Mặc dù sau mỗi lần lao dốc, chỉ số S&P 500 vẫn đủ sức xoay sở để hồi phục chút ít, nhưng rất nhiều ý kiến cho rằng, đây chỉ là “động tác giả” và thị trường chứng khoán Mỹ chuẩn bị phải đối diện với đà lao dốc mạnh nhất kể từ khủng hoảng tài chính năm 2008. Thực tế, tất cả các chỉ số chính tại thị trường Mỹ trong tuần qua đều giảm mạnh và “sóng gió” còn đón đợi phía trước.
Chỉ số S&P 500 chính thức bước vào xu hướng đi xuống vào phiên cuối tuần trước, khi giảm hơn 10% từ mức đỉnh cao nhất lịch sử vào tháng 9/2018 ở gần 2.941 điểm.
Trong khi đó, chỉ số Nasdaq vốn đã trong đà đi xuống, khi các cổ phiếu công nghệ - chiếm tỷ trọng lớn trong chỉ số đang trải qua giai đoạn tồi tệ. Nguyên nhân xuất phát từ việc các công ty công nghệ và dịch vụ viễn thông lớn liên tiếp công bố các báo cáo kết quả kinh doanh đáng thất vọng, bao gồm cả Apple và Amazon.
Thực tế, Amazon và Alphabet (công ty mẹ của Google) đang là những trụ cột chính đối với cổ phiếu công nghệ. Nếu 2 cổ phiếu này đi xuống, cả thị trường cũng sẽ lao đao.
Vậy nhưng, Amazon vừa trải qua ngày tệ nhất kể từ đầu năm 2016, khi giá cổ phiếu giảm hơn 7%. Có lý do hợp lý để nhà đầu tư cảm thấy lo lắng, bởi tuần này, sẽ có thêm nhiều doanh nghiệp công bố kết quả quý III và nhiều tín hiệu cho thấy, đó không phải những con số như kỳ vọng.
Trong thời gian qua, đa số doanh nghiệp Mỹ đã bày tỏ lo ngại về việc đồng USD mạnh hơn, chi phí năng lượng gia tăng và các biện pháp áp thuế mà chính quyền Mỹ đang áp dụng với hoạt động thương mại Mỹ - Trung tác động trực tiếp tới hoạt động của doanh nghiệp.
United Parcel Service, Anheuser-Busch và Illinois Tool Works là các tên tuổi đứng trước nguy cơ lớn về rủi ro tỷ giá. Trong khi Facebook, CocaCola, General Motors, Alibaba, Chevron và ExxonMobil đều gặp phải những khó khăn kể trên.
Trong tuần tới, các số liệu kinh tế Mỹ cũng sẽ liên tục được công bố. Hiện tại, giới đầu tư đang chờ đợi số liệu việc làm mới trong tháng 10, khi trước đó, có 134.000 việc làm mới được tạo ra trong tháng 9, thấp hơn rất nhiều so với ước tính.
Tuy nhiên, tỷ lệ thất nghiệp tại Mỹ đang ở mức thấp nhất gần 50 năm qua và nhà đầu tư cần ghi nhớ rằng, trong bối cảnh này, nếu tăng trưởng tiền lương nhỉnh hơn chút ít so với con số 2,8% trong tháng 9 thì lạm phát sẽ chịu tác động và Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ đẩy nhanh hơn nữa quá trình bình thường hóa lãi suất.
Dù thị trường chứng khoán Mỹ đang chao đảo trong vài tuần gần đây, vẫn có 67% giới đầu tư tin rằng, Fed sẽ nâng lãi suất thêm một lần nữa trước khi năm 2018 kết thúc.
Điều này đồng nghĩa với việc, đồng USD ngày càng củng cố sức mạnh so với đồng tiền của các quốc gia khác trên toàn cầu và rủi ro tỷ giá là điều khó tránh khỏi với doanh nghiệp Mỹ.
Bên cạnh đó, giới chuyên gia vừa chỉ ra một vấn đề tại thị trường chứng khoán Mỹ. Cụ thể, chứng khoán Mỹ đã theo đà leo dốc trong ít nhất 2 năm qua. Các nhà đầu tư đã được hưởng quả ngọt và phần nào chuẩn bị cho việc thị trường điều chỉnh.
Cụ thể, một khảo sát mới đây cho thấy, danh mục của các nhà đầu tư dài hạn đang có tỷ lệ 50% dành cho chứng khoán và 50% còn lại dành cho các loại tài sản mang lại thu nhập cố định.
Trong bối cảnh hơn 1 nửa cổ phiếu thuộc chỉ số S&P 500 đã giảm giá ít nhất 20% trong 2 tuần qua, nhà đầu tư dài hạn sẽ muốn cân đối lại danh mục đầu tư của mình và chứng khoán là loại tài sản đầu tiên bị lựa chọn loại bỏ. Đây là quá trình cân bằng lại danh mục đầu tư và nhiều khả năng sẽ tạo nên “tổn thất” lớn cho thị trường chứng khoán Mỹ thời gian tới.