Trong tuần vừa qua, chỉ số MSCI châu Á - Thái Bình Dương tiếp tục giảm thêm hơn 2,2%, đẩy mức giảm kể từ tháng 1/2018 cho tới nay lên 21%.
Trong khi đó, chỉ số Topix (Nhật Bản) cũng giảm thêm 2,3%, hướng tới mức thấp nhất kể từ tháng 9/2017. Chỉ số Kospi 100 giảm 2,3% trong tuần qua, đưa thị trường chứng khoán Hàn Quốc vào xu hướng đi xuống, nhất là khi các số liệu mới công bố cho thấy, nền kinh tế nước này tăng trưởng thấp hơn dự báo trong quý III/2018.
Đáng chú ý nhất trong xu hướng giảm hiện tại là thị trường chứng khoán Đại lục, khi không ít các tổ chức tài chính đã nhận định, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới phải đối diện với nhiều thử thách từ vấn đề nội tại, cũng như sức ép từ cuộc chiến tranh thương mại với Mỹ.
Kể từ khi đạt đỉnh cao nhất vào ngày 24/1 cho tới nay, chỉ số Shanghai Composite đã giảm 27%, trong khi chỉ số tại sàn Thẩm Quyến giảm tới 34%. Điều này đồng nghĩa với việc cả 2 sàn chứng khoán lớn của Trung Quốc đều đã rơi sâu và vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại.
Có nhiều lý do dẫn tới việc thị trường châu Á trải qua giai đoạn lao đao hiện nay. Trong đó có việc căng thẳng thương mại Mỹ - Trung tác động tới hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp và tâm lý nhà đầu tư, mối lo ngại về tốc độ tăng trưởng kinh tế chậm lại tại các quốc gia châu Á, cổ phiếu công nghệ mất dần sức nóng và Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có tín hiệu đẩy nhanh quá trình bình thường hóa lãi suất.
Tuy nhiên, trong tuần qua, nguyên nhân trực tiếp khiến giới đầu tư lo lắng là việc đồng USD vừa đạt thêm mức đỉnh cao mới vào ngày thứ Tư (24/20).
“Đồng USD đã không ngừng mạnh lên trong năm nay và tốc độ tăng thậm chí còn nhanh hơn về cuối năm. Theo đó, các dòng tiền sẽ tiếp tục chảy về nước Mỹ, khiến các nền kinh tế mới nổi chứng kiến dòng tiền đổ ra bên ngoài cho tới hết năm”, Steve Leung, Tổng giám đốc UOB Hồng Kông cho biết.
Thực tế, việc USD mạnh hơn đã khiến dòng tiền chảy ra khỏi các quỹ đầu tư tập trung vào cổ phiếu tại thị trường châu Á, đồng thời buộc ngân hàng trung ương của các quốc gia trong khu vực tiến hành nâng lãi suất để bảo vệ đồng nội tệ.
Điều này lại càng tạo thêm áp lực cho thị trường chứng khoán khu vực. Steve Leung nhận định, chứng khoán châu Á sẽ còn chao đảo trong thời gian tới, ít nhất là cho tới hết năm 2018.
Kể từ đầu tháng 10, Chủ tịch Fed Jerome Powell tiếp tục thể hiện quyết tâm mạnh mẽ hơn trong việc bám sát chiến lược tăng lãi suất và đẩy mạnh hơn nữa vào năm sau.
Trong bối cảnh này, Armand Yeung, Giám đốc Central Asset Investments nhận định, động thái từ Fed là một trong những nguyên nhân chính khiến chứng khoán châu Á trở nên rất nhạy cảm.
“Liệu các thị trường châu Á có đủ sức chống trọi trước 4 lần tăng lãi suất nữa của Mỹ trong năm sau? Mọi người đều cân nhắc về vấn đề này và trở nên thận trọng hơn, chủ động giảm danh mục cổ phiếu tại các thị trường châu Á, tập trung vào các chứng khoán ít nhạy cảm hơn với biến động lãi suất và mua thêm trái phiếu”, Armand Yeung cho biết.
Với việc đã giảm tới 11% riêng trong tháng 10, chỉ số MSCI châu Á - Thái Bình Dương đang hướng tới mức giảm mạnh nhất trong 1 tháng kể từ khi khủng hoảng tài chính toàn cầu diễn ra cách đây 1 thập kỷ.
Chỉ số này đã giảm mạnh hơn nhiều so với S&P 500, Stoxx 600 và đa phần các thị trường chứng khoán khác trên toàn cầu ngoài châu Á trong năm nay. Nếu các cổ phiếu công nghệ, vốn chiếm 1/5 lượng cổ phiếu thuộc chỉ số này tiếp tục đi xuống, nhà đầu tư nên chuẩn bị cho những diễn biến gây sốc trong thời gian tới. Đây là nhận định của Kim McCafferty, người đứng đầu bộ phận chứng khoán châu Á tại Nomura Holdings Inc.