Chứng khoán khởi sắc, giá vàng, dầu cũng đồng loạt tăng theo

(ĐTCK) Trong phiên giao dịch cuối tuần trước, việc đồng USD xuống thấp, cùng với kết quả kinh doanh tích cực của các doanh nghiệp vừa công bố giúp phố Wall khởi sắc, giá vàng và dầu thô cũng hồi phục tăng trở lại.
Chứng khoán khởi sắc, giá vàng, dầu cũng đồng loạt tăng theo

Theo dữ liệu vừa được Bộ Thương mại Mỹ công bố, tăng trưởng GDP của Mỹ trong quý IV/2017 là 2,6%, thấp hơn mức dự báo, tuy nhiên chứng khoán Mỹ vẫn có phiên khởi sắc cuối tuần nhờ kết quả kinh doanh khả quan của các doanh nghiệp vừa công bố và đồng USD yếu.

Cụ thể, cổ phiếu của Intel tăng hơn 10%, lên mức cao nhất kể tư tháng 10/2000 sau khi công bố kết quả kinh doanh quý IV/2017 khả quan. Cổ phiếu của hãng dược phẩm AbbVie Inc cũng tăng 10% sau khi tăng dự báo lợi nhuận năm 2018 và cho biết, hy vọng sẽ tăng cổ tức và mua lại cổ phần.

Trong khi đó, đồng USD vẫn giảm sau phát biểu của Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steve Mnuchin hôm thứ Tư tuần trước về việc ủng hộ một đồng USD yếu và dữ liệu kinh tế khém lạc quan của Mỹ vừa công bố.

Bất chấp Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu ông muốn thấy một đồng USD mạnh sau phát biểu của ông Mnuchin một ngày, nhưng từng đó không đủ để kéo đồng USD trở lại.

Kết thúc phiên 26/1, chỉ số Dow Jones tăng 223,92 điểm (+0,84%), lên 26.616,71 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 33,62 điểm (+1,18%), lên 2.872,87 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 94,61 điểm (+1,28%), lên 7.505,77 điểm.

Phố Wall tiếp tục có tuần tăng điểm thứ 4 liên tiếp với mức tăng tốt hơn nhiều so với tuần trước. Cụ thể, trong tuần, Dow Jones tăng 2,09%, chỉ số S&P 500 tăng 2,23% và chỉ số Nasdaq tăng 2,31%.

Diễn biến tích cực của phố Wall, nhất là kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp vừa công bố cũng giúp chứng khoán châu Âu đồng loạt tăng điểm trở lại trong phiên cuối tuần sau 2 phiên giảm liên tiếp do đồng euro và bảng Anh tăng mạnh so với đồng USD.

Kết thúc phiên 26/1, chỉ số FTSE 100 tại Anh tăng 49,70 điểm (+0,65%), lên 7.665,54 điểm. Chỉ số DAX tại Đức tăng 41,81 điểm (+0,31%), lên 13.340,17 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp tăng 47,94 điểm (+0,87%), lên 5.529,15 điểm.

Dù hồi phục trở lại trong phiên cuối tuần, nhưng không đủ sức giúp chứng khoán châu Âu thoái khỏi tuần giảm điểm, ngoại trừ chứng khoán Pháp may mắn có được sắc xanh nhạt. Cụ thể, chỉ số FTSE 100 giảm 0,84%, tuần giảm thứ 2 liên tiếp, chỉ số DAX đảo chiều giảm 0,7% sau khi tăng khá mạnh 1,43% trong tuần trước đó, còn chỉ số CAC 40 có tuần tăng thứ 4 liên tiếp với mức tăng 0,05%.

Trên thị trường chứng khoán châu Á, sau phiên điều chỉnh hôm thứ Năm, chứng khoán Hồng Kông và Trung Quốc đại lục đã nhanh chóng lấy lại đà tăng trong phiên cuối tuần, thậm chí chứng khoán Hồng Kông còn vụt tăng mạnh hơn 1,5% nhờ lạc quan vào triển vọng kinh tế Trung Quốc đại lục và tiền chảy mạnh từ đại lục sang. Trong khi đó, chứng khoán Nhật Bản dù hồi phục mạnh phiên sáng, nhưng áp lực chốt lời nhóm cổ phiếu tài chính khiến chỉ số Nikkie 225 quay đầu mất điểm trong phiên chiều.

Kết thúc phiên 26/1, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 37,61 điểm (-0,16%), xuống 23.631,88 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 499,67 điểm (+1,53%), lên 33.154,12 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 9,82 điểm (+0,28%), lên 3.558,13 điểm.

Với những phiên giảm liên tiếp trong tuần, chứng khoán Nhật Bản đã đảo chiều giảm trở lại 0,74% sau tuần tăng 0,56% trước đó. Trong khi đó, chứng khoán Trung Quốc và Hông Kông tiếp tục bay cao với tuần tăng thứ 6 liên tiếp. Cụ thể, chỉ số Hang Seng tăng 2,79% và chỉ số Shanghai Composite tăng 2,01%.

Sau khi giảm mạnh trong cuối phiên thứ Năm khi ông Trump phát biểu về việc muốn thấy đồng USD mạnh và áp lực chốt lời khi giá vàng lên mức cao nhất 1,5 năm, giá kim loại quý này đã đảo chiều trở lại trong phiên cuối tuần.

Kết thúc phiên 26/1, giá vàng giao ngay tăng 2 USD/ounce (+0,15%), lên 1.349,3 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 2/2018 giảm 10,8 USD/ounce (-0,79%), xuống 1.352,1 USD/ounce.

Sau khi giảm nhẹ tuần trước đó, giá vàng đã tăng mạnh trở lại trong tuần qua nhờ đồng USD yếu. Cụ thể, giá vàng giao ngay tăng 1,41% và giá vàng tương lai giao tháng 2 tăng 1,43%.

Với việc đồng USD đang xuống thấp như hiện nay, giới chuyên gia đã có cái nhìn lạc quan hơn về giá vàng trong tuần này, trong khi giới đầu tư vẫn có cái nhìn tích cực về xu hướng của giá vàng như các tuần trước đó.

Cụ thể, trong cuộc thăm dò trực tiếp, có 21 chuyên gia tham gia trả lời, trong đó có 11 người, chiếm 52% dự báo giá vàng sẽ tăng tuần này, cao hơn nhiều con số 41% của tuần trước; có 8 người, chiếm 38% dự báo giảm, cũng cao hơn so với mức 35% của tuần trước; và 2 người còn lại, chiếm 10% dự báo giá vàng sẽ không thay đổi.

Tương tự, trong cuộc thăm dò trực tuyến, có 708 lượt người tham gia, trong đó có 436 lượt, chiếm 62% dự báo giá vàng sẽ tiếp tục tăng, tương đương với tuần trước (tuần trước là 61,8% và tuần trước nữa là 61%); có 190 lượt bình chọn, chiếm 27% dự báo giá vàng sẽ giảm trở lại, thấp hơn mức 29% của tuần trước và tương đương với tuần trước nữa; 82 lượt, chiếm 12% giữ quan điểm trung lập.

Trong khi đó, sau khi điều chỉnh nhẹ trong phiên thứ Năm do áp lực chốt lời, giá dầu thô đã nhanh chóng hồi phục trở lại trong phiên cuối tuần nhờ đồng USD giảm.

Kết thúc phiên 26/1, giá dầu thô Mỹ tăng 0,63 USD (+0,95%), lên 66,14 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 0,10 USD (+0,14%), lên 70,52 USD/thùng.

Nhờ thông tin về kho dự trữ dầu thô của Mỹ giảm và USD giảm mạnh, giá dầu thô đã lấy lại đà tăng mạnh trong tuần qua sau tuần điều chỉnh trước đó. Cụ thể, tuần qua, giá dầu thô Mỹ tăng tới 4,37% và giá dầu thô Brent tăng 2,78% sau khi cùng mất hơn 1% trong tuần trước đó.

T.Lê

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục