Chứng khoán lao dốc: Trong nguy có cơ

(ĐTCK) Ngày 9/3/2020, áp lực bán trên diện rộng khiến thị trường chứng khoán Việt Nam chìm trong sắc đỏ, đẩy chỉ số VN-Index rơi xuống 835 điểm, mức thấp nhất trong vòng hơn 2 năm trở lại đây. Ông Đào Tuấn Trung, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu, Công ty Chứng khoán VietinBank cho biết, trong nguy có cơ nên đây cũng là thời điểm nhà đầu tư soi xét lại danh mục. 
Ảnh Shutterstock Ảnh Shutterstock

Tâm lý hoảng loạn ít nhiều đã diễn ra trong phiên ngày 9/3, khiến VN-Index ghi nhận giảm gần 56 điểm. Ông bình luận như thế nào về phản ứng của thị trường?

Ðây có thể là do ảnh hưởng tâm lý tiêu cực từ những diễn biến bất ngờ và khó lường của dịch bệnh trong bối cảnh nhà đầu tư đã liên tục hấp thụ các tin tức tiêu cực trong hai ngày nghỉ cuối tuần và bùng nổ giao dịch (theo chiều hướng xấu) ở trong phiên đầu tuần.

Ðiều này cũng là dễ hiểu khi thị trường chứng khoán là nơi mà tâm lý và hy vọng có tác động rất lớn tới diễn biến của cả chỉ số lẫn thị giá cổ phiếu. Một khi tâm lý nhà đầu tư mong manh hơn và kéo theo đó không còn nhiều hy vọng thì kịch bản hoảng loạn bán tháo tất yếu sẽ xảy ra.

Nhiều ý kiến cho rằng, phiên giao dịch 9/3 có yếu tố giải chấp của các tài khoản không đảm bảo tỷ lệ giao dịch ký quỹ (call margin). Còn quan điểm của ông?

Quan điểm chủ quan của chúng tôi không cho rằng, thị trường giảm điểm mạnh trong phiên giao dịch này là do yếu tố call margin trong bối cảnh phần lớn nhà đầu tư cũng đều ý thức được mức độ rủi ro và tiêu cực mà diễn biến dịch bệnh có thể gây ra trên thị trường chứng khoán.

Do đó, chắc hẳn phần nhiều nhà đầu tư cũng đều đã chủ động hạ tỷ trọng margin về mức thấp, an toàn hơn, nhằm tránh những phiên giao dịch không ngờ được mùa dịch bệnh.

Dường như cổ phiếu đang bị thị trường đánh đồng theo hướng tiêu cực nhiều hơn. Trong nguy có cơ, vậy nếu nói về cơ hội thì sẽ nghiêng về nhóm ngành, cổ phiếu nào cụ thể?

Với các cổ phiếu dầu khí, giá dầu giảm sâu thủng mốc 33 USD/thùng là mức hòa vốn của các công ty dầu khí Việt Nam. Do đó, tác động chung tới các doanh nghiệp dầu khí là không tích cực.

Cụ thể hơn, với PVD, việc giá dầu giảm nhiều khả năng khiến giới đầu tư Malaysia trì hoãn việc thuê giàn khoan, từ đó ảnh hưởng tới kết quả hoạt động kinh doanh.

Với PVS, mảng dịch vụ tàu kỹ thuật dầu khí chiếm tỷ trọng nhỏ trong cơ cấu doanh thu (12.8%) nên ít bị ảnh hưởng hơn so với PVD. Với PLX và GAS, do hoạt động kinh doanh chính là bán lẻ xăng dầu, vận chuyển và phân phối khí, tác động của giá dầu lên các doanh nghiệp này là không đáng kể.

Với các cổ phiếu phân bón, giá dầu giảm góp phần làm giảm chi phí của doanh nghiệp.

Ngoài ra, dịch Covid-19 làm tăng nhu cầu mua gạo, gián tiếp làm tăng nhu cầu sử dụng phân bón từ các hộ nông dân. Do đó, khuyến nghị canh mua tại các ngưỡng hỗ trợ với các cổ phiếu nhóm phân bón.

Với các cổ phiếu vận tải biển, giá dầu giảm góp phần làm giảm chi phí vận tải hàng hóa. Tuy nhiên, tình hình cạnh tranh tại các cảng chính như Hải Phòng, TP.HCM vẫn còn gay gắt, trong khi hoạt động xuất nhập khẩu tiếp tục suy giảm do sức mua tại các thị trường giảm do dịch Covid-19. Do đó, khuyến nghị theo dõi với các cổ phiếu nhóm vận tải biển.

Với các cổ phiếu thuộc nhóm cao su tổng hợp, giá dầu giảm giúp tiết kiệm được chi phí nguyên liệu đầu vào.

Tuy nhiên, sự xuất hiện của 2 nhà máy mới sẽ góp phần làm tăng lượng cung trên thị trường. Do đó, khuyến nghị theo dõi với các cổ phiếu nhóm cao su tổng hợp.

Với các cổ phiếu thuộc nhóm nhiệt điện khí, giá dầu giảm khiến giá khí tiếp tục có biến động cùng chiều, từ đó làm giảm nguyên liệu đầu vào của các cổ phiếu nhiệt điện.

Cùng với những dự báo về tình hình thời tiết nắng nóng kéo dài trong năm nay, các doanh nghiệp nhóm nhiệt điện có nhiều điều kiện thuận lợi để cải thiện hoạt động kinh doanh. Do đó, khuyến nghị mua với các cổ phiếu ngành nhiệt điện khí.

Cuối cùng, nhà đầu tư cũng có thể chú ý tới nhóm cổ phiếu có tính chất phòng thủ như cung cấp dịch vụ điện, nước, sản xuất hàng tiêu dùng thiết yếu cũng như kinh doanh dịch vụ y tế và thiết bị y tế.

Ở thời điểm này, P/E bình quân thị trường khoảng 13 lần, tương đương với thời điểm VN-Index ở mức dưới 600 điểm của năm 2016. Theo ông, việc tranh thủ tăng tỷ lệ cổ phiếu lúc này liệu có phù hợp?

Chúng tôi không khuyến nghị nhà đầu tư tham gia nâng tỷ trọng nắm giữ cổ phiếu trong thời điểm này, do vẫn chưa thể biết được chính xác đáy của VN-Index ở đâu, đồng nghĩa với việc thị giá các cổ phiếu vẫn còn có thể tiếp tục điều chỉnh xuống các mức thấp hơn nữa.

Một lần nữa, hành động tham gia bắt đáy cổ phiếu không được khuyến nghị, trừ phi nhà đầu tư có ý định nắm giữ cho mục tiêu trung hoặc dài hạn.

Ðối với những nhà đầu tư ngắn hạn, hành động sáng suốt nhất lúc này có lẽ là chuyển về trạng thái tiền mặt và đứng ngoài theo dõi, chờ đợi tín hiệu rõ ràng hơn.

Trong bối cảnh thị trường cơ sở vẫn còn hoảng loạn khi bị nhiều yếu tố chi phối. Nhà đầu tư có nên chuyển hướng sang chứng quyền hay phái sinh?

Chúng tôi cũng không có khuyến nghị gì do đầu tư vào thị trường cơ sở, chứng quyền hay phái sinh là ở quyết định của mỗi nhà đầu tư, với những chiến lược và mục tiêu riêng khác biệt trong bối cảnh thị trường nào cũng có điểm mạnh cũng như điểm yếu riêng, phù hợp với khẩu vị của từng người.

Hoàng Anh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục