Chứng khoán, giá vàng và dầu thô đua nhau tăng

(ĐTCK) Bất chấp lo ngại về khả năng Fed tăng lãi suất, phố Wall và giá vàng tiếp tục duy trì đà tăng tốt trong phiên thứ Tư, trong khi giá dầu thô đã đảo chiều tăng trở lại sau phiên giảm trước đó.
Niềm vui nối dài với các nhà đầu tư phố Wall (Ảnh minh họa: AFP) Niềm vui nối dài với các nhà đầu tư phố Wall (Ảnh minh họa: AFP)

Kể từ khi ông Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ, phố Wall đã có chuỗi tăng ấn tượng với S&P 500 tăng 6% và Dow Jones tăng 9% khi giới đầu tư kỳ vọng chính sách kinh tế của ông Trump đưa ra như giảm thuế, tăng đầu tư vào cơ sở hạ tầng, loại bỏ một số quy định trong lĩnh vực ngân hàng.

Tuy nhiên, các biện pháp này cũng sẽ làm gia tăng áp lực lạm phát và khiến Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất nhanh hơn trong thời gian tới.

Trong biên bản cuộc họp tháng 12/2016 vừa công bố, Fed cũng tin tưởng vào đà phục hồi mạnh mẽ của nền kinh tế Mỹ, nên mối lo về khả năng cơ quan này tăng lãi suất nhanh và mạnh trong thời gian tới càng lên cao.

Tuy nhiên, bất chấp lo ngại khả năng Fed tăng lãi suất, phố Wall tiếp tục duy trì đà tăng phiên thứ 2 liên tiếp trong ngày thứ Tư. Trong 11 chỉ số ngành S&P, có tới 9 chỉ số tăng, chỉ có 2 chỉ số giảm là S&P năng lượng và viễn thông, bất chấp giá dầu thô tăng trở lại.

Kết thúc phiên 4/1, chỉ số Dow Jones tăng 60,40 điểm (+0,30%), lên 19.942,16 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 12,92 điểm (+0,57%), lên 2.270,75 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 48,92 điểm (+0,85%), lên 5.477,00 điểm.

Trên thị trường chứng khoán châu Âu, sau chuỗi ngày tăng tốt, các chỉ số chính trên thị trường châu Âu đã có dấu hiệu yếu đà. Chứng khoán châu Âu trong phiên thứ Tư chịu ảnh hưởng từ sự sụt giảm tới 14,4% của nhà bán lẻ Anh Next’s, kéo theo sự sụt giảm mạnh của các nhà bán lẻ khác.

Kết thúc phiên 4/1, chỉ số FTSE 100 tại Anh tăng 11,85 điểm (+0,17%), lên 7.189,74 điểm. Chỉ số DAX tại Đức tăng 0,07 điểm (+0,00%), lên 11.584,31 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp tăng 0,07 điểm (+0,00%), lên 4.899,40 điểm.

Trên thị trường chứng khoán châu Á, ngay sau khi giao dịch trở lại sau kỳ nghỉ lễ, chứng khoán Nhật Bản đã tăng vọt lên mức cao nhất 13 tháng khi dữ liệu kinh tế toàn cầu công bố trước đó lạc quan và đồng yên giảm, hỗ trợ cho nền kinh tế thiên về xuất khẩu của Nhật Bản. Trong khi đó, chứng khoán Hồng Kông điều chỉnh nhẹ trong phiên thứ Tư sau 4 phiên tăng liên tiếp. Còn chứng khoán Trung Quốc đại lục tiếp tục duy trì đà tăng tốt khi tâm lý nhà đầu tư được cải thiện.

Kết thúc phiên 4/1, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 479,79 điểm (+2,51%), lên 19.594,16 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 15,93 điểm (-0,07%), xuống 22.134,47 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 22,87 điểm (+0,73%), lên 3.158,79 điểm.

Sau khi lên mức cao nhất gần 14 năm trong phiên đầu năm mới, đồng USD đã điều chỉnh giảm trở lại trong phiên thứ Tư, giúp giá vàng duy trì đà tăng và lên mức cao nhất 4 tuần. Tuy nhiên, đà tăng cũng bị hạn chế ít nhiều khi nhà đầu tư lo lắng về khả năng Fed tăng lãi suất.

Kết thúc phiên 4/1, giá vàng giao ngay tăng 4,8 USD (+0,41%), lên 1.163,1 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 2/2017 tăng 3,3 USD (+0,28%), lên 1.165,3 USD/ounce.

Sau phiên điều chỉnh phiên đầu năm do áp lực chốt lời và chịu sức ép từ việc đồng USD lên mức cao nhất 14 năm, giá dầu thô đã phục hồi trở lại trong phiên thứ Tư. Giá dầu thô phục tăng gần 2% trong phiên thứ Tư khi giới đầu tư kỳ vọng kho dự trữ dầu thô của Mỹ tuần cuối cùng của năm 2016 giảm và các nhà sản xuất lớn sẽ thực hiện thỏa thuận cắt giảm sản lượng đạt được hồi tháng 12/2016.

Cụ thể, theo số liệu từ Viện Dầu khí Mỹ (API), các kho dự trữ dầu thô Mỹ giảm 7,4 triệu thùng trong tuần kết thúc ngày 30/12/2016. Giới phân tích dự đoán, các kho dự trữ dầu thô của Mỹ trong tuần trước sẽ tương đương với tuần trước đó. Con số chính thức sẽ được Cơ quan Năng lượng Mỹ (EIA) công bố vào thứ Tư.

Kết thúc phiên 4/1, giá dầu thô Mỹ tăng 0,93 USD/thùng (+1,78%), lên 53,26 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 0,99 USD (+1,78%), lên 56,46 USD/thùng.

T.Lê

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục