Chứng khoán Kim Long chưa chắc đã giải thể

Công ty cổ phần Chứng khoán Kim Long (mã KLS, sàn HNX) gây chấn động dư luận khi bất ngờ tuyên bố giải thể. Tuy nhiên, việc chính thức giải thể vẫn phải qua “cửa ải” của Đại hội đồng cổ đông.     
Định giá tài sản của Kim Long ước lượng khoảng 11.000 đồng/cổ phiếu Định giá tài sản của Kim Long ước lượng khoảng 11.000 đồng/cổ phiếu

Với nhiều doanh nghiệp khác, khi HĐQT đã quyết, thì gần như câu chuyện đã an bài và Đại hội đồng cổ đông chỉ “diễn” cho đủ thủ tục. Tuy nhiên, với Kim Long, câu chuyện không đơn giản như vậy, vì đây là công ty có tính đại chúng rất cao, với số lượng hàng ngàn cổ đông.

Do vậy, khả năng đề xuất giải thể của HĐQT bị bác tại Đại hội đồng cổ đông là hoàn toàn có thể xảy ra.

Thực chất, đây không phải lần đầu tiên đại gia ngành chứng khoán này gây chấn động trên thị trường. Cách đây 5 năm, Kim Long đã từng bất ngờ đề xuất vứt bỏ ngành kinh doanh chứng khoán để kinh doanh ngành khác. Tuy nhiên, công ty này phải tổ chức họp Đại hội đồng cổ đông lần thứ ba mới thành công và vì sức ép của các cổ đông, HĐQT buộc phải rút lại đề xuất chuyển đổi ngành nghề kinh doanh như dự kiến.

"Việc hoàn thành thủ tục giải thể sẽ mất khoảng 6 tháng, kể từ ngày Đại hội đồng cổ đông chính thức quyết nghị thông qua."

Trở lại câu chuyện về kế hoạch giải thể lần này, ông Hà Hoài Nam, Chủ tịch HĐQT Kim Long cho biết, thời gian qua, một số cổ đông đã kiến nghị giải thể Công ty, trả lại tiền cho cổ đông. Xét trên quyền lợi của cổ đông, HĐQT Công ty cho rằng, việc này hợp lý vì Công ty đã hoạt động không hiệu quả. Trong 2 năm gần đây, Kim Long chỉ chia cổ tức cho cổ đông khoảng 7 - 8%, trong khi năm 2016 dự kiến không trả được cổ tức vì năm 2015 bị lỗ.

Về phản ứng của thị trường, có vẻ như nhà đầu tư vui hơn là buồn trước thông tin Kim Long giải thể. Cổ phiếu KLS của Kim Long vẫn tăng giá ngay cả sau khi Công ty chính thức công bố thông tin về kế hoạch xin giải thể. Điều này một phần được lý giải bởi thị giá của Kim Long vẫn ở mức dưới 10.000 đồng/cổ phiếu, trong khi theo tính toán, khi giải thể và chia tiền, nhà đầu tư có thể nhận về khoảng 11.000 đồng/cổ phiếu.

Với những con số trên, theo lý thuyết, chỉ cần mua được cổ phiếu với giá dưới 10.000 đồng trên thị trường thì đương nhiên ăn chắc lợi nhuận trên 10%. Tuy vậy, thực tế có đơn giản như vậy không lại là câu chuyện của tương lai.

Theo lý giải của ông Nam, việc hoàn thành thủ tục giải thể sẽ mất khoảng 6 tháng, kể từ ngày Đại hội đồng cổ đông chính thức quyết nghị thông qua. Cụ thể, dự kiến phiên giao dịch cuối cùng của cổ phiếu KLS trên Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội sẽ diễn vào khoảng cuối tháng 8, đầu tháng 9 năm nay. Sau đó, Công ty sẽ lập danh sách cổ đông để tiến hành chia lại tiền theo quy định của pháp luật.

Đó là về mặt thời gian, còn câu chuyện thanh lý tài sản có thuận buồm xuôi gió hay không cũng còn là một ẩn số. Theo ông Nam, thuận lợi của Kim Long trong việc giải thể là tài sản chủ yếu là tiền mặt và cổ phiếu (khoảng 2.000 tỷ đồng), riêng cổ phiếu niêm yết có giá trị khoảng 300 tỷ đồng và sẽ được Công ty chủ động bán từ từ, mỗi ngày một ít để tránh thiệt hại cho Công ty.

Kế hoạch thanh lý tài sản của Kim Long như vậy là tương đối hợp lý, nhưng việc Kim Long giải thể lại là thông tin gây áp lực lên nguồn cung đối với danh mục cổ phiếu mà công ty này đang nắm giữ.

Thị giá của các cổ phiếu trong danh mục này sẽ biến động ra sao trong thời gian tới cũng là điều không dễ dự báo. Hiện tại, việc định giá tài sản của Kim Long ước lượng khoảng 11.000 đồng/cổ phiếu khi thanh lý dựa trên thị giá tài sản của công ty này trong thời điểm hiện nay. Tuy nhiên, nếu danh mục tài sản mà Kim Long đang nắm bị giảm giá, thì rất có thể số tiền mà cổ đông nhận về khi thanh lý Công ty sẽ hao hụt đi ít nhiều.

Chí Tín
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục