Sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tiến hành nâng lãi suất lần thứ 4 trong năm 2018, thị trường chứng khoán Mỹ chứng kiến đà bán tháo mạnh mẽ.
Đáng chú ý, đây là đợt bán tháo mới nhất, kéo dài thêm nỗi đau của sàn giao dịch chứng khoán Mỹ. Từ đầu tháng 12 tới nay, chỉ số S&P 500 đã giảm hơn 10%, xuống còn 2.467 điểm, chứng kiến tháng 12 tồi tệ nhất kể từ năm 1931 và nếu đà lao dốc này tiếp tục, đây sẽ là lần đầu tiên chỉ số này có màn biểu diễn tệ hại trong tháng 12.
Diễn biến chỉ số S&P 500.
Trong bối cảnh này, các dự báo đưa ra trước đó dường như đều trở nên ngớ ngẩn và các thành viên thị trường cần tìm kiếm một chỗ dựa mới. Peter Boockvar, Giám đốc chiến lược đầu tư tại Bleakley Advisory Group nhận định, giá cổ phiếu đã liên tục tạo ra các đáy mới kể từ đầu năm tới nay và giới phân tích kỹ thuật cũng cảm thấy thiếu tự tin khi đưa ra các nhận định.
“Đối với S&P 500, tôi cho rằng ngưỡng 2.400 nhiều khả năng sẽ là vùng hỗ trợ”, Peter Boockvar nhận định.
Trong khi đó, Joseph Tanious, chiến lược gia đầu tư cao cấp tại Bessenmer Trust, hiện quản lý khối tài sản hơn 100 tỷ USD cho rằng: “Hiện tại, nhà đầu tư đang bán tháo quá đà. Điều này có đồng nghĩa với việc thị trường sẽ không thể xuống thấp hơn nữa? Câu trả lời là không. Nhất là khi các phân tích kỹ thuật cho thấy, nhiều khả năng các chỉ số sẽ tiếp tục đi xuống”.
Cùng chung quan điểm, Michael Shaoul, CEO tại Marketfield Asset Managament LLC cho rằng: “Đúng là hiện tại giá cổ phiếu tại thị trường chứng khoán Mỹ đã ở mức hợp lý hơn so với cách đây vài tuần. Nhưng không loại trừ khả năng làn sóng bán tháo này vẫn chưa ngừng lại. Nếu nó xảy ra, chỉ số S&P 500 có thể xuống 2.344,6 điểm”.
Thực tế, mọi phân tích hiện tại đều nghiêng về tình huống tiêu cực đối với thị trường chứng khoán Mỹ. Cụ thể, các số liệu được công bố rất tích cực, nhưng giá cổ phiếu vẫn rơi không ngừng. Theo đó, tăng trưởng GDP Mỹ dự kiến đạt 3,1% trong quý IV/2018, nhưng chỉ số S&P đã giảm 16% kể từ mức đỉnh đạt được vào tháng 9/2018. Đây là lần đầu tiên nền kinh tế Mỹ tăng trưởng mạnh như vậy kể từ năm 2010 mà chỉ số S&P 500 lại giảm hơn 10%.
Đáng chú ý, diễn biến của thị trường chứng khoán Mỹ đang trở nên thất thường hơn so với trước đây. Hiện tại, chỉ số S&P 500 đã giảm 16%, chỉ cần giảm thêm 130 điểm nữa sẽ đạt tới mức giảm 20% trong quãng thời gian chỉ 91 ngày, nhanh hơn thường lệ rất nhiều.
“Với những bước đi này của thị trường, chúng ta sẽ chìm sâu vào thị trường giá xuống (bear market) vào cuối năm nay và đầu năm sau. Tất cả các tín hiệu hiện tại cho thấy, chỉ số S&P 500 sẽ còn đi xuống”, Laurence Benedict, người sáng lập Opportunistic Trader nhận định.
Theo các chuyên gia kinh tế, ngay cả khi giá cổ phiếu trở nên hợp lý hơn, tâm lý nhà đầu tư vẫn chưa đủ tích cực để giúp thị trường hồi phục. Theo đó, bên cạnh Fed, một trong những mối lo ngại của nhà đầu tư là tình hình cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung. Hiện tại, nền kinh tế Trung Quốc đang giảm tốc, không loại trừ khả năng sẽ tạo tác động lan tỏa tới tăng trưởng kinh tế toàn cầu và Mỹ.
Bên cạnh đó, một mối lo khác là việc tăng trưởng lợi nhuận của các doanh nghiệp Mỹ chậm lại. Các tổ chức kinh tế dự báo, tăng trưởng lợi nhuận của các doanh nghiệp thuộc S&P 500 sẽ ở mức 7,5% năm 2019, giảm mạnh so với mức 20% trong năm nay.
“Chúng tôi duy trì sự cẩn trọng, bởi cho rằng thị trường sẽ còn trở nên tồi tệ hơn trước khi hồi phục. Nhà đầu tư có thể tìm kênh đầu tư khác và chỉ nhận về lợi suất khoảng 2%, nhưng họ không phải chấp nhận rủi ro và sự bất ổn quá lớn”, Ed Keon, Giám đốc chiến lược đầu tư và nhà quản lý danh mục tại QMA cho biết.