Giới đầu tư trên toàn cầu hiện có 2 mối lo lắng lớn: Đồng Nhân dân tệ giảm giá mạnh và Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) gắn chặt với kế hoạch nâng lãi suất.
Không may, cả 2 yếu tố này lại tạo tác động đầy đủ và mạnh mẽ nhất lên một khu vực - Hồng Kông. Trong phiên giao dịch ngày thứ Tư (4/7), chỉ số Hang Seng giảm thêm 1,1%, xuống mức thấp nhất 2 năm.
Nguyên nhân tác động trực tiếp là việc các số liệu kinh tế mới công bố cho thấy, nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm hơn dự báo, hoạt động thương mại có dấu hiệu “cầm chừng” trước diễn biến phức tạp giữa căng thẳng thương mại Mỹ - Trung.
Sau 5 quý tăng trưởng liên tiếp và đạt mức đỉnh lịch sử trong tháng 1/2018 (mức cao nhất kể từ năm 1996), chỉ số Hang Seng đã quay đầu lao dốc trong 3 tháng qua. Nguyên nhân xuất phát từ việc Hồng Kông có mối liên hệ chặt chẽ với các chính sách tiền tệ của Mỹ, đồng thời gắn kết với các doanh nghiệp có lợi nhuận phụ thuộc lớn vào sự thuận lợi của môi trường kinh doanh tại Trung Quốc.
“Mọi chuyện trở nên tồi tệ hơn. Các số liệu từ Trung Quốc không khả quan, diễn biến của đồng Nhân dân tệ gợi nhắc lại vụ sụp đổ thị trường năm 2015. Việc dòng vốn chảy ra bên ngoài là điều ai cũng có thể nhận thấy”, Stephen Innes, người đứng đầu bộ phận giao dịch chứng khoán khu vực châu Á - Thái Bình Dương tại Oanda Corp (Singapore) cho biết.
Thực tế, các nhà đầu tư đã mất niềm tin tại thị trường Hồng Kông, dù đây là nơi từng mang lại cho họ lợi suất cao hàng đầu trên toàn cầu trong tháng 1, bất chấp những nhận định lạc quan vẫn cho rằng, đây chỉ là nhịp điều chỉnh tạm thời. Các nhà đầu tư quốc tế đã rút gần 4 tỷ USD ra khỏi thị trường chứng khoán Hồng Kông kể từ đầu tháng Sáu tới nay, dù ngay trước đó đã rót vốn vào liên tiếp trong 17 tuần, theo số liệu của Hangfeng Wang và Yingqi Lin tại China International Corp.
Trong bối cảnh này, việc hàng loạt thương vụ IPO lớn diễn ra đang đe dọa sẽ tiếp tục hạ thấp giá trị của các cổ phiếu, khi hàng tỷ USD được rút ra khỏi thị trường để đầu tư vào cổ phiếu mới. Cổ phiếu của Xiaomi Corp dự kiến sẽ bắt đầu giao dịch vào ngày 9/7, sau khi thu về 4,7 tỷ USD từ bán cổ phần lần đầu ra công chúng. Meituan Dianping dự kiến sẽ IPO tại Hồng Kông với mục tiêu thu về khoảng 6 tỷ USD, trong khi China Tower Corp niêm yết có thể trở thành thương vụ lớn nhất trong lịch sử Hồng Kông kể từ năm 2010 tới nay.
Một áp lực khác mà thị trường chứng khoán Hồng Kông phải chịu là việc nhà đầu tư tại sàn giao dịch chứng khoán Thượng Hải bán cổ phiếu thông qua mối liên kết giữa 2 sàn. Thực tế, các nhà đầu tư Đại lục đã bán ròng tại sàn Hồng Kông trong 3 tháng liên tiếp thông qua mối liên kết Thượng Hải - Hồng Kông. Chưa kể, tỷ giá thay đổi khi USD mạnh lên cũng đẩy chi phí lãi vay cao hơn: Tỷ giá liên ngân hàng 1 tháng tại Hồng Kông lần đầu tiên ở mức trên 2%/năm kể từ năm 2008.
Trong bối cảnh hiện tại, không ít ý kiến cho rằng, tình hình tại Hồng Kông còn có thể tệ hơn nữa. Morgan Stanley dự báo, tháng 7/2019, chỉ số Hang Seng sẽ về mức 27.200 điểm, thấp hơn 4,7% so với giá đóng cửa ngày 4/7. Điều này đồng nghĩa với việc đà bán tháo tại Hồng Kông sẽ còn tiếp diễn.
“Đây là tình huống phức tạp với sự kết hợp của nhiều yếu tố: Nhân dân tệ yếu, giao dịch bất ổn, kỳ vọng Fed sẽ nâng lãi suất 4 lần trong năm nay và việc Chính phủ Trung Quốc tiếp tục đẩy mạnh kiểm soát hệ thống ngân hàng ngầm (shadow banking). Chúng tôi không kỳ vọng tình hình tại Hồng Kông sẽ thay đổi tức thì”, Laura Wang, chiến lược gia chứng khoán tại Morgan Stanley nhận định.