Trong phiên thứ Năm, nghi ngờ về các chương trình nghị sự của chính quyền Tổng thống Trump như giảm thuế, tăng chi tiêu cho cơ sở hạ tầng, chứng khoán Mỹ đã đồng loạt giảm mạnh.
Chính những cam kết về giảm thuế, tăng đầu tư cơ sở hạ tầng, giảm các quy định trong lĩnh vực ngân hàng khi tranh cử đã giúp chứng khoán Mỹ có chuỗi tăng ấn tượng, liên tiếp thiết lập đỉnh cao mới khi ông Trump đắc cử Tổng thống Mỹ.
Tuy nhiên, hiện nay, ngoài việc hoàn thiện nội các có vẻ suôi sẻ, còn lại các chính sách khác mà chính quyền của ông Trump trình lên đều gặp khó ở Quốc hội. Trong khi đó, việc giải tán 2 hội đồng cố vấn về kinh tế của ông Trump với nhiều cố vấn là các CEO của các tập đoàn lớn càng khiến giới đầu tư càng có lý do nghi ngờ về các chương trình nghị sự về kinh tế của chính quyền Tổng thống Trump.
Kết thúc phiên 17/8, chỉ số Dow Jones giảm 274,14 điểm (-1,24%), xuống 21.750,73 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 38,10 điểm (-1,54%), xuống 2.430,01 điểm. Chỉ số Nasdaq giảm 123,19 điểm (-1,94%), xuống 6.221,91 điểm.
Tương tự, chứng khoán châu Âu cũng quay đầu giảm sau 3 ngày tăng liên tiếp do tác động của nhóm cổ phiếu ngân hàng sau khi biên bản cuộc họp của Fed vừa công bố cho thấy, các nhà hoạch định chính sách tiền tệ của Mỹ ngày càng thận trọng trước việc lạm phát thấp trong thời gian gần dây. Thậm chí, một số nhà hoạch định chính sách kêu gọi tạm dừng việc tăng lãi suất.
Việc Fed tạm dừng tăng lãi suất xét chung sẽ có lợi cho nền kinh tế và các thị trường, tuy nhiên, nhóm ngân hàng vốn được kỳ vọng sẽ được hưởng lợi từ việc tăng lãi suất bị ảnh hưởng.
Kết thúc phiên 17/8, chỉ số FTSE 100 tại Anh giảm 45,16 điểm (-0,61%), xuống 7.387,87 điểm. Chỉ số DAX tại Đức giảm 60,40 điểm (-0,49%), xuống 12.203,46 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp giảm 29,76 điểm (-0,57%), xuống 5.146,85 điểm.
Trên thị trường chứng khoán châu Á, chứng khoán Nhật Bản có phiên giảm điểm thứ 2 liên tiếp do đồng yên mạnh. Chứng khoán Hồng Kông cũng giảm nhẹ trong phiên thứ Năm, trong khi chứng khoán Trung Quốc đại lục duy trì đà tăng tốt khi Chính phủ Trung Quốc cho biết, sẽ trở nên cởi mở hơn với nhà đầu tư nước ngoài trong đó có nói đến một số ngành như sản xuất xe điện, thiết kế tàu biển, bảo dưỡng máy bay và vận tải đường sắt. Nhưng chi tiết không được đưa ra.
Kết thúc phiên 17/8, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 26,65 điểm (-0,14%), xuống 19.702,63 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 64,85 điểm (-0,24%), xuống 27.344,22 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 21,98 điểm (+0,68%), lên 3.268,43 điểm.
Trong khi đó, với việc khả năng Fed tăng thêm lãi suất đang ít đi, giá vàng được hưởng lợi và tiếp tục duy trì đà tăng trong phiên thứ Năm, dù biên độ tăng không như phiên trước đó.
Kết thúc phiên 17/8, giá vàng giao ngay tăng 4,7 USD/ounce (+0,37%), lên 1.287,5 USD/ounce. Giá vàng giao tháng 12 tăng 8,6 USD/ounce (+0,67%), lên 1.291,50 USD/ounce.
Giá dầu thô tăng trở lại trong phiên thứ Năm sau dữ liệu kho dự trữ của Mỹ tuần trước giảm. Cụ thể, kho dự trữ tại trung tâm trung chuyển Cushing, Oklahoma tuần trước giảm hơn 1 triệu thùng.
Kết thúc phiên 17/8, giá dầu thô Mỹ tăng 0,31 USD/thùng (+0,66%), lên 47,09 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 0,76 USD (+1,49%), lên 51,03 USD/thùng.