Đáng chú ý, nhóm cổ phiếu ngân hàng nói riêng và ngành tài chính nói chung tại Việt Nam đang thấp hơn khoảng 2 lần so với đà tăng trưởng chung của chỉ số VN-Index.
Điều này đồng nghĩa với việc, giá cổ phiếu lĩnh vực này đã giảm mạnh hơn khoảng 2,5 lần so với chỉ số chung trong trung bình 2,5 năm qua.
Tăng trưởng lợi nhuận của các nhà băng ở mức khiêm tốn trong năm 2020 vì đại dịch Covid-19, tuy nhiên, trong giai đoạn 2020 - 2023, chúng tôi dự báo nhóm ngân hàng sẽ tăng trưởng lợi nhuận trung bình 18%/năm.
Đầu tư công tạo động lực cho ngành sản xuất thép, vật liệu xây dựng
Ông Andy Ho, Giám đốc Điều hành kiêm Trưởng bộ phận Đầu tư Tập đoàn VinaCapital. |
Chính sách tăng cường đầu tư công vào hạ tầng của Chính phủ nhằm thúc đẩy sự hồi phục kinh tế đã tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp trong ngành sắt thép, vật liệu xây dựng phục vụ cho việc đầu tư và phát triển cơ sở hạ tầng tăng trưởng mạnh mẽ.
Theo chúng tôi, HPG là một trong những cổ phiếu có tiềm năng tăng trưởng trong những năm tới, đặc biệt là trong năm 2021 với lợi nhuận dự báo tăng hơn 25% và định giá P/E chỉ khoảng 8 lần.
Doanh nghiệp này cũng được dự báo sẽ ghi nhận tăng trưởng công suất của Nhà máy Thép Hòa Phát Dung Quất trong năm mới, cụ thể là tăng trưởng sản lượng sản phẩm thép cuộn cán nóng (hot roll coil - HRC).
Hiện nay, tại Việt Nam chỉ có Formosa và HPG sản xuất được HRC, đa phần các doanh nghiệp khác phải nhập khẩu để phục vụ sản xuất.
Nên chọn cổ phiếu thấp hơn định giá của ngành
Ông Đào Phúc Tường, Chuyên gia chứng khoán. |
Theo quan điểm của tôi, khi lựa chọn đầu tư cho năm 2021 nên chọn cổ phiếu thấp hơn định giá của ngành, đồng thời có triển vọng tăng trưởng lợi nhuận bền vững, tăng trưởng cao gấp rưỡi trung bình ngành.
Tôi dành nhiều thời gian quan sát các doanh nghiệp như Savimex, Camimex, Transimex, Masan Resources, nhóm cổ phiếu hưởng lợi từ đầu tư công, bất động sản công nghiệp.
Nhiều bạn hỏi tôi về cổ phiếu GVR, tôi cho rằng, thị giá cổ phiếu này đã trở nên quá đắt đỏ so với giá trị doanh nghiệp. GVR tăng giá theo các thông tin quỹ đất chuyển thành khu công nghiệp, chứ không phải nhờ ngành cốt lõi là cao su.
Với cổ phiếu ngành năng lượng tái tạo, tôi thích các dự án thủy điện hơn dù nó khá buồn tẻ. Còn các doanh nghiệp đầu tư điện mặt trời, điện gió, về tổng thể vẫn chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ so với các ngành sản xuất điện như nhiệt điện, thủy điện…
Dòng tiền trên thị trường không dễ đảo ngược
Ông Trần Thăng Long, Giám đốc Phân tích, Công ty Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC). |
Cuối quý I/2020, VN-Index lần đầu tiên sau 3,5 năm giảm về vùng 660 điểm, tỷ lệ giảm hơn 30% trong thời gian ngắn, cùng chiều giảm với thị trường chứng khoán thế giới.
Thời điểm đó, không chỉ thị trường chứng khoán mà ngay cả nền kinh tế Việt Nam cũng đứng trước rủi ro lớn chưa từng có bởi dịch bệnh Covid-19 bắt đầu lan rộng trên thế giới.
Nhờ công tác điều hành chống dịch của Chính phủ và sự tuân thủ, ý thức của cộng đồng, các hoạt động kinh tế - xã hội vẫn diễn ra ở mức độ “bình thường mới”, tốt hơn nhiều so với các nước khác.
Trong bối cảnh đó, thị trường chứng khoán Việt Nam nổi lên như là một kênh đầu tư thay thế hiệu quả.
Minh chứng là thanh khoảng liên tục tạo kỷ lục mới và số lượng tài khoản mở mới trong năm 2020 đạt trên 300.000, tăng hơn 75% so với năm 2019. Kết thúc năm 2020, VN-Index tăng gần 15% so với cuối năm 2019.
Bước sang năm 2021, cá nhân tôi cho rằng, trong ngắn hạn, giá của cổ phiếu chịu tác động bởi nhiều yếu tố, trong khi xét về trung và dài hạn thì các yếu tố cơ bản, nhất là tăng trưởng lợi nhuận vẫn có vai trò quan trọng nhất.
Tính cả năm 2021, chúng tôi đang nghiên cứu hơn 60 doanh nghiệp một cách chặt chẽ, các doanh nghiệp này đại diện cho hơn 80% vốn hoá của VN-Index. Dự báo của chúng tôi là kết quả kinh doanh nhóm doanh nghiệp này tăng trưởng khoảng 28% so với năm 2020.
Như vậy, với mức lợi nhuận phục hồi tốt, ngay cả khi tính đến việc pha loãng cổ phiếu do phát hành thêm, niêm yết mới thì với mức định giá hiện tại, VN-Index có thể hướng tới mục tiêu tăng khoảng 22% so với năm 2020.
Bên cạnh yếu tố kết quả kinh doanh, tôi cho rằng, mặt bằng lãi suất thấp hơn, dòng tiền nhà đầu tư dồi dào hơn là lý do chính dẫn tới giá cổ phiếu tăng ngay cả trong đại dịch. Dòng tiền này không dễ đảo ngược, mà vẫn đang theo hướng ủng hộ sự tăng trưởng của thị trường chứng khoán.
Đối với yếu tố cơ bản là kết quả kinh doanh, sự phân hóa sẽ rất lớn, tùy thuộc vào nội tại của từng ngành và từng doanh nghiệp. Có những ngành còn nhiều thách thức như hàng không, du lịch..., vốn chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi Covid-19.
Song song với đó là những ngành sẽ được hưởng lợi từ các xu thế lớn, đó là mặt bằng lãi suất giảm, đầu tư công vào hạ tầng được đẩy mạnh, các đợt IPO, thoái vốn nhà nước được tái khởi động, dòng vốn FDI phục hồi sau đại dịch...